Ngày Cảnh sát Việt Nam gia nhập Interpol Quốc tế 4/11:

Chủ động ngăn chặn từ xa tội phạm xuyên quốc gia

Interpol Việt Nam tích cực hợp tác quốc tế để phòng chống tội phạm từ xa và vẫn bảo đảm chính sách mở cửa của Nhà nước  

Ngày 4/11/1991, được sự đồng ý của Hội đồng Bộ trưởng nay là Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ Việt Nam nay là Bộ Công an Việt Nam, cho phép lực lượng cảnh sát Việt Nam tham gia Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế Interpol. Tại Hội nghị Đại hội đồng Interpol lần thứ 61, tổ chức tại Uruguay, các nước thành viên đã bỏ phiếu tín nhiệm và chấp nhận lực lượng cảnh sát Việt Nam trở thành thành viên thứ 156 của Interpol Quốc tế, và ngày 4/11 trở thành ngày truyền thống của Interpool Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Việt Nam gia nhập Tổ chức Interpol Quốc tế, phóng viên VOVNews phỏng vấn Đại tá Đặng Xuân Khang, Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam.

PV: Thưa ông, cùng với tiến trình hội nhập thế giới, công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là phối hợp phòng chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam cần được chú trọng. Ông có thể cho độc giả VOVNews khái quát hoạt động của Interpol Việt Nam trong thời gian qua?

Đại tá Đặng Xuân Khang, Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam

Đại tá Đặng Xuân Khang: Ngày 4/11 trở thành một sự kiện quan trọng, mở ra 1 thời kỳ mới trong hội nhập Quốc tế của lực lượng công an nhân dân nói chung và lực lượng cảnh sát nhân dân Việt Nam nói riêng. Đây cũng là một sự kiện rất quan trọng, thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ mở cửa hội nhập Quốc tế về lĩnh vực phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự. Lực lượng cảnh sát Việt Nam có nhiều hơn cơ hội trong hợp tác với các đối tác nước ngoài, đặc biệt với lực lượng cảnh sát và lực lượng thi hành pháp luật của nhiều nước trên thế giới.

Đây cũng là một điều kiện thuận lợi cho lực lượng cảnh sát Việt Nam để trực tiếp liên lạc với Cảnh sát các nước thành viên Interpol, trao đổi thông tin và hợp tác giải quyết các yêu cầu cụ thể về lĩnh vực phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm xuyên quốc gia đã và đang diễn biến hết sức phức tạp ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Một số hành vi phạm tội mới đã xuất hiện ở Việt Nam, đặc biệt là hoạt động buôn lậu ma túy, buôn người đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em xuyên quốc gia. Đã xuất hiện hoạt động tội phạm liên quan đến lĩnh vực lừa đảo kinh tế tài chính ngân hàng. Việt Nam đã và đang trở thành một điểm mà tội phạm tập trung để triển khai hoạt động.

Trong quá trình hợp tác với lực lượng cảnh sát của các nước thành viên Interpol, Văn phòng Interpol Việt Nam tham mưu cho Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (PCTP), lãnh đạo Bộ Công an đề ra những chính sách, chương trình, chiến lược trong hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm, và đã thu được rất nhiều thành tích trong những năm qua.

Interpol Quốc tế thành lập từ năm 1923, đến nay có 188 nước thành viên, có chức năng hợp tác chống tội phạm lớn nhất thế giới

Đặc biệt thông qua các kênh hợp tác Interpol, lực lượng cảnh sát Việt Nam có dịp mở rộng mối quan hệ đa phương, song phương với lực lượng cảnh sát và các cơ quan thi hành pháp luật của các nước, tham gia nhiều diễn đàn hợp tác đa phương phòng chống tội phạm xuyên quốc gia như SOMTC (Diễn đàn Quan chức cấp cao ASEAN Phòng chống tội phạm xuyên quốc gia), và cao hơn là Diễn đàn cấp Bộ trưởng Bộ Nội vụ các nước ASEAN trong lĩnh vực phòng chống tội phạm xuyên Quốc gia.

Với vai trò là cơ quan điều phối và thường trực của Bộ Công an trong lĩnh vực hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm, trong những năm qua Interpol Việt Nam đã phát huy được tính chủ động và tích cực tham mưu cho lãnh đạo các cấp và triển khai thực hiện rất hiệu quả những nghị quyết của Đại hội đồng Interpol cũng như các cam kết của Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống tội phạm.

