Nông nghiệp phải chấp nhận cuộc chơi của thị trường
VOV.VN-TS Đặng Kim Sơn cho rằng, với cuộc chơi này, nông nghiệp Việt Nam phải xuất khẩu mạnh hơn những mặt hàng có lợi thế…
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nói về nông nghiệp Việt Nam trong môi trường hội nhập.
PV: Ông đánh giá như thế nào về quá trình hội nhập của ngành nông nghiệp trong thời gian qua?
TS Đặng Kim Sơn (Ảnh: SGTT) |
TS Đặng Kim Sơn: Điều đáng mừng là nông nghiệp nước ta có một thời gian dài không bị suy yếu mà còn tiếp tục vươn lên trở thành ngành sản xuất vững chắc của đất nước. Đây là ngành duy nhất liên tục xuất siêu ngay cả trong những thời điểm kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn. Đồng thời, nông nghiệp còn trở thành chỗ dựa vững chắc về mặt xã hội và môi trường cho toàn quốc.
Điều đó chứng tỏ rằng với một nền nông nghiệp được đầu tư chưa cao, khoa học công nghệ chưa mạnh cơ sở hạ tầng còn thấp kém nhưng mà chúng ta đã chiếm lĩnh rất nhiều thị trường trên thế giới và năm 2012 chúng ta đã đạt kỷ lục là 27 tỷ USD xuất khẩu. Đây là điều khẳng định nông nghiệp Việt Nam đã đứng vững và đã phát huy tốt vai trò hội nhập của chúng ta.
PV: Vậy ngành đã tận dụng tốt những lợi thế mà chúng ta có như thế nào thưa ông?
TS Đặng Kim Sơn: Có rất nhiều lĩnh vực chúng ta có lợi thế. Ví dụ như lúa gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, đồ gỗ xuất khẩu, thủy sản. Đây là những ngành phát triển rất tốt trong tương lai nếu tập trung đầu tư cho toàn chuỗi giá trị, đổi mới về thể chế, tổ chức gắn nông dân, doanh nghiệp vào với nhau và liên kết họ với chuỗi toàn cầu.
Đồng thời, nếu làm tốt việc cải cách thể chế ở các cấp từ quản lý hành chính, quản lý Nhà nước, hải quan, dịch vụ và cơ sở hạ tầng thì chắc chắn lợi thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ tăng lên.
PV: Vậy đối với những lĩnh vực không có lợi thế, chúng ta cần có giải pháp như thế nào để vượt qua những thách thức mà hội nhập mang lại, thưa ông?
TS Đặng Kim Sơn: Trong thời gian qua và ngay khi đàm phán, chúng ta đã biết là có một số ngành mà Việt Nam không có lợi thế. Ví dụ như: mía đường, trồng cây có dầu, sản xuất thuốc lá, chăn nuôi, phân bón, nông sản mà chúng ta không thể trồng trọt chăn nuôi được… những ngành mà chúng ta phải nhập nguyên liệu để chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước.
Trong tương lai với quá trình hội nhập sâu, rộng hơn, chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi của cơ chế thị trường. Tức là xuất khẩu mạnh hơn những mặt hàng mà chúng ta có lợi thế và chấp nhận nhập khẩu những mặt hàng chúng ta không có lợi thế để sử dụng tài nguyên của chúng ta một cách hiệu quả nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!