Cần đưa quyền, nghĩa vụ của tuổi trẻ vào Hiến pháp sửa đổi
(VOV) - TS. Trần Văn Miều: Trong Dự thảo Hiến pháp không thấy điều nào hoặc ý nào nói đến quyền và nghĩa vụ của thế hệ trẻ Việt Nam...
Chăm lo giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ
Đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, TS. Trần Văn Miều, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên cho rằng, trong cả 11 chương với 124 điều trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, không thấy điều nào hoặc ý nào nói đến quyền và nghĩa vụ của thế hệ trẻ Việt Nam.
TS Trần Văn Miều dẫn giải rằng, trong lịch sử của tất cả các nước trên thế giới và Việt Nam bao giờ thế hệ trẻ - những người kế tục truyền thống của dân tộc cũng được quan tâm hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội. Mác và Ăng Ghen nghiên cứu về thế hệ trẻ vào cuối những năm của thế kỷ XIX đã khái quát: "Do những điều kiện xã hội mà thanh niên bao giờ cũng là lực lượng quan trong trong phát triển".
TS Trần Văn Miều |
Lênin kế thừa tư tưởng đó đã nêu lên quan điểm: "Chúng ta chiến đấu giỏi hơn cha ông chúng ta. Thế hệ trẻ sẽ còn chiến đấu giỏi hơn chúng ta. Chúng ta xây dựng nền móng của tòa nhà mới. Còn chính thanh niên sẽ xây dựng hoàn thành tòa nhà đó".
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc của mình đã nêu lên một luận điểm nổi tiếng là: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm rất quan trọng và rất cần thiết.
Tuy vậy, trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi không nói đến quyền và nghĩa vụ của thế hệ trẻ Việt Nam (ngoại trừ có một ý nói về trẻ em ở Mục 2, Điều 62 nói về việc chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em). Trong khi đó, Hiến pháp năm 1992 có Điều 66, Chương V: “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”.
“Để thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, tôi đề nghị bổ sung thêm một điều nói về thế hệ trẻ Việt Nam. Đó là: “Gia đình, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm lo giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam trở thành công dân tốt và nguồn nhân lực có chất lượng cao. Thế hệ trẻ Việt Nam phải ra sức học tập, rèn luyện có lý tưởng cách mạng, đạo đức cách mạng và sức khỏe cường tráng để tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”- TS Miều đề nghị.
Quyền, nghĩa vụ nào của người dân cũng đều quan trọng
Theo TS Trần Văn Miều, dự thảo Hiến pháp so với Hiến pháp năm 1992 có những điểm mới. Đó là việc Dự thảo đưa nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân vào Chương II để thay cho Chương V.
TS Miều cho rằng, việc đưa nội dung quyền và nghĩa vụ công dân vào Chương II sau Chương 1 là phù hợp. Ông cho rằng, việc thêm cụm từ “quyền con người” vào đầu đề mục Chương II là hợp lý. “Đây là vấn đề quan trọng của nước ta cũng như các nước trên thế giới. Mặt khác, đưa vào sẽ là căn cứ quan trọng để thực hiện ngày càng đầy đủ hơn về quyền con người cũng như đấu tranh chống lại các thế lực thù địch chống phá nước ta”- TS Miều nói.
TS Miều cũng băn khoăn về cụm từ “cơ bản” trong chương II về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, bởi nếu quy định như vậy thì quyền và nghĩa vụ nào của người dân là cơ bản và những quyền nào không phải là cơ bản?
“Tôi cho rằng, đã là quyền và nghĩa vụ của người dân thì quyền và nghĩa vụ nào cũng là quan trọng, các quyền đó có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Mặt khác, quyền và nghĩa vụ người dân phụ thuộc vào từng thời kỳ cụ thể của cách mạng và mỗi tầng lớp nhân dân lại có những quyền cơ bản khác nhau. Ví dụ: thời kỳ chiến tranh thì quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc phải là cơ bản nhất. Trong thời bình thì quyền và nghĩa vụ lao động và học tập lại là cơ bản nhất. Hoặc thiếu nhi thì quyền và nghĩa vụ học tập là cơ bản nhất. Còn thanh niên từ 23 tuổi trở lên thì quyền và nghĩa vụ lao động và bảo vệ Tổ quốc là cơ bản nhất… Như vậy, không nên đặt ra quyền cơ bản và quyền không cơ bản trong Hiến pháp”- TS Trần Văn Miều nói.
Theo TS Miều, cũng trong Chương II, những quyền của người dân được quy định đầy đủ hơn nghĩa vụ của người dân. Theo nguyên tắc quy định ở Điều 20 “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”.
Trong 37 điều ở Chương II thì chỉ có Điều 16 quy định mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác và Điều 47 có quy định quyền và nghĩa vụ công dân được sống với môi trường trong lành và bảo vệ môi trường. Như vậy, thì người dân có bao nhiêu quyền thì cũng có bấy nhiêu nghĩa vụ. Chẳng hạn người dân có quyền sống thì cũng phải có nghĩa vụ sống (Điều 21).
TS Miều đề nghị, trong chương II, cần phải quy định thêm nghĩa vụ của người dân đối với tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của mình ở Điều 22. Điều 24 cần có thêm quy định “Công dân có quyền tự do đi lại thì cũng phải có nghĩa vụ chấp hành luật giao thông”; Điều 25 thêm nội dung “mọi người có quyền tự do tín ngưỡng nhưng cũng phải có nghĩa vụ không mê tín dị đoan”. Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng cũng phải có nghĩa vụ phát ngôn đúng sự thật (Điều 26)…/.