Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 1/9
VOV.VN - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định trích 70 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2015 để hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 1.
Đẩy mạnh Cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện CCTTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2015 và những năm tiếp theo, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác CCTTHC, coi CCTTHC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên.
Đồng thời tăng cường đối thoại, giao lưu trực tuyến; tiếp nhận, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp về TTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; xem xét, giải quyết kịp thời các vướng mắc nếu có; điều tra, đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính các cấp về tài nguyên và môi trường; tập trung hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016.
Bên cạnh đó tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp quy định. TTHC ban hành phải bảo đảm thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và khả thi, vừa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, vừa tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, trong đó chú trọng cải cách, đơn giản hóa TTHC trong các văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục tăng cường phân công, phân cấp thực hiện giải quyết TTHC; hằng năm, tổ chức kiểm tra các địa phương về thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính và TTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung rà soát, báo cáo Chính phủ xử lý các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật; thời điểm hoàn thành trước 31/12/2015; tập trung rà soát, chuẩn hóa và công bố TTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch đơn giản hóa TTHC trọng tâm năm 2015.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp, Tài chính ban hành thông tư liên tịch về quy trình liên thông giải quyết các TTHC trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 06/6/2014 của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm CCTTHC trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh; thời điểm hoàn thành trước ngày 31/12/2015.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành quy định liên thông giữa cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường và cơ quan quản lý nhà nước về thuế trong giải quyết các TTHC có liên quan. Trong tháng 12/2015, ban hành Thông tư liên tịch về hồ sơ và trình tự thủ tục luân chuyển hồ sơ của người sử dụng đất khi thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của Chính phủ.
Đồng thời rà soát các quy định pháp luật, TTHC về phí, lệ phí liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường và đề xuất cấp có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền ban hành quy định về liên thông TTHC về phí, lệ phí trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trước mắt ưu tiên lĩnh vực đất đai, khoáng sản và môi trường.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai 2013 để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được quyền lựa chọn công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND xã, phường, thị trấn theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về tài nguyên và môi trường, gắn với thực hiện TTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương không được tự ý quy định thêm thủ tục, yêu cầu trái quy định pháp luật; tổ chức tiếp nhận, công khai địa chỉ tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp về các trường hợp thực hiện TTHC không đúng quy định pháp luật; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo và khẩn trương thành lập, kiện toàn Văn phòng đăng ký đất đai, Trung tâm phát triển quỹ đất một cấp theo quy định của pháp luật về đất đai; trong năm 2015, phải hoàn thành việc công bố TTHC về đất đai theo quy định của pháp luật về kiểm soát TTHC.
Thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC về tài nguyên và môi trường; tạo bước chuyển mạnh trong nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC tại địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, môi trường nhằm giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến giải quyết TTHC.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến; khẩn trương hoàn thành xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường, trong đó tập trung hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai đa mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục triển khai nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin tài nguyên và môi trường.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế tài chính cho hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; ưu tiên bố trí đủ kinh phí xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai.
Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với Quân đội, Công an và người làm công tác cơ yếu
Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu vừa được Chính phủ ban hành.
Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, Nghị định quy định quân nhân tham gia bảo hiểm y tế gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang tại ngũ; hạ sĩ quan, binh sĩ đang tại ngũ.
Công an nhân dân tham gia bảo hiểm y tế gồm: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong lực lượng công an nhân dân; học viên công an nhân dân hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước.
Người làm công tác cơ yếu tham gia bảo hiểm y tế gồm: Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại Ban Cơ yếu Chính phủ; học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước theo chế độ, chính sách như đối với học viên Quân đội; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại tổ chức cơ yếu thuộc các Bộ, ngành, địa phương.
Từ ngày 15/10/2015, thực hiện bảo hiểm y tế đối với 100% người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại tổ chức cơ yếu thuộc các Bộ, ngành, địa phương.
Từ ngày 15/10/2015 đến 31/12/2015, thực hiện bảo hiểm y tế đối với 15%; từ ngày 01/1/2016, thực hiện bảo hiểm y tế ít nhất 30% đối với các đối tượng quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu nêu trên (trừ người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại tổ chức cơ yếu thuộc các Bộ, ngành, địa phương). Từ ngày 1/1/2018, tỷ lệ này được nâng lên là ít nhất 60%.
Từ ngày 1/1/2020, thực hiện bảo hiểm y tế đối với 100% các đối tượng quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu tham gia bảo hiểm y tế nêu trên.
Nghị định cũng nêu rõ, mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng đối với Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang tại ngũ; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại Ban Cơ yếu Chính phủ, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại tổ chức cơ yếu thuộc các Bộ, ngành, địa phương.
Mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với các đối tượng: Hạ sĩ quan, binh sĩ đang tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong lực lượng công an nhân dân; học viên công an nhân dân hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước; học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước theo chế độ, chính sách như đối với học viên Quân đội.
Quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển
Chính phủ vừa ban hành Nghị định về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong đó, Nghị định quy định về người, phương tiện Việt Nam hoạt động trong khu vực biên giới biển; người nước ngoài đến, hoạt động hoặc làm việc, học tập trong khu vực biên giới biển; tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong khu vực biên giới biển; hoạt động thăm dò, nghiên cứu khoa học, khảo sát về địa chất, khoáng sản, tài nguyên, nguồn lợi thủy sản, hải sản trong khu vực biên giới biển; xây dựng các dự án, công trình trong khu vực biên giới biển; quản lý bến, bãi, khu vực neo đậu cho phương tiện đường thủy trong khu vực biên giới biển;…
Nghị định quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới biển: Xây dựng, lắp đặt trái phép các công trình, thiết bị hoặc có hành vi gây tổn hại đến sự an toàn của công trình biên giới; quay phim, chụp ảnh, vẽ cảnh vật, ghi hình, thu phát vô tuyến điện ở khu vực hạn chế hoạt động, vùng cấm; khai thác, trục vớt tài sản, đồ vật, cổ vật khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam; mua bán, trao đổi, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, chất cháy, chất nổ, chất độc hại, ma tuý, hàng hoá, vật phẩm cấm lưu hành, kim khí quý, đá quý, ngoại hối; đưa người, hàng hoá lên tàu thuyền hoặc từ tàu thuyền xuống trái phép;...
Hỗ trợ 5 địa phương khắc phục hậu quả bão số 1
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định trích 70 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2015 để hỗ trợ 5 địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 1.
Cụ thể, tỉnh Sơn La được hỗ trợ 20 tỷ đồng, Quảng Ninh 15 tỷ đồng, Hải Phòng 15 tỷ đồng, Hải Dương 10 tỷ đồng, Thanh Hóa 10 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số kinh phí trên bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và theo quy định hiện hành; báo cáo việc phân bổ và kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các Bộ, ngành có liên quan để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Theo đó, VDB là ngân hàng chính sách, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Vốn điều lệ của VDB là 30.000 tỷ đồng. VDB hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, được Chính phủ bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước; tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%; không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Hoạt động của VDB bao gồm: 1- Hoạt động huy động vốn; 2- Hoạt động tín dụng; 3- Hoạt động ủy thác và nhận ủy thác; 4- Tham gia thị trường liên ngân hàng; tổ chức thanh toán nội bộ; cung cấp các dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngoại hối và các dịch vụ ngân hàng khác cho khách hàng; thực hiện hoạt động ngoại hối; tham gia hệ thống thanh toán trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; 5- Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
VDB được quyền thành lập công ty con hoặc tham gia thành lập các công ty liên kết trong và ngoài nước để quản lý, khai thác, bán tài sản để thu hồi nợ sau khi có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.
Đầu tư giai đoạn 2 tuyến nối Thái Bình, Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc đầu tư xây dựng giai đoạn 2, Dự án tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thái Bình hoàn thiện hồ sơ đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, bảo đảm phù hợp với quy hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định nguồn và khả năng cân đối vốn cho dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.