Cải cách mạnh mẽ - Đòi hỏi có tính chất mệnh lệnh với Việt Nam
VOV.VN - “Việt Nam có những cơ hội sắp tới để trỗi dậy. Nếu không mạnh dạn cải cách, nỗ lực vượt lên thì tổn thất rất nặng nề trong 5 đến 10 năm tới”.
Niềm tin mãnh liệt vào sự trỗi dậy của Việt Nam, khao khát về quê hương cống hiến là điều dễ nhận thấy khi trao đổi với PGS Vũ Minh Khương (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – ĐH Quốc gia Singapore). Là người chuyên nghiên cứu dự án về tăng trưởng và phát triển, PGS Vũ Minh Khương nhấn mạnh, con đường đưa đất nước tới phồn vinh là cải cách mạnh mẽ và quy tụ hiền tài chung sức đóng góp trên cơ sở tầm nhìn chiến lược.
30 năm tới là cơ hội để Việt Nam vươn lên
PV: Đại hội Đảng XII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, một nhiệm kỳ mới với những kế hoạch lớn cũng được định hướng. Ông nhận định thế nào về thuận lợi và thách thức của Việt Nam trong thời gian tới?
PGS Vũ Minh Khương: Tôi thấy 30 năm tới là cơ hội để Việt Nam vươn lên, đặc biệt 5 năm tới là những năm nền tảng. Tôi mừng vì vừa qua Đại hội Đảng XII đã bầu ra bộ máy tương đối mạnh, tôi ấn tượng tốt về suy nghĩ và phẩm chất của đội ngũ này.
Việt Nam có những cơ hội sắp tới để trỗi dậy, nhưng nếu không nỗ lực cải cách thì có những nguy cơ rất đặc biệt. Bởi hiện nền kinh tế chúng ta hội nhập rất cao, thực lực chưa nhiều, phụ thuộc vào nước ngoài nên tính tổn thương rất lớn. Nếu không mạnh dạn cải cách, nỗ lực vượt lên thì tổn thất dễ nhìn thấy trong 5 đến 10 năm tới. Cho nên đây là đòi hỏi có tính chất mệnh lệnh.
PGS Vũ Minh Khương |
PV: Động lực từ công cuộc Đổi mới trước đây mang lại đang dần ít phát huy tác dụng. Theo ông, giai đoạn tới chúng ta nên tập trung vào đâu, có bước đi thế nào?
PGS Vũ Minh Khương: Đó là câu hỏi rất hay. Khi nghĩ về điều này tôi trăn trở hai điểm: Thứ nhất tâm sự của ông Lý Quang Diệu (cố Thủ tướng của Singapore) khi ông ở Khách sạn Sofitel Hà Nội 9 năm trước đây. Sau khi quan sát rất kỹ ở Hà Nội, ông có nói: Nếu người dân Việt Nam này có một thể chế quản lý tốt hơn, trọng hiền tài hơn, họ sẽ làm được tất cả những gì mà Singapore đã làm được.
Điểm thứ 2 khi nói đến một cuộc cải cách lớn, chấn hưng thì chúng ta phải học kinh nghiệm của Nhật Bản thời kỳ Minh Trị Duy Tân. Đó là dân chủ hóa xã hội để mọi người ở tất cả các ngóc ngách đều có thể đóng góp sức mình cho công cuộc phát triển đất nước; tuân thủ theo quy luật thời đại và truy tìm tinh hoa của nhân loại để làm nền tảng phát triển quốc gia.
Đó là những điều Việt Nam hôm nay phải tâm đắc, suy ngẫm, học hỏi để vượt lên.
PV: Hiến pháp năm 2013, nhiều bộ luật mới ra đời cho thấy độ tiến bộ và cởi mở rất rõ. Nghị quyết Đại hội Đảng XII cũng thẳng thắn chỉ ra những ưu khuyết điểm và định hướng lớn phát triển đất nước. Ông đánh giá thế nào?
