Căng thẳng Biển Đông bao trùm Hội nghị ASEAN
VOV.VN - ASEAN thúc giục Bắc Kinh có nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán về an ninh hàng hải.
Căng thẳng trên Biển Đông liên quan đến việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương- 981 và nhiều tàu hộ tống, trong đó có cả tàu quân sự vào sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã bao trùm bầu không khí thảo luận của các nhà lãnh đạo ASEAN tại Nay Pyi Taw, Myanmar. Trong đó, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra hôm 10/5 đã thông qua Tuyên bố riêng về tình hình hiện nay ở Biển Đông, thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao và vai trò chủ động, trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông nói riêng và của khu vực nói chung. Cùng với đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng trước diễn biến căng thẳng này.
Ngoại trưởng các nước ASEAN đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước diễn biến căng thẳng Việt Nam-Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời thúc giục Bắc Kinh có nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán về an ninh hàng hải.
Ngoại trưởng Myanmar - Wuna Maung Lwin nói: “Ngoại trưởng các nước ASEAN đã nhất trí ra Tuyên bố thể hiện sự quan ngại về tình hình hiện nay. Chúng tôi yêu cầu các bên giải quyết căng thẳng bằng giải pháp hòa bình”.
Đây là Tuyên bố riêng của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông, trong đó yêu cầu các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện kiềm chế và không được có các hành động có thể ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở khu vực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực. Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC nhấn mạnh việc cần phải sớm có Bộ quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình hiện nay ở Biển Đông. Đó là việc ngày 1/5 vừa qua, Trung Quốc lần đầu tiên hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 và đưa tàu hộ tống vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý.
Cho đến nay, Trung Quốc đã điều hơn 80 tàu, bao gồm cả tàu quân sự, tới khu vực giàn khoan. Các tàu của Trung Quốc đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, gây thương tích về người và hư hỏng về tài sản. Hành động của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định ở khu vực, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc ở các cấp khác nhau với phía Trung Quốc, phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay tàu và giàn khoan ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam cũng đề nghị Trung Quốc giải quyết tranh chấp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại Biển Đông thông qua đàm phán và các biện ph áp hòa bình, phù hợp Luật pháp Quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh ASEAN cần bảo đảm đoàn kết, phát huy vai trò và đóng góp tích cực cho hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trước những chuyển biến mới trong cục diện chiến lược ở khu vực và thế giới.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 sẽ chính thức khai mạc ngày 11/5.
Cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng về diễn biến căng thẳng trên Biển Đông. Trong đó, Reuters của Anh hôm 10/5 công bố đoạn video cho thấy tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam. Giới học giả quốc tế nhận định, hành động của Trung Quốc là trái với luật pháp quốc tế và mang tính chính trị.
Nhiều nước và tổ chức quốc tế đã lên tiếng phản đối Chính phủ Trung Quốc, yêu cầu nước này rút giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực. Hôm qua, Tổng Thư ký Hội hữu nghị Anh-Việt (BVFS) Len Aldis đã gửi thư tới Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland Lưu Hiểu Minh, bày tỏ sự quan ngại trước diễn biến hiện nay trên Biển Đông liên quan đến việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam của Việt Nam.
Trong thư, ông Aldis nhấn mạnh rằng, hành động đơn phương của Trung Quốc đã dẫn đến một số vụ va chạm, gây thiệt hại và làm một số kiểm ngư viên bị thương. Thay mặt Hội hữu nghị Anh-Việt, ông kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 cũng như các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ông Andis cũng bày tỏ hy vọng rằng Chính phủ Trung Quốc đáp lại lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, tôn trọng chủ quyền biển của Việt Nam./.