Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận yếu kém của giáo dục ĐH

Giáo dục ĐH hiện nay cần phải được tái cấu trúc, đổi mới căn bản và toàn diện như đối với tái cấu trúc nền kinh tế.  

Dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, sáng 24/11, Quốc hội tiếp tục làm việc với phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận.

Trong phiên chất vấn, nhiều đại biểu tập trung chất vấn về chất lượng giáo dục ĐH, giải quyết tình trạng học thêm-dạy thêm, đầu tư cho giáo dục mầm non, chính sách thâm niên cho nhà giáo.

Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn

Phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phan Văn Tường (đoàn Thái Nguyên), Trần Minh Diệu (đoàn Quảng Bình) về một số trường hiện nay không tuyển đủ số lượng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Chất lượng giáo dục ĐH hiện nay chưa đạt chất lượng. Nhiều trường ĐH không tuyển đủ sinh viên là do cơ sở vật chất còn thiếu thốn, năng lực giáo viên còn hạn chế.

Trong những đợt khảo sát, tìm hiểu về trường, nhiều bậc phụ huynh và sinh viên đã tự nhận thấy, một số trường không đủ tiêu chuẩn nên đã không đăng ký thi và dự xét tuyển. Điều này dẫn đến tình trạng vừa qua một số trường không tuyển đủ số lượng. Việc thành lập các trường ĐH hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, số lượng trường đạt chất lượng còn ít.

Bộ GD-ĐT đang tiến hành khảo sát, thanh tra một số trường ĐH không đảm bảo chất lượng. Trên cơ sở đó, giảm tỷ lệ sinh viên/giáo viên, chỉ đạo các trường xem xét lại việc mở ngành, đào tạo lại đội ngũ giáo viên.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với việc cho phép thành lập trường, tuyển sinh. Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Năm 2010, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã cho ngừng tuyển sinh của 2 trường ĐH không chấp hành quy định tuyển sinh; cho dừng tuyển sinh, đóng ngành đối với 101 chuyên ngành không đảm bảo chất lượng. Hiện nay, Bộ Giáo dục-Đào tạo đang tiến hành thanh tra tại 20 trường và sẽ công khai xử lý nếu những trường này không đảm bảo các yêu cầu về tuyển sinh, thành lập trường.

Đối với việc kiểm tra điểm sàn, Bộ GD-ĐT đã tiến hành thanh tra ở các địa phương và đã không phát hiện sai phạm.

Cho đến nay, chưa phát hiện sai phạm của các cơ quan quản lý giáo dục từ Trung ương và địa phương. Bộ GD-ĐT cũng đang phối hợp với UBND các tỉnh, Sở GD-ĐT các địa phương để tiến hành thanh tra các trường ĐH không đáp ứng yêu cầu đào tạo. Nếu phát hiện cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước không thực hiện nghiêm, công khai chính xác chất lượng thì sẽ xử lý nghiêm.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, thực trạng giáo dục ĐH hiện nay cần được cải thiện căn bản, toàn diện từ chương trình, giáo viên, hệ thống quản lý, đề án đổi mới toàn diện sách giáo khoa, nội dung chương trình giảng dạy. Chúng ta cần những trường tốt, tương xứng với những trường ở trong khu vực và trên thế giới nên sắp tới sẽ kiên quyết giải thể, đình chỉ hoạt động những trường không đáp ứng yêu cầu.

Các địa phương cần có quy hoạch nguồn nhân lực trong tương lai

Trong phiên chất vấn, một số đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về chất lượng yếu kém của hệ giáo dục tại chức, từ xa. Vấn đề này đã được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, nguyên nhân của tình trạng này là do hiện tượng chạy theo bằng cấp. Người học chưa ý thức được việc học nghiêm túc, một số địa phương chưa coi trọng chất lượng, kiểm soát chặt chẽ hoạt động ở các trường ĐH mở hình thức đào tạo tại chức. Tuy nhiên, để giải quyết thực trạng yếu kém này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể, thuyết phục đại biểu Quốc hội.

Cũng tại phiên chất vấn, có đại biểu Quốc hội cho rằng, Giáo dục ĐH hiện nay cần phải được tái cấu trúc, đổi mới căn bản và toàn diện như đối với tái cấu trúc nền kinh tế.

Sẽ quy hoạch nguồn nhân lực đối với ngành khoa học xã hội

Trong những năm gần đây, nhiều trường ĐH phải đóng cửa các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong tương lai. Băn khoăn của đại biểu Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (đoàn TP HCM) được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, không riêng gì các ngành Khoa học xã hội và Nhân văn và nhiều ngành khác như: Nông-lâm-ngư chỉ có 2,5% số hồ sơ đăng ký vào ngành này, kiến trúc xây dựng chỉ có 1,8% hồ sơ đăng ký.

Đây là một thực trạng về sự mất cân đối giữa nhu cầu ngành học và tuyển dụng nhân lực. Để giải quyết vấn đề này, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các địa phương khảo sát nhu cầu học của thanh niên và quy hoạch ngành nghề tuyển dụng trong tương lai; đồng thời Bộ đang nghiên cứu trình Chính phủ xem xét có thêm các chính sách khuyến khích người học vào những ngành Khoa học xã hội và Nhân văn cũng như những ngành nghề đang thiếu và cần trong tương lai. Ngoài ra, cũng cần có giáo dục truyền thông để định hướng nghề nghiệp phù hợp cho học sinh từ bậc PTTH.

Trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giải trình thêm về chất lượng giáo dục ĐH. Theo đó, để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cần công bố chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra đối với một sinh viên. Ngoài ra, cần có sự đột phá về quản lý chất lượng giáo dục, phân cấp trách nhiệm của các địa phương trong quản lý hệ giáo dục ĐH, đánh giá chất lượng giáo viên. Chính sách đầu tư cho giáo dục ĐH nên theo hướng kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư cho giáo dục, hướng tới giao quyền tự chủ cho các trường dựa theo chất lượng đào tạo.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Trong những năm qua, giáo dục Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục hiện nay chưa đạt yêu cầu. So với các nước trong khu vực, hệ thống giáo dục của nước ta còn thấp.

Nguyên nhân của sự yếu kém là do sự quản lý Nhà nước còn lỏng lèo nên cần tăng cường làm tốt hơn để đưa sự nghiệp giáo dục-đào tạo phát triển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên