Chọn vấn đề giám sát phải phù hợp với nguyện vọng của cử tri
VOV.VN -Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu để các cuộc giám sát đạt hiệu quả cần lựa chọn lựa chọn kĩ các vấn đề giám sát, nâng cao kĩ năng chất vấn của đại biểu
Ngày 18/3, Hội nghị Thường trực Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ với chủ đề “Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015” diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu và chỉ đạo tại hội nghị.
Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh |
Các tham luận nhấn mạnh vào tính đồng bộ, sâu sát của hoạt động giám sát, để đạt kết quả thực chất. Bên cạnh đó, nhiều tham luận cũng tập trung vào giải pháp nâng cao hiệu lực hiệu quả thực hiện các kiến nghị hậu giám sát và hậu chất vấn của HĐND cấp tỉnh. Bởi hiện nay, vẫn tồn tại tình trạng các chủ thể chịu giám sát chưa thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát. Chất lượng tiếp công dân của đại biểu HĐND, chất lượng giám sát của Thường trực HĐND đối với việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân cũng như việc thực hiện, giải quyết kiến nghị của cử tri chưa được thực hiện tốt.
Ông Đặng Minh Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên cho rằng: "Công tác giám sát vẫn còn nhiều hạn chế như là việc lựa chọn nội dung, lĩnh vực giám sát chưa sát; tính thời sự không cao; kết luận giám sát còn chung chung. Các kiến nghị không được thực hiện một cách nghiêm túc. Có chuyện phớt lờ các kết luận, kiến nghị giám sát của thường trực cũng như các ban của HĐND tỉnh. Nguyên nhân do việc xác định nội dung, lĩnh vực giám sát còn dàn trải, số cuộc giám sát nhiều trong khi năng lực cán bộ giám sát thì không cao. Chưa có biện pháp, chế tài đối với tập thể, cá nhân không thực hiện các kiến nghị giám sát".
Một trong những vấn đề được quan tâm là công tác thu thập, xử lý thông tin, lựa chọn nội dung giám sát và đổi mới phương thức giám sát. Đây là khâu đầu tiên nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến kết quả giám sát, tạo căn cứ pháp lý để tiến hành các bước tiếp theo là chọn phương thức giám sát. Yếu tố công khai minh bạch trong hoạt động giám sát gắn liền với công tác thông tin tuyên truyền. Nhân dân khi được thông tin đầy đủ sẽ trở thành một kênh giám sát hiệu quả tới quá trình thực hiện các kiến nghị hậu giám sát và hậu chất vấn.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực HĐND thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn, thống nhất thực hiện Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đồng thời tăng cường giám sát việc quán triệt và tổ chức thực hiện 2 luật này ở các địa phương. Quan tâm, chỉ đạo công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân cử, nhất là cán bộ làm chuyên trách HĐND. Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh nghị định 48 theo hướng tăng phòng ban chuyên môn giúp việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận Hội nghị |
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Để bảo đảm đạt được hiệu quả giám sát, chúng ta không chỉ chọn đúng việc mà còn phải cân nhắc quyết định bố trí nguồn lực hợp lý để đạt mục đích của cuộc giám sát. Tăng cường giám sát chuyên đề, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương, đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Nội dung giám sát phải thiết thực, cụ thể. Trong giám sát phải có sự thảo luận chất vấn để làm rõ nguyên nhân tồn tại, yếu kém, có biện pháp để giải quyết, khắc phục và kiến nghị với cấp có thẩm quyền giải quyết. Cần chọn những nội dung phù hợp có tính thời sự để thảo luận tại các phiên họp của HĐND. Tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi, giám sát".
Trao cờ cho đại diện thường trực HĐND TP Hà Nội |
Chủ tịch nước: “Phải chọn những vấn đề nổi cộm để tổ chức giám sát“