PGS Vũ Minh Khương: Tôi thấy có những đổi mới nhất định trong môi trường kinh doanh cũng như một số quy định pháp luật tác dụng tốt hơn với doanh nghiệp. Nhưng về mặt dân chủ hóa xã hội chưa cao, chưa có thể tạo điều kiện lớn để hiền tài ở các nơi đóng góp vào sự trỗi dậy của đất nước. Đó là thôi thúc toàn dân. Hiến pháp cũng như những cải cách thể chế phải khơi dậy được nguồn lực lớn lao này.
Xét ở quan điểm đưa đất nước mạnh lên từ biển và giàu lên từ biển, Việt Nam như hình chữ S với 3 tổ cụm rất lớn: Hải Phòng – Quảng Ninh; Miền Trung – Đà Nẵng; TPHCM hoàn toàn có thể trở thành những căn cứ hậu cần rất lớn cho thế giới, mà phải nói Singapore nhìn cũng “ngại” nếu chúng ta có những nỗ lực đặc biệt. Cái chính là làm sao dùng người tài, chiến lược mạnh mẽ đưa dân tộc trỗi dậy.
PV: Hiện đất nước chúng ta hội nhập rất sâu, tham gia nhiều cơ chế và diễn đàn với những cam kết chặt chẽ. Lợi thế và thách thức cần được nhận diện như thế nào trong điều kiện hiện nay, thưa ông?
PGS Vũ Minh Khương làm việc tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu – ĐH Quốc gia Singapore từ 2006, chuyên nghiên cứu dự án về tăng trưởng và phát triển. Ông từng thỉnh giảng tại nhiều trường đại học ở Mỹ và Nhật Bản.
Ông hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ tại Đại học Harvard, được khắc tên trang trọng trên bảng vàng của trường Hành chính Kennedy. PGS Vũ Minh Khương tham gia nhiều chương trình hướng về quê hương và hiện là Trưởng Ban danh dự Ban liên lạc cộng đồng người Việt ở Singapore.
PGS Vũ Minh Khương: Xin chia sẻ với bạn khảo sát của chúng tôi về 10 thành phố thông minh trong tổng thể khảo sát các thành phố của các nước ASEAN làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều. Đó là 3 điểm người Việt Nam mình vượt trội và 3 điểm lo lắng hơn.
3 điểm vượt trội hơn: Thứ nhất, mọi người đều có khát khao rất lớn về tương lai phồn vinh của thành phố mình và sẽ sẵn sàng làm tất cả để đóng góp. Thứ hai là ủng hộ rất đặc biệt cho công cuộc hội nhập với thế giới, không ai có tính bảo thủ. Thứ ba, ai cũng trăn trở làm gì đầu tư cho con cái để thế hệ sau tốt hơn.
Nhưng có 3 điểm người dân suy nghĩ mà Chính phủ cần tham khảo: Thứ nhất, họ thấy rằng phòng chống tham nhũng chưa có tiến triển gì đáng kể. Thứ hai bất bình đẳng xã hội ngày càng lớn, không chỉ về mặt tài chính mà nếu người có quyền có chức hơn hẳn người không có quyền có chức về tất cả các mặt.
Thứ ba, người dân thấy rằng cần nâng cao năng lực bộ máy quản lý hơn là đầu tư nước ngoài vì đó là cái tiền đề. Quản lý tốt thì một đồng đầu tư nước ngoài tạo ra rất nhiều giá trị cho đất nước, còn nếu để bộ máy yếu kém thì đầu tư nước ngoài vào dù nhiều nhưng thất thoát lớn, vào tay người dân và tích lũy cho đất nước không đáng kể. Đó là điều đáng suy nghĩ.
“Vào sân bóng không đá được thì phải ra”
PV: Điều ông nói rõ ràng liên quan đến chất lượng đội ngũ cán bộ ở các cấp – vấn đề lâu nay cũng được bàn luận rất nhiều?
PGS Vũ Minh Khương: Đội ngũ phải vừa trong sạch, có năng lực và phải có cạnh tranh dưới sự giám sát chặt chẽ của người dân. Người dân muốn “công minh” hơn “công nghệ” cơ mà! Làm sao để họ giám sát được cán bộ đứng đầu một cách định kỳ, từ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Thành phố, quận, huyện...
