Nhà báo Phan Quang và những kỷ niệm tháng 4-1975

VOV.VN - Không chỉ lưu giữ những cuốn sổ tay, nhà báo Phan Quang còn lưu lại cả tờ lịch một ngày tháng 4/1975, tấm bản đồ giao thông miền Nam Việt Nam…

LTS: Những nhà báo trẻ hôm nay biết đến nhà báo Phan Quang, một nhà báo lão thành, một nhà văn, một dịch giả, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam… Và ít ai nhớ rằng ông là một phóng viên chiến trường lăn lộn với thực tế từ thời chống Pháp, đến chống Mỹ. Những cuốn sổ tay phóng viên của ông từ thời đó vẫn được ông gìn giữ cẩn thận - một tác phong phải có của một nhà báo chuyên nghiệp. Một vài kỷ niệm của ông về tháng 4/1975 mà chúng tôi kể sau đây chỉ là một phần rất nhỏ trong ký ức nghề nghiệp của ông.

Nhà báo lão thành Phan Quang tại một sự kiện của Hội Nhà báo Việt Nam
Khi cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975 nổ ra, phóng viên báo Nhân Dân Phan Quang cũng lên đường. Trong các bài báo và hồi ức của mình, ông đã có dịp kể về chuyến đi ấy, trong đó có câu chuyện một phụ nữ - chủ một tiệm bán sách nhỏ, tặng “chú giải phóng” hai cuốn sách, làm tôi (kẻ viết bài này) nhớ mãi. Thấm thoát, đã 40 năm ngày Phan Quang đặt chân tới Đà Nẵng. Tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà một ngày đẹp trời trong tháng 3 vừa qua, ông hẹn tôi tới nhà, cho xem một vài kỷ niệm của ông.

Tờ lịch đại lấy ở Đà Nẵng
Trước hết, đó là một tờ lịch bloc khổ lớn, bằng cả trang báo tuần, in 3 thứ tiếng Pháp, Việt và Hán với nội dung: Avril-Tháng Tư-Tứ nguyệt. Dimanche - Chúa nhật - Tinh kỳ nhật… Dưới cùng tờ lịch có lời khuyên:  Nên: Nhập học, nhóm bạn, xuất hành, kết hôn… Cữ: khai mương, xổ nước, động đất… Ông giải thích: “Thấy lạ mắt, mình tiện tay xé một tờ, gấp nhỏ lại kẹp vào sổ tay, nghĩ thầm: từ sang năm trở đi, chắc không tìm đâu ra kiểu lịch này nữa”.

Cất đi một tờ lịch của một thời, việc làm này của một nhà báo thời đó đã đáng để cho những người làm công tác bảo tồn bảo tàng phải nể phục. Nhưng việc cất giữ nó cẩn thận, qua mấy đợt chuyển nhà, chuyển cơ quan còn đáng phục hơn. Tôi nói vui với ông: “Chắc cũng không ai ngờ ngày nay lịch bloc của nước ta cũng đi theo hướng này”. Ông chỉ cười, không bình luận gì thêm.

Nhà báo Phan Quang ở Đà Nẵng cũng được vài hôm. Thời gian ấy, ông tham dự một cuộc tọa đàm của các ký giả Sài gòn đang có mặt tại thành phố. Trong số đó có Trúc Ly, Chủ tịch Ban Chấp hành Phân bộ ký giả miền Trung; Lương Sĩ Trung, ký giả báo Đông Phương, Mặc Lan, phóng viên báo “Tiền tuyến” của quân đội Sài Gòn… và nhà văn Nguyễn Văn Xuân với danh nghĩa cố vấn của phân bộ ký giả… Cuộc gặp này, ông đã có lần nhắc đến trong một bài báo. Nhưng là người khiêm tốn, ông không nói rõ chính ông là người đề nghị Thành ủy Đà Nẵng tổ chức cuộc gặp mặt đó.

Tiếp chuyện ông, tôi thầm nghĩ: nếu không có mối quen biết từ thời chống Pháp và trên cương vị phóng viên báo Đảng, chắc cũng khó thuyết phục được mấy ông lãnh đạo lúc đó đang bộn bề công việc. Người làm báo nhiều lúc phải là người tổ chức ra sự kiện, chứ không phải chỉ chạy theo sự kiện. Chủ động đóng góp vào việc ổn định dư luận, tranh thủ tiếp xúc để cho những người ký giả ở vùng mới giải phóng hiểu thêm về chế độ mới, chính sách mới, nhà báo Phan Quang đã làm công việc của một cán bộ tuyên huấn.

Cũng chính nhờ mối quan hệ quen thân mà ngày 30/4/1975, phóng viên báo Nhân Dân Phan Quang được ông Hoàng Bích Sơn, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho đi cùng xe vào Sài Gòn. Tôi không tiện hỏi rằng có phải từ chuyến đi ấy, khi xe của ông vượt qua chiếc cầu sắt trên sông Sài Gòn, hỏi đường đến dinh Độc Lập, ông mới “ngộ” ra rằng đi đâu cũng cần có bản đồ hay không. Chỉ thấy ông kể sau đó ông xuống đồng bằng sông Cửu Long, đến tận Đất Mũi đi đâu cũng giở bản đồ ra xem để biết mình đang ở đâu, địa điểm mình sắp đến nằm ở chỗ nào… Kết quả chuyến đi ấy là loạt bài đầu tiên về Đồng bằng sông Cửu Long với thiên nhiên hào phóng - con người hào sảng và những suy nghĩ trăn trở của một nhà báo trước thực tế một nền kinh tế thị trường ở khu vực này.

Một mặt của tấm bản đồ miền Nam Việt Nam lấy trong dinh nguyên Thủ tướng chế độ Sài gòn Trần Thiện Khiêm ngày 2/5/1975
Kể đến đây, ông vào phòng trong, mang ra một tập giấy gập làm tư, chỗ gập đã sờn rách phải dùng băng dính dính lại, khẽ khàng trải trên sàn gạch…Thì ra đó là tập bản đồ, một mặt là nội thành Sài Gòn năm 1975, mặt kia là bản đồ giao thông đường bộ của miền Nam Việt Nam. Bản đồ do hãng dầu SELL ấn hành. Tôi lật xem mảnh giấy nhỏ đính trên bản đồ. Ông viết “Bản đồ thành phố Sài Gòn và miền Nam lấy tại Phòng làm việc của Chánh văn phòng Thủ tướng Trần Thiện Khiêm ngày 2/5/1975, theo chân Phan Quang suốt miền Nam những năm 1975-1979”.

Thì ra là vậy. Ông kể: Trưa 1/5/1975, xe vào tới dinh Độc Lập, ông Hoàng Bích Sơn và ông được Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố, tướng Trần Văn Trà tiếp. Buổi tối, ông được xếp ngủ trong dinh của nguyên Thủ tướng chế độ Sài Gòn Trần Thiện Khiêm. Cùng ở với ông đêm đó còn có nhà thơ Huy Cận.

Hôm sau, thức giấc, ông mới có dịp thăm tòa nhà. Và tấm bản đồ treo trên tường không ai lấy mang đi, ông giữ lại làm hành trang đi công tác ở miền Nam những năm sau đó.

Bốn mươi năm sau, nhớ lại, ông bảo: “Nhà báo đi công tác ngày nay có vệ tinh định vị rồi, không cần bản đồ nữa”. Nhưng tôi nghĩ khác. Tấm bản đồ giúp cho người lữ hành hình dung ra đoạn đường mình vừa trải qua và đoạn đường đang đi tới. Nhà báo cần phải biết mình đang đứng ở đâu để có thể quyết định hướng đi tới của mình.

Hy vọng tờ lịch đại một ngày Chủ nhật tháng 4/1975 và tấm bản đồ kia, sẽ có mặt trong Bảo tàng nghề nghiệp đang được xây dựng của Hội Nhà báo Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Phan Quang - bạn và nghề”
“Phan Quang - bạn và nghề”

Cuốn sách cùng tên là kết quả từ sự tận tâm của nhà báo Trần Thanh Phương và bạn bè. Cuốn sách nói về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Phan Quang.

“Phan Quang - bạn và nghề”

“Phan Quang - bạn và nghề”

Cuốn sách cùng tên là kết quả từ sự tận tâm của nhà báo Trần Thanh Phương và bạn bè. Cuốn sách nói về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Phan Quang.

Tác phẩm mới về “nghề làm báo” của nhà báo Phan Quang
Tác phẩm mới về “nghề làm báo” của nhà báo Phan Quang

(VOV) - Đầu Xuân Quý Tỵ, nhà báo Phan Quang lại có một ấn phẩm mới tập hợp những bài viết của ông trong vòng mươi năm lại đây.

Tác phẩm mới về “nghề làm báo” của nhà báo Phan Quang

Tác phẩm mới về “nghề làm báo” của nhà báo Phan Quang

(VOV) - Đầu Xuân Quý Tỵ, nhà báo Phan Quang lại có một ấn phẩm mới tập hợp những bài viết của ông trong vòng mươi năm lại đây.

Phan Quang- 60 năm không rời cây bút
Phan Quang- 60 năm không rời cây bút

Giáo sư Viện sĩ Hoàng Trinh giới thiệu cuốn “Phan Quang, Tuyển tập Mười năm 1998-2008, Nxb Văn học, 2008”

Phan Quang- 60 năm không rời cây bút

Phan Quang- 60 năm không rời cây bút

Giáo sư Viện sĩ Hoàng Trinh giới thiệu cuốn “Phan Quang, Tuyển tập Mười năm 1998-2008, Nxb Văn học, 2008”

Phan Quang: Nghề báo nghiệp văn
Phan Quang: Nghề báo nghiệp văn

Có ba điều bất hủ của một đời người: lập đức, lập công, lập ngôn, thì Phan Quang - nhà báo, nhà văn bắt đầu sự nghiệp văn chương, báo chí của mình bằng lập đức, từ chữ đức, chữ tâm

Phan Quang: Nghề báo nghiệp văn

Phan Quang: Nghề báo nghiệp văn

Có ba điều bất hủ của một đời người: lập đức, lập công, lập ngôn, thì Phan Quang - nhà báo, nhà văn bắt đầu sự nghiệp văn chương, báo chí của mình bằng lập đức, từ chữ đức, chữ tâm

Đọc “Phan Quang - thương nhớ vẫn còn”
Đọc “Phan Quang - thương nhớ vẫn còn”

Những bài nhà báo - nhà văn Phan Quang viết về những tên tuổi có thật từ nhà chính trị - văn hóa lớn, các nhà văn - nhà báo nổi tiếng đến những người thầy, người bạn thân thiết của mình.

Đọc “Phan Quang - thương nhớ vẫn còn”

Đọc “Phan Quang - thương nhớ vẫn còn”

Những bài nhà báo - nhà văn Phan Quang viết về những tên tuổi có thật từ nhà chính trị - văn hóa lớn, các nhà văn - nhà báo nổi tiếng đến những người thầy, người bạn thân thiết của mình.