Chủ tịch nước khảo sát tác động của thủy điện ở Quảng Nam
VOV.VN -Chủ tịch nước cũng khảo sát tác động của thủy điện và công tác phòng chống thiên tai khu vực hạ du.
Tiếp tục chuyến công tác tại miền Trung, hôm nay (15/12), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã đến thăm, động viên bà con vùng lũ tại tỉnh Quảng Nam. Chủ tịch nước cũng khảo sát tác động của thủy điện và công tác phòng chống thiên tai khu vực hạ du cùng việc tái định cư ổn định đời sống cho bà con tại công trình thủy điện Sông Tranh 2.
Quảng Nam nằm trên dải đất miền Trung thường xuyên chịu tác động của thiên tai, đặc biệt năm 2013, tỉnh đã trực tiếp chịu ảnh hưởng của 4 cơn bão lớn, nhất là tháng 11 vừa qua do áp thấp nhiệt đới gây mưa to trên diện rộng nên lũ lớn xảy ra gây thiệt hại nặng về người và của.
Chủ tịch nước thăm hỏi người dân |
Tính cả năm 2013, đã có 17 người chết, 230 người bị thương nặng, hơn 92.000 ngôi nhà bị ngập, sập, hư hỏng cùng với 2.400ha lúa, 9.200ha hoa mùa ngập úng và hàng chục nghìn con gia cầm, trâu bò bị cuốn trôi, thiệt hại khoảng 1000 tỷ đồng.
Chủ tịch nước cùng lãnh đạo các Bộ, ngành đã trực tiếp đến khảo sát thực tế tại xã Đại Hưng, thuộc huyện Đại Lộc, nơi gánh chịu thiệt hại nặng nề. Chính quyền và người dân cho biết là