Có thể mời các chuyên gia độc lập, các trường Đại học lớn, Viện nghiên cứu đánh giá định kỳ để báo cáo Trung ương, báo cáo với nhân dân rằng tỉnh này làm tốt, tỉnh kia làm chưa tốt các về vấn đề như thu hút hiền tài, chiến lược phát triển, giữ gìn sự trong sạch của bộ máy… Tôi sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ thực hiện việc này.
PV: Nhưng nhiều khi đến ông thủ trưởng cũng khó sa thải được một người pha trà trong cơ quan thì có lẽ rất khó để đánh giá đúng về cán bộ, thưa ông?
PGS Vũ Minh Khương: Khép kín thì thủ trưởng không bị sức ép nên cân nhắc sa thải một người pha trà làm gì trong khi mất lòng người này người kia. Còn đây là vấn đề sống còn, rằng tôi không sa thải người này tôi mất việc, tôi không xứng đáng với vị trí này.
Giám sát buộc mọi người phải cố gắng hết lòng, giống như vào sân bóng đá trước hàng vạn, hàng triệu người theo dõi thì anh đá không tốt phải ra. Đó chính là công khai minh bạch, còn việc đánh giá là phụ, không có gì khó.
PV: Cách đánh giá cán bộ không rõ ràng khiến động lực phấn đấu và phát triển kém đi, phải không thưa ông?
PGS Vũ Minh Khương: Đánh giá quan trọng nhất là tiêu chí. Singapore hàng năm có hoạt động đánh giá lại từng người, người trên đánh giá người dưới và cuối cùng Đảng chịu trách nhiệm với xã hội. Người dưới phải làm tốt để người trên có thể làm tốt hơn.
Một người dự kiến năm tới định làm cái gì, khó khăn gì thì đề xuất và người lãnh đạo hỗ trợ hết sức. Năm tới đánh giá tại sao cái anh dự kiến không làm được, nguyên nhân nào khách quan hay chủ quan. Họ lựa chọn người tâm huyết, năng lực và hết lòng với công việc cụ thể để đảm bảo cho người đó vào cuộc là có thể làm được hết sức. Từ đó đánh giá khá đơn giản mà mọi người cảm thấy rất nhẹ nhàng.
Bình bầu không tốt sẽ tạo ra xung khắc trong tập thể, cộng đồng, xã hội. Mọi người không cảm thấy đội hình team work (làm việc nhóm) để hết lòng cho công việc. Của ta nhiều khi đúng quy trình nhưng không đúng quy luật. Điều này cũng cần cải cách. Giờ phải liệt kê ra cơ chế, chính sách gì mà tạo ra sự tổn thương cho xã hội, hiệu quả thấp thì loại bỏ.
PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về cách dùng người của Singapore?
PGS Vũ Minh Khương: Họ dùng người theo kiểu MPH. Đó là Meritocracy (trọng hiền tài) – tức thấy người hiền tài, có ý tưởng hay, xuất sắc ở đâu đó thì đầu tiên là trân trọng mời đến nghe cụ thể họ có đề xuất gì. Bằng cấp chỉ là một thứ, còn hiền tài thực sự có tấm lòng, khao khát, kinh nghiệm và tài năng có thể làm được.
Thứ hai là Pragmatism (tư duy thực tế) – người có tính thực tế rất cao chứ không phải viễn vông. Ngồi vào cuộc là anh có thể mổ xẻ vấn đề với những người đang trong cuộc. Mọi người thấy tâm phục khẩu phục chứ không phải anh vào nói trên trời dưới biển không ai nghe.
Honesty (trung thực) – sống phải hết lòng, trong sáng. Vụ lợi cá nhân, chạy chọt này khác hay dối trá là không chấp nhận.
Tuân thủ ba nguyên tắc đơn giản này sẽ làm mọi việc tiến triển thuận lợi hơn rất nhiều.
(Còn tiếp...)