"Bộ trưởng đã không thoái thác trách nhiệm"
VOV.VN -Nhiều ý kiến cho rằng Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhìn thẳng vào thực tế, kể cả những việc chưa làm được để tìm hướng giải quyết trong phần trả lời chất vấn của các đại biểu.
Là thành viên nữ Chính phủ duy nhất trả lời chất vấn trước Quốc hội, sáng nay (19/11), Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã thẳng thắn trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội về nợ đọng bảo hiểm xã hội, việc đào tạo nghề cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa.
Bộ trưởng đã không hề thoái thác trách nhiệm mà luôn nhìn thẳng vào thực tế, kể cả những việc chưa làm được để tìm hướng giải quyết. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội nhận xét về phần trả chất vấn của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền.
Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền về thực trạng thất nghiệp trong xã hội hiện nay, đặc biệt là sinh viên mới ra trường. Bộ trưởng đã đưa ra các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu; giải pháp xử lý các doanh nghiệp vi phạm về nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương và lộ trình tăng lương. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa, đoàn Bắc Ninh cho rằng: Thực tế thời gian qua cho thấy, cơ hội có việc làm của phụ nữ thấp hơn nam giới khi không có tay nghề, chủ yếu chị em chỉ được đào tạo nghề ngắn hạn, đặc biệt ở nông thôn nên thu nhập chỉ tạm thời và không ổn định:
“Nếu cứ để phụ nữ ra thành phố kiếm việc làm thì đây là một nguy cơ với phụ nữ. Chúng tôi mong muốn chương trình dạy nghề của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phải nâng cao nhận thức của phụ nữ về học nghề. Ngoài ra, việc đào tạo nghề cho phụ nữ cần mang tính truyền nghề vì chị em có con nhỏ mà lên trung tâm huyện hằng ngày thì rất khó khăn”.
Bày tỏ sự băn khoăn về số lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm gần 60% số lao động thất nghiệp mà Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn, đại biểu Trương Văn Vở, đoàn Đồng Nai mong muốn, thời gian tới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ có nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này.
Chưa chú trọng đào tạo về kỹ năng nghề
Theo dõi phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền về vấn đề việc làm cho sinh viên ra trường, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thị trường lao động tồn tại nghịch lý lâu nay là: nhiều người lao động mất việc làm, học sinh trường nghề không xin được việc, trong khi doanh nghiệp lại không tuyển dụng được lao động đáp ứng yêu cầu. Nghịch lý này phần nào do cơ cấu đào tạo chưa phù hợp, chưa chú trọng đào tạo về kỹ năng nghề mà phần lớn là nặng về lý thuyết, học sinh, sinh viên cũng chưa có nhiều sự trải nghiệm nên khó đáp ứng nhu cầu thị trường.
Năm 2015, Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, thị trường lao động sẽ mở rộng, vì vậy, lực lượng yếu thế nhất vẫn là những học sinh, sinh viên mới ra trường.
Ông Trần Anh Tuấn kiến nghị: “Xác định các trường trọng điểm, chất lượng cao để hoàn thiện trước khi đào tạo một đội ngũ nhân lực có chất lượng hơn, phù hợp với yêu cầu mới. Một mặt phải phổ cập kiến thức còn hổng cho những sinh viên, một mặt bồi dưỡng cho người ra trường từ những năm trước mà thiếu hụt để phù hợp với sự phát triển. Khi sự hội nhập về lao động được rõ ràng, thì khi hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN nhu cầu việc làm sẽ làm tăng lên rất nhanh”.
Cần quan tâm tới đối tượng chính sách
Cử tri Lê Hoàng Gia, ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng cho rằng, các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng hiện nay sống dựa vào lương, phụ cấp của Nhà nước quá ít. Mức sống của họ tại địa phương so với nhiều đối tượng khác còn thấp nên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quan tâm, làm sao để mức sống của họ bằng với người dân xung quanh.
Còn ông Nguyễn Thuận, phó Chủ tịch Hội luật gia thành phố Đà Nẵng băn khoăn: “Hiện nay đào tạo nghề quá nhiều nhưng sau khi ra trường lại không xin được việc làm. Về xuất khẩu lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này nhưng có quá nhiều lỏng lẻo, tiêu cực, hối lộ, để xảy ra tình trạng người lao động qua nước sở tại nhưng không làm đúng nghề, làm mất tuy tín lao động Việt Nam, thậm chí vi phạm pháp luật. Thời gian tới, Bộ dứt khoát phải làm mạnh tay vấn đề này”.
Cử tri Lê Văn Hoa, ở phường Phước Long, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chưa thực sự hài lòng với phần trả lời chất vấn của Bộ Trưởng Phạm Thị Hải Chuyền.
Theo ông Hoa, Bộ trưởng mới chỉ ra những nguyên nhân việc sinh viên sau khi ra trường không xin được việc làm, nhưng không đưa ra được những giải pháp khả thi thực hiện.
Nhiều câu trả lời còn chung chung
Nhiều cử tri ở Tiền Giang cho rằng Bộ trưởng nói chung chung, chưa làm rõ vấn đề đại biểu đặt ra. Về vấn đề tạo công ăn việc làm cho người lao động, cử tri Trần Văn Hổ ở xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang phản ánh việc đào tạo ngành nghề chưa phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân dẫn đến người lao động khó tìm được việc làm, dẫn đến thất nghiệp.
Ông Hổ nêu ý kiến: “Có sự mất cân đối giữa phát triển công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực vì thực tế cho thấy đào tạo nhưng không đúng với nhu cầu của người sử dụng lao động. Vì vậy, Nhà nước nên có điều chỉnh giáo dục dạy nghề, tập trung vào nhu cầu của nơi sử dụng lao động, người lao động cần gì để đào tạo”.
Cử tri Nguyễn Bá Sơn, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk trăn trở: “Để đầu tư cho con em học từ THPT đến tốt nghiệp Đại học mỗi gia đình cũng phải mất mấy trăm triệu đồng. Nhưng đến khi ra trường, tấm bằng Đại học cũng chỉ treo trên tường, có em học xong phải học thêm nghề hớt tóc, nghề sửa xe… Vì vậy, kiến nghị Nhà nước cần quan tâm, tạo điều kiện đến những trường hợp này”./.