Cần đẩy mạnh phương thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp
VOV.VN -Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, phải khuyến khích mạnh đưa doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn.
Sáng 31/12 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu toàn ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn trước hết tập trung triển khai tích cực, hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn liền với đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, thiên tai, bão lũ tàn phá nặng nề, dịch bệnh và giá rét gây thiệt hại không nhỏ nhưng năm 2013, ngành Nông nghiệp tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá (2,67%), bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và tăng cường xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 27,5 tỷ USD, trong đó nhiều mặt hàng chủ lực xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD như: gạo, cà phê, cao su, hạt điều, sắn, đồ gỗ, tôm và cá tra.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội nghị |
Chương trình nông thôn mới, các chương trình xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội ở nông thôn được lồng ghép triển khai sâu rộng bằng các nguồn lực đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đổi mới bộ mặt nông thôn và cải thiện đời sống người nông dân, mà rõ nhất là thu nhập bình quân của người dân nông thôn đã tăng lên gần 20 triệu đồng.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao nỗ lực vượt qua khó khăn và những kết quả khá toàn diện mà ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn và bà con nông dân đạt được là rất lớn, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, nhất là duy trì tăng trưởng khá trong bối cảnh khó khăn cả về thị trường đầu ra, giá cả đầu vào, thiên tai và dịch bệnh.
Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; thúc đẩy xuất khẩu; triển khai đồng bộ Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông, thủy lợi, điện, công nghệ thông tin; đồng thời nỗ lực lớn trong công tác phòng chống thiên tai, bão lũ...
Nhấn mạnh nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, là nền tảng cho sự ổn định và phát triển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu toàn ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn trước hết tập trung triển khai tích cực, hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn liền với đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Tái cơ cấu nông nghiệp không thể tách rời xây dựng nông thôn mới, không có xây dựng nông thôn mới thì không thể tái nông nghiệp thành công. Vì xây dựng nông thôn mới bao gồm cả hạ tầng kinh tế - xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, xã hội và ngược lại, không tái nông nghiệp hiệu quả thì không đạt được yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Hai mục tiêu này gắn chặt với nhau, trong đó người nông dân, hộ nông dân giữ vị trí trung tâm, vai trò chủ thể trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới là yêu cầu rất bức xúc. Đây là sự nghiệp của toàn đảng, toàn quân và toàn dân ta, một nhiệm vụ chính trị hàng đầu của đất nước ta”.
Trên tinh thần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Chỉ có ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thì mới tái cơ cấu nông nghiệp thành công. Dứt khoát phải sớm ban hành cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, từ giống cây trồng vật nuôi, quy trình canh tác, chăn nuôi đến thu hoạch gắn với cơ giới hóa và chế biến công nghiệp mới nâng cao năng suất, giảm chi phí, giá trị gia tăng cao hơn và thu nhập của người nông dân mới cao hơn.
Một yêu cầu nữa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là khuyến khích hình thành và nhân rộng các mô hình liên kết hợp tác đa dạng, phù hợp từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Thủ tướng khẳng định: “Hộ nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không liên kết thì không phát huy được. Phải tiến tới quan hệ sản xuất phù hợp trong điều kiện mới là liên kết hợp tác đa dạng, phù hợp từ khâu sản xuất, cho tới chế biến, tiêu thụ. Hình thành chuỗi giá trị hợp lý, phù hợp; hay nói cách khác, lực lượng sản xuất thay đổi thì quan hệ sản xuất phải thay đổi cho phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất”.
Với mục tiêu vừa tái cơ cấu nông nghiệp, vừa xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ là phải khuyến khích mạnh đưa doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, nhất là phát triển công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp thu hút nhiều lao động; tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cả lao động đang làm nghề hiện tại nhưng gắn với ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đào tạo nghề cho chuyển dịch cơ cấu lao động; tiếp tục thu hút các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Cùng với tiếp tục triển khai tốt các chương trình giảm nghèo, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, Thủ tướng lưu ý ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm đến công tác phòng chống thiên tai, nhất là phòng chống lụt bão và an toàn hồ đập thủy lợi; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp mà trước hết là tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cụ thể đối với từng lĩnh vực, không để xảy ra tình trạng nợ đọng các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời siết chặt chặt quản lý nhà nước mặt hàng thuốc trừ sâu và phân bón cũng như tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đảm bảo tốt an toàn vệ sinh thực phẩm./.