PV: Thưa ông, Interpol là cơ quan đầu não chuyên về điều tra, theo dõi, cung cấp tư liệu liên quan đến tội phạm hình sự, khủng bố.  Thời gian gần đây một số loại tội phạm xuyên quốc gia tiếp tục gia tăng, trong đó tập trung vào các hoạt động lừa đảo xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức, tội phạm công nghệ cao… Vậy, Interpol Việt Nam đã phối hợp với tổ chức Interpol các nước, cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam thực hiện hoạt động này như thế nào? Ông có thể nêu một vài ví dụ, vụ việc?

Đại tá Đặng Xuân Khang: Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Công an và Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát PCTP, Interpol Việt Nam đã chủ động nghiên cứu tội phạm xuyên quốc gia trong thế giới và khu vực, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong công an địa phương để làm rõ tình hình diễn biến tội phạm.

Chủ động triển khai sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu của Interpol, ASEANapol, để từ đó đúc kết lại những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, các xu thế hoạt động của tội phạm trong tình hình mới. Để từ đó tham mưu kịp thời lên lãnh đạo các cấp, chỉ đạo các đơn vị chủ động phòng ngừa, chống phá các đường dây tội phạm xuyên quốc gia.

Những hoạt động đó góp phần trong công tác phòng ngừa phát hiện các đối tượng là người nước ngoài vào Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau như du lịch, đầu tư kinh doanh, lợi dụng những sơ hở  về hành lang pháp lý, lợi dụng sự non kém trong quản lý kinh tế của các cá nhân, doanh nghiệp để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đến nay đã xuất hiện nhiều đối tượng trong các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia, cấu kết thực hiện các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Hoặc cấu kết hình thành các đường dây vận chuyển ma túy hoặc tổ chức đưa người di cư bất hợp pháp từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài.

Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với cảnh sát nước ngoài để thu thập tài liệu chứng cứ phục vụ hoạt động điều tra, góp phần vào việc triệt phá nhiều đường dây tổ chức tội phạm hoạt động xuyên quốc gia xảy ra ở Việt Nam trong những năm qua.

Thời gian gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo hiện tượng người nước ngoài, đặc biệt là người gốc Phi hoặc người trong khu vực Đông Nam Á đã lợi dụng việc nhập cảnh vào Việt Nam để tổ chức thành các băng nhóm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chúng dùng thủ đoạn “đồng đô la đen”, sử dụng các đồng đô la giả trộn lẫn đồng đô la thật và sử dụng một số hóa chất nhất định để tẩy rửa thành giống như đô la thật. Từ đó, bọn tội phạm yêu cầu nạn nhân chuyển cho chúng một số lượng tiền nhất định để mua hóa chất tẩy tiền, nhưng thực tế là hành vi lừa đảo, cướp đoạt tài sản của các cá nhân thiếu thông tin.

Đặc biệt, gần đây cũng xuất hiện nhiều đơn của nạn nhân về hiện tượng nhận được thư điện tử (email) gửi vào các hộp thư cá nhân, thông báo rằng những cá nhân đó đã trúng xổ số quốc tế. Nếu nạn nhân liên lạc lại theo địa chỉ của chúng, chúng sẽ tiếp tục đưa ra những thông tin và yêu cầu chuyển một khoản tiền nhất định để làm thủ tục nhận giải thưởng. Nhưng thực tế đó là một hành vi lừa đảo tài sản đối với những người thiếu thông tin.

Interpol Quốc tế là tổ chức phòng chống tội phạm xuyên quốc gia lớn nhất thế giới

PV: Vậy Interpol Việt Nam và các cơ quan chức năng có giải pháp  như thế nào để vừa ngăn chặn, phòng chống tội phạm mà vẫn bảo đảm chính sách mở cửa của Nhà nước Việt Nam, thưa ông?

Đại tá Đặng Xuân Khang: Lực lượng thi hành pháp luật nói chung, lực lượng cảnh sát Việt Nam nói riêng cần bám vào các chủ trương chính sách, nghị quyết, chỉ thị của ngành trong việc mở rộng hợp tác quốc tế về lĩnh vực phòng chống tội phạm để đảm bảo phòng ngừa từ xa sự xâm nhập của tội phạm xuyên quốc gia vào Việt Nam. Đồng thời vẫn đảm bảo được chính sách mở cửa, hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực an ninh quốc phòng với các đối tác nước ngoài.

