Chiến thắng 30/4/1975: Chớ ngủ vùi dưới ánh hào quang!
VOV.VN - Mất cảnh giác, thiếu tỉnh táo sẽ dẫn tới bệnh quan liêu, xa dân, bè phái và lợi ích nhóm; sẽ dẫn đến tham những, tụt hậu; sẽ là cơ hội cho nội xâm...
Lịch sử dân tộc với những bước thăng trầm từ ngàn năm trước, cho đến thời hiện đại, để lại cho chúng ta bài học rất ý nghĩa: Đó là sau mỗi chiến thắng đỉnh cao, sau mỗi vinh quang chói lọi, phải luôn luôn tỉnh táo, thường trực cảnh giác.
Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, hạnh phúc của nhân dân, đấy là đỉnh cao, cái đích hướng tới của mọi triều đại, sau mỗi thắng lợi lịch sử. Ngủ vùi dưới ánh hào quang, tự mãn và mất cảnh giác, tất thảy đều dễ dẫn đến những kết cục khủng hoảng, suy vi…
Các tầng lớp nhân dân Sài Gòn tham dự mít tinh mừng chiến thắng 30/4/1975 (Ảnh tư liệu)
|
Chiến thắng 30/4/1975 là chiến thắng đỉnh cao, là điểm son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm, thống nhất non sông của dân tộc ta. Sau hơn 20 năm đấu tranh gian khó, chiến đấu trường kỳ, đánh đổi nhiều mồ hôi, nước mắt và máu xương, dân tộc Việt Nam cùng cất khúc khải hoàn.
Nhìn lại chặng đường xây dựng và bảo vệ đất nước 41 năm qua, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, trong đó có bài học ít được nhắc tới, đó là bài học thường trực cảnh giác và luôn luôn tỉnh táo.
Tỉnh táo để không rơi vào trạng thái kiêu căng, tự mãn và mất cảnh giác sau những thắng lợi đỉnh cao và ánh hào quang chói lóa. Tỉnh táo để không bị nhiễm hội chứng tha hóa quyền lực. Cảnh giác với thù trong, giặc ngoài và những đố kỵ, ghen ghét từ những phía không ngờ! Cảnh giác với hội chứng “thắng đế quốc to”, hội chứng “nhất thế giới” và lối suy luận của phép thắng lợi tinh thần “thắng giặc ngoại xâm rồi, không việc gì không làm được!”…
Nhìn lại thời điểm sau chiến thắng 30/4, khi ấy, có người Việt Nam nào không tin rằng, từ đây, dân tộc ta vĩnh viễn độc lập, tự do, nhân dân ấm no, hạnh phúc! Có mấy người Việt Nam không tin, từ đây, không còn kẻ thù nào dám xâm lấn nước ta! Nhưng chỉ sau ngày 30/4 lịch sử không xa, mấy đận đất nước lâm vào cảnh, như cách nói của các nhà thơ, là Lụt Bắc lụt Nam, máu tràn biên giới! Là Kẻ tình nguyện giữ nhà muốn chiếm nhà ta ở! Là Bạn bè thân thọc súng ở bên sườn! Là sau chiến tranh, nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, xã hội bất an, nhân dân thiếu đói!
Nhìn lại lịch sử dân tộc ta, sau những chiến thắng ngoại xâm huy hoàng, lừng lẫy, có những triều đại tồn tại vững bền cả trăm năm, nhưng có những triều đại chỉ tồn tại trên dưới vài chục năm. Triều đại nào biết bồi đắp lòng dân, không sa vào tranh công đoạt vị, vua quan đồng lòng chấn hưng đất nước, củng cố phên giậu, thì triều đại đó tồn tại dài lâu. Triều đại nào vừa dứt binh đao đã vội tranh quyền, đoạt chức, hãm hại trung thần, coi khinh trăm họ, “bắn được cáo đã vội bẻ cung tên”, say sưa hưởng lạc… thì triều đại đó non yểu và dễ bị ngoại xâm thừa cơ thôn tính. Như thời Thục An Dương Vương, quá tin vào thứ vũ khí tưởng chừng vô địch, "kê cao gối ngủ”, trong phút chốc cơ đồ tiêu tan!
Thường trực cảnh giác và tỉnh táo là bài học không bao giờ xưa cũ, không bao giờ thừa. Mất cảnh giác, thiếu tỉnh táo sẽ dẫn tới bệnh quan liêu, xa dân, bè phái và lợi ích nhóm; sẽ dẫn đến tham những, tụt hậu; sẽ là cơ hội cho nội xâm và ngoại xâm lũng đoạn, xâm lấn.
Sau mỗi chiến thắng, sau mỗi thành công, dù là ở đỉnh cao chói lọi, cũng phải tỉnh táo và cảnh giác. Giữa đỉnh cao muôn trượng với vực thẳm nghìn trùng rất mỏng manh, chỉ phút chốc đỉnh cao đấy mà vực thẳm đấy! Phía trước luôn luôn là những thách thức, là những đỉnh cao cần chinh phục. Nhớ bài thơ Cảnh giác của nhà thơ Chế Lan Viên thời chống Mỹ, nhiều người vẫn thuộc: Trận chiến đấu còn dài/Nòng súng xin chớ nguội/Chớ tựa lưng vào cờ/Lấy chiến công làm gối/Trong khi chờ giặc tới/Lui dưới một cành hoa…
Chớ ngủ vùi dưới ánh hào quang! Người Việt Nam, dù bất kỳ không gian và thời gian nào, hãy tự tin, cảnh giác và tỉnh táo!./.