Chiến thắng 30/4, gặp lại vị Trung tá ở trại David
VOV.VN - Trung tá Phùng Hồng Trọng- một trong 300 cán bộ, chiến sỹ có mặt tại Trại David năm xưa kể lại những kỷ niệm ở mặt trận ngoại giao-quân sự.
Nhân dịp kỷ niệm 44 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 – 30/4/2019) chúng tôi đến thăm Trung tá Phùng Hồng Trọng – một trong 300 cán bộ, chiến sỹ có mặt tại trại David năm xưa. Ông Trọng hiện ở số nhà 34/103/207, tổ dân phố Xuân Nhang 2, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết giữa bốn bên: Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN), Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ( CPVNDCCH), Chính phủ Hoa Kỳ (CPHK), Chính phủ Việt Nam cộng hoà (CPVNCH). Theo tinh thần hiệp định, một ban liên hợp quân sự (Ban LHQS) 4 bên được thành lập để thực hiện hiệp định.
Trại David là một địa danh để chỉ một trại quân sự nằm ở phía Tây Nam Căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, là nơi đặt trụ sở của hai phái đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam thi hành Hiệp định Paris.
Trại David mang tên người lính Mỹ đầu tiên chết ở chiến trường Việt Nam, gồm 80 nhà sàn lớn nhỏ lợp mái tôn, xung quanh có 13 bốt gác cao và trạm gác trên mặt đất, ngày đêm được canh phòng nghiêm ngặt và được rào xung quanh bằng hàng rào kẽm gai.
Sắp xếp cho 2 Đoàn ta ở trại David, chính quyền Sài Gòn âm mưu cô lập, ngăn không cho ta tiếp xúc với nhân dân thành phố đồng thời dễ bề kiểm soát thông tin, gây nhiễu sóng thông tin của ta để hạn chế, bưng bít dư luận không có lợi cho chúng.
Hai đoàn đại biểu quân sự chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại 1 phiên họp ở trại David (Ảnh: Tư liệu) |
Được hỏi về những kỷ niệm sâu sắc nhất trong thời kỳ hoạt động ở Phái đoàn Liên hiệp quân sự 4 bên ở trại David, ông Trọng trầm ngâm một lúc rồi chậm rãi nói: Thời gian đã lùi xa, hơn 40 năm qua đi, nhiều ký ức đã mờ dần.
Tuy nhiên, chiến công hào hùng của “Mũi tiến công thứ 6” trong Chiến dịch Hồ Chí Minh và quá trình đấu tranh ngoại giao – quân sự của Đoàn đã được ghi chép khá đầy đủ trong nhiều tài liệu, trong đó có quyển: “Trại David 823 ngày đêm". NXB Quân đội nhân dân - HN 2010; và “Một thời ở Cục Chính trị quân Giải phóng Miền Nam (B2)", NXB Quân đội nhân dân, HN - 2017…
"Tôi chỉ là một trong 300 cán bộ, chiến sỹ trên mặt trận ngoại giao – quân sự này. Tuy nhiên, ngoài những gì đã được viết trong các tài liệu đã được công bố, tôi chỉ xin nói thêm một vài kỷ niệm còn đọng lại trong tôi về những lần tôi được điều đến công tác tại trại David trong phái đoàn quân sự 4 bên (tôi thuộc phái đoàn quân sự Cộng hòa Miền Nam Việt Nam)", ông Trọng bắt đầu câu chuyện và nhớ khá chi tiết những sự kiện diễn ra tại trại David.
Trung tá Phùng Hồng Trọng – một trong 300 cán bộ, chiến sỹ có mặt tại trại David năm xưa. |
1. VO10 “bị ta bắn”
Hôm đó, theo kế hoạch, Đoàn chúng tôi bay đến Lộc Ninh gặp phái đoàn Mỹ và Việt Nam Cộng hòa để chuẩn bị cho cuộc trao đổi tù binh tại đây. Tuy nhiên, trên hành lang bay từ Sài Gòn đến Lộc Ninh (có thể do công tác hợp đồng, thông báo bay có sự cố nên bộ đội ta không nhận được kế hoạch) khi chúng tôi gần đến Lộc Ninh đã bị súng phòng không của ta bắn ngăn chặn quá mạnh nên chúng tôi buộc phải quay trở lại Tân Sơn Nhất và hôm sau đi tiếp.
2. Giao lưu bóng truyền
Để tạo hình ảnh thân thiện, hai phái đoàn của ta (Đoàn A – Miền Bắc; Đoàn B – Miền Nam) đã tổ chức các cuộc giao hữu bóng chuyền, bên ta có một số anh em thuộc đội bóng Thể Công nên khi thi đấu rất đẹp và sôi nổi, nhân dân và binh lính Mỹ, ngụy cũng phải tấm tắc khen, các ông Việt Cộng đánh bóng hay thế, cứ tưởng các ông ấy ốm yếu, gầy còm, “7 người leo cây đu đủ không gãy” .
3. Giám sát trao trả tù binh
Đoàn chúng tôi cũng được chứng kiến (giám sát) việc trao trả tù binh ở Lộc Ninh, trong số này có các đồng chí Võ Thị Thắng (sau này làm Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa và Thể thao) và đồng chí Trương Tấn Sang (sau này làm Chủ tịch nước), cả hai đồng chí sau này rất quan tâm đến việc làm sao để ghi nhận công lao của 300 cán bộ chiến sỹ - những người chiến đấu trên mặt trận ngoại giao – quân sự tại Phái đoàn Liên hiệp Quân sự 4 bên (Đoàn A và Đoàn B) tại trại David.
4. Cắm cờ ở sân bay Tân Sơn Nhất
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, để bảo đảm an toàn cho 2 phái đoàn của ta ở trại David, cần thiết phải có một tín hiệu để quân ta dễ nhận biết và hợp đồng tác chiến. Trong khi giao tranh còn đang dữ dội ở khu trung tâm, đúng 9h30 ngày 30/4/1975, đồng chí Nguyễn Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn đã xung phong nhận lệnh của đồng chí Hoàng Anh Tuấn lên cắm lá cờ nửa xanh, nửa đỏ với ngôi sao vàng ở giữa lên một tháp nước, cao khoảng 30m gần Trại Dvid trong sân bay Tân Sơn Nhất, từ xa có thể nhìn thấy để báo hiệu cho quân ta và uy hiếp quân địch khi chúng đang tháo chạy toán loạn.
Ban liên hợp quân sự 4 bên kiểm tra quân số lính Mỹ rút khỏi Việt Nam đợt cuối cùng, ngày 29 tháng 3 năm 1973 tại sân bay Đà Nẵng. |
5. Tiếp quản tài liệu mật
Sau khi Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, tôi lại được điều đi tiếp quản các cơ sở quan trọng và thu hồi hàng tấn tài liệu thuộc loại mật của Mỹ và chế độ Ngụy quyền Sài Gòn để lại, giúp cho công tác nghiên cứu và quản lý của ta sau này.
Được biết, khi thành lập hai phái đoàn này đều điều động người ở các đơn vị khác nhau, phần lớn là những người công tác ở ngành tình báo, ít có liên hệ với nhau trước đó. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ai ở đơn vị nào lại về đơn vị đó, nên sau này rất khó khăn cho việc Chính phủ xét khen thưởng bởi không có đơn vị nào được coi là đơn vị chủ quản (sau này thuộc Cục Chính trị Miền – B2).
Vì thế, mãi đến cuối năm 2012, Đoàn chúng tôi mới được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” .
44 năm đã qua đi, nhớ lại những ngày công tác trên mặt trận ngoại giao – quân sự trong phái đoàn 4 bên tại trại David tôi vẫn bồi hồi xúc động về tinh thần khôn khéo, quả cảm của các cán bộ và nhân viên của ta “chiến đấu” ngay trong lòng địch ngày ấy./.