Đặc biệt là đối với các tổ chức quốc tế về phòng chống tội phạm, chúng ta cần chủ động tích cực nêu xuất những sáng kiến của Việt Nam trong diễn đàn của các tổ chức Quốc tế, cũng như chủ động mở rộng quan hệ hợp tác song phương với các nước có mối quan hệ truyền thống với Việt Nam, các nước láng giềng và các nước có quan hệ hợp tác trong lĩnh vực phòng chống tội phạm.

Từ đó, chúng ta chủ động trong việc ngăn chặn từ xa tội phạm xâm nhập vào Việt Nam, đồng thời cũng là thực hiện chính sách của Nhà nước trong việc bảo hộ công dân của Việt Nam đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài. Theo đó, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu các nghị quyết của Đại hội đồng Interpol cũng như cam kết của Tư lệnh cảnh sát các nước ASEAN cùng với cam kết của Tư lệnh cảnh sát các nước ASEAN với các nước đối thoại và các nước có nhiều quan hệ với ASEAN. Tổ chức triển khai thành chương trình hành động trong lực lượng công an nói chung và lực lượng cảnh sát nói riêng ở Việt Nam nhằm chủ động hợp tác trong từng lĩnh vực, từng chuyên đề để chủ động phòng ngừa và phát hiện tội phạm. Chúng tôi cũng hợp tác điều tra, khám phá các băng nhóm, các đường dây tội phạm hoạt động xuyên quốc gia có liên quan đến Việt Nam trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép Bộ Công an đăng cai tổ chức kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 80 vào năm 2011.

Để làm được việc đó, trước hết cơ quan chức năng phải có những đánh giá thực trạng hợp tác giữa các lực lượng trong phòng chống tội phạm, đồng thời có sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo các cấp, và sự tham gia của tất cả các ngành, và toàn dân trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cũng như thông tin kịp thời những phương thức thủ đoạn mới, những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, giúp cho lực lượng thi hành pháp luật phát hiện tội phạm. Đồng thời cũng giúp cho mỗi người dân hiểu biết được những xu thế hoạt động tội phạm, những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để chủ động phòng ngừa trong cuộc sống.

PV: Thưa ông, sang năm 2011 kỷ niệm 20 năm Ngày Cảnh sát Việt Nam gia nhập Interpol Quốc tế, ông có thể cho biết phương hướng hoạt động của Interpol Việt Nam như thế nào?

Đại tá Đặng Xuân Khang: Năm nay chúng tôi kỷ niệm 19 năm ngày thành lập. Đây cũng là một thời gian đã chứng kiến nhiều sự kiện và nhiều hoạt động xây dựng lực lượng Interpol Việt Nam ngày càng phát triển và trưởng thành. Để tiếp tục phát huy truyền thống các thế hệ, trong những năm tới chúng tôi tiếp tục chủ động tham mưu cho lãnh đạo tổng cục, lãnh đạo công an chỉ đạo một số hoạt động. Thứ nhất, chúng tôi đang triển khai các hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày Cảnh sát Việt Nam gia nhập lực lượng Interpol Quốc tế, để từ đó đánh giá được những thành tựu đã đạt được, và từ đó xây dựng chiến lược đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.

Thứ hai, để triển khai nghĩa vụ của nước thành viên, chúng tôi đã tham mưu cho Đảng ủy Trung ương và lãnh đạo Bộ công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chủ động trong hội nhập quốc tế. Đến nay Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép Bộ Công an đăng cai tổ chức kỳ họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 80 vào năm 2011. Đây là sự kiện rất quan trọng, thể hiện sự chủ động tích cực hội nhập của Công an Nhân dân Việt Nam nói chung và lực lượng Cảnh sát Việt Nam nói riêng. Đây cũng là dịp để lực lượng cảnh sát Việt Nam thể hiện tính chuyên nghiệp và chính quy hiện đại trong hội nhập Quốc tế.

Qua sự kiện này đại biểu các nước thành viên sẽ có điều kiện giao lưu với các đồng nghiệp quốc tế và Việt Nam, có điều kiện để nghiên cứu, để hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam, từ đó có chính sách hợp tác quốc tế nói chung về các lĩnh vực cũng như lĩnh vực phòng chống tội phạm với lực lượng cảnh sát Việt Nam.

*Xin cảm ơn ông!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên