Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của PTT Nguyễn Xuân Phúc
VOV.VN -VOV.VN trân trọng giới thiệu toàn văn báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Thưa đồng bào, cử tri cả nước,
Thực hiện phân công của đồng chí Thủ tướng, thay mặt Chính phủ tôi trân trọng cảm ơn Quốc hội đã cơ bản đồng tình và có ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm đối với các báo cáo cũng như sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Tại Kỳ họp này, các vị đại biểu Quốc hội đã gửi 12 phiếu chất vấn đến Thủ tướng và 83 phiếu chất vấn đến các thành viên Chính phủ. Các chất vấn đã và đang được trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Trong hai ngày qua, đã có 4 thành viên Chính phủ trực tiếp trả lời và một số thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn.
Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và của cử tri, nhân dân cả nước nêu trong Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sau đây, tôi xin báo cáo và giải trình thêm một số vấn đề mà Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước quan tâm, chất vấn.
1. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015
Trong tháng 5, kinh tế xã hội nước ta tiếp tục đạt nhiều kết quả trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16%, 5 tháng tăng 0,2%. Tăng trưởng tín dụng đạt 5,18% (cùng kỳ năm 2014 là 1,51%). Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối cơ bản ổn định. Xuất khẩu tháng 5 tăng 1,1%, 5 tháng tăng 7,3%; nhập siêu 5 tháng khoảng 3 tỷ USD, chủ yếu là nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Thu ngân sách nhà nước tăng 7,9% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 7,6%; giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi tăng 11,8%. Sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2013 tăng 4,8%, năm 2014 tăng 5,6%). Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tuy gặp khó khăn nhưng vẫn phát triển ổn định.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,1%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,2% (cùng kỳ năm 2013 tăng 4,8%, năm 2014 tăng 6%). Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,5%, vốn đăng ký tăng 26,3%; số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động giảm 5,3% so với cùng kỳ .
Trong 5 tháng đã tạo việc làm mới cho trên 641 nghìn lao động, tăng 3,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu gần 45 nghìn lao động. Chủ động phòng chống dịch bệnh, nhất là Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) . Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí: Số vụ giảm 13,5%; số người chết giảm 4,9%; số người bị thương giảm 19%. Đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh kinh tế Á - Âu và đang hoàn tất để ký với Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, như Chính phủ đã báo cáo và ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu, kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Thiên tai, hạn hán diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống, nhất là tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tiêu thụ một số nông sản còn nhiều khó khăn (gạo, cao su, cà phê, trái cây...). Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm, trong đó nông, lâm, thủy sản giảm 9,5% so với cùng kỳ . Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 12,6%. Vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng...
Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát và chủ động ứng phó với diễn biến tình hình; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 đã được Quốc hội thông qua.
2. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm
Đây là vấn đề đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo giải trình cụ thể trước Quốc hội.
Như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu, khó khăn trong tiêu thụ nông sản đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Tình hình tiêu thụ nông sản trên thị trường thế giới chậm được cải thiện, cạnh tranh ngày càng gay gắt trong khi tái cơ cấu nông nghiệp nước ta còn chậm, chất lượng và khả năng cạnh tranh chưa đáp ứng yêu cầu.
Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và thị trường, doanh nghiệp với người dân... Đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh nông sản; phát triển các hình thức liên kết hợp tác, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; liên kết giữa người dân với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển cụm ngành, chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Thực hiện hiệu quả Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam.
Hai là, thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản . Ưu tiên nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Chuẩn bị tốt các điều kiện, khai thác tối đa các ưu đãi, lợi thế khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh và ứng phó với các rào cản kỹ thuật. Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế. Ban hành và triển khai Đề án phát triển xuất khẩu vào các thị trường khu vực đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Phát triển mạnh hệ thống thông tin thị trường để hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân.
Ba là, thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020”. Phát triển hệ thống phân phối, đẩy mạnh kết nối cung cầu, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường; nhân rộng các mô hình tốt về tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp. Tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Bốn là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và trực tiếp tiêu thụ nông sản. Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi, các biện pháp bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu (gạo, đường, muối, thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư nông nghiệp...). Xây dựng và ban hành danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành phục vụ thông quan điện tử theo cơ chế “một cửa quốc gia”. Hỗ trợ các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với hàng nông sản.
3. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông
Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công còn hạn hẹp trong khi nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng rất lớn, cần đa dạng hóa các hình thức, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng. Đây là chủ trương lớn đã được đề ra trong Nghị quyết 13 của Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XI) và được nhiều vị đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm. Đến nay, khung khổ pháp lý cơ bản được hình thành, đã huy động theo hình thức BOT, BT và doanh nghiệp tự đầu tư được 203.000 tỷ đồng cho 71 dự án đường bộ và 158.000 tỷ đồng cho hệ thống cảng biển, thiết bị bốc xếp. Hầu hết hệ thống cảng, bến trên đường thủy nội địa do các doanh nghiệp tự đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến huy động vốn ngoài Nhà nước khoảng 171.000 tỷ đồng đầu tư vào hệ thống đường bộ; khoảng 44.000 tỷ đồng vào kết cấu hạ tầng hàng hải, bằng 43% nhu cầu vốn đầu tư; khoảng 13.000 tỷ đồng vào kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, bằng 40% nhu cầu vốn đầu tư; khoảng 56.000 tỷ đồng vào hệ thống cảng hàng không và khoảng 14.000 tỷ đồng xây dựng nhà ga, kho bãi, khu dịch vụ đường sắt.
Chính phủ tập trung chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi hơn, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng theo đúng quy định của pháp luật, huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, bảo đảm phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế chính sách, giải pháp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng, nhất là lĩnh vực giao thông.
4. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo triển khai quyết liệt các Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đã sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Thời gian nộp thuế giảm từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm; tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử tăng từ 65% lên 95%.
Thực hiện Luật sửa đổi một số điều của các Luật thuế (có hiệu lực từ đầu năm 2015) giảm thêm 80 giờ, từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm. Thời gian nộp bảo hiểm xã hội giảm từ 335 giờ/năm xuống còn 235 giờ/năm. Thời gian thông quan từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu và 13 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu. Đã sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thời gian khởi sự kinh doanh giảm từ 34 ngày xuống còn 17 ngày. Thời gian tiếp cận điện năng từ lưới điện trung áp giảm từ 115 ngày xuống còn 33 ngày đối với đường dây trên không và 41 ngày đối với đường cáp ngầm.
Trong lĩnh vực quản lý đất đai, đã rà soát, giảm từ 71 thủ tục xuống còn 41 thủ tục đối với việc thành lập văn phòng đăng ký đất đai một cấp; rút ngắn được 5 đến 25 ngày đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận. Lĩnh vực khoáng sản cắt giảm gần 40% thủ tục.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, phấn đấu đến hết năm 2015 các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6 và đến hết năm 2016 một số chỉ tiêu chủ yếu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4.
5. Tập trung giải quyết tốt các vấn đề xã hội
Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến, chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước về các vấn đề xã hội và báo cáo giải trình thêm một số nội dung sau:
- Về giảm nghèo bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số: Giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu phát triển bền vững. Những năm qua, tuy ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nhưng lĩnh vực giảm nghèo vẫn tiếp tục được ưu tiên bố trí nguồn lực nhà nước và huy động sự tham gia của xã hội.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,97% vào cuối năm 2014; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo vẫn chưa đồng đều, bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn khó khăn còn cao, bình quân của 64 huyện nghèo là 32,59%, cao gấp 5,5 lần so với cả nước.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Chính phủ chỉ đạo xây dựng chương trình giảm nghèo đến năm 2020 theo hướng toàn diện hơn với chuẩn nghèo đa chiều. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người nghèo tiếp cận y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin, bảo đảm mức tối thiểu về dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, dạy nghề, khuyến nông lâm ngư...; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn gắn với xây dựng nông thôn mới. Ban hành và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách mới về bảo vệ và phát triển rừng, gắn với xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc. Thực hiện giao khoán rừng, áp dụng mức khoán, hỗ trợ cao hơn cho đồng bào dân tộc trong bảo vệ, chăm sóc, phát triển rừng gắn với chăn nuôi, trồng trọt để giảm nghèo nhanh hơn.
- Về dạy nghề, tạo việc làm: Để đạt được mục tiêu tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động trong năm 2015, Chính phủ chỉ đạo triển khai các giải pháp tạo việc làm mới thông qua phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, khuyến khích phát triển công nghiệp, dịch vụ; nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ tín dụng ưu đãi để người lao động tự tạo việc làm, xuất khẩu lao động. Thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo lại và chuyển đổi nghề nghiệp. Đổi mới cơ chế, chính sách dạy nghề; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, nâng cao chất lượng dạy nghề, nhất là cho lao động nông thôn. Bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo nghề công lập và ngoài công lập. Thực hiện tốt bảo hiểm xã hội, đề cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết hài hòa quan hệ lao động.
- Về y tế: Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tập trung làm tốt công tác y tế dự phòng, không để dịch bệnh lớn xảy ra, nhất là Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS-CoV). Thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện. Tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, khám chữa bệnh từ xa, phát triển cơ sở khám chữa bệnh vệ tinh, bác sĩ gia đình, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bệnh viện lớn. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh.
Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm. Giảm bớt các thủ tục hành chính về bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; làm tốt công tác truyền thông; tạo thuận lợi để người dân tham gia và khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
- Về bảo đảm an toàn lao động: Trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, khai khoáng . Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; kịp thời chỉ đạo khắc phục, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm gây mất an toàn lao động. Làm tốt công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỷ luật kỷ cương của người lao động và doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định về an toàn lao động. Hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật An toàn, vệ sinh lao động.
- Về giáo dục đào tạo: Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Tổ chức kỳ thi chung tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng, bảo đảm trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực học sinh và giảm chi phí xã hội. Huy động sự tham gia của toàn xã hội, có nhiều hình thức, hoạt động hỗ trợ thí sinh về ăn, ở, đi lại, “tiếp sức mùa thi”. Tổng kết công tác tổ chức thi năm 2015 để thực hiện hiệu quả hơn cho các năm sau. Triển khai xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới để bắt đầu thực hiện từ năm học 2018 - 2019.
6. Chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại thời gian qua vẫn còn lớn, riêng năm 2014, thiên tai đã làm 133 người chết và mất tích, gây thiệt hại tài sản khoảng 1% GDP.
Những tháng đầu năm 2015, hạn hán nghiêm trọng xảy ra ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tập trung chỉ đạo công tác chống hạn. Triển khai đồng bộ các giải pháp để chủ động ứng phó thiên tai: (1) rà soát, hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch của các ngành trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; (2) nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; (3) hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, góp phần cắt giảm lũ, chủ động tích nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt trong mùa cạn và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước.
Chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, đề án bảo vệ và phát triển rừng, trồng rừng thay thế, khôi phục rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long; nhà ở phòng chống lũ cho các hộ nghèo ở khu vực miền Trung. Xây dựng phương án cụ thể phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, chủ động theo dõi, bảo đảm sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang bị theo phương châm "4 tại chỗ", ứng phó kịp thời, xử lý có hiệu quả các tình huống xảy ra. Kiểm tra, rà soát, có phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền, công trình phục vụ sơ tán dân, hệ thống điện, thông tin liên lạc, trường học, trạm y tế... Hoàn thiện quy hoạch bố trí dân cư, nhất là các khu vực thường xuyên bị thiên tai, bảo đảm kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường.
7. Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường và năm 2015 có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội càng có ý nghĩa quan trọng. Chính phủ tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm. Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong phòng chống tội phạm và tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động giải quyết, xử lý kịp thời, không để bị động, bất ngờ, phát sinh các "điểm nóng" về an ninh trật tự, nhất là liên quan đến giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, khiếu kiện đông người. Kiên quyết trấn áp các loại tội phạm, tập trung triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, tội phạm ma túy, tội phạm buôn lậu. Đề cao trách nhiệm và xử lý nghiêm người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, Thủ trưởng cơ quan công an để xảy ra tình hình tội phạm phức tạp, kéo dài.
Bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước và Đại hội Đảng các cấp. Tăng cường quản lý thông tin mạng; ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng.
Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong những tháng đầu năm tuy đạt được nhiều kết quả nhưng vừa qua vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các quy định pháp luật, làm tốt hơn công tác truyền thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải; đề cao vai trò, trách nhiệm của lực lượng thực thi pháp luật; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm.
Đẩy nhanh tiến độ và quản lý chặt chẽ chất lượng thi công các dự án đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và mở rộng kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thành đưa vào khai thác dự án nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm khác và hạ tầng giao thông nông thôn, hệ thống cầu treo, cầu dân sinh.
Triển khai các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải đường bộ, đường sắt ; kiên quyết xử lý tình trạng xe quá tải, xóa các “điểm đen” giao thông. Tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý chất lượng và chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện. Tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, nhất là xe vận tải hành khách và xe công-ten-nơ. Hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Thưa Quốc hội,
Thay mặt Chính phủ và đồng chí Thủ tướng, tôi đã báo cáo giải trình thêm một số vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước quan tâm, chất vấn. Chính phủ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giám sát của Quốc hội để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2015.
Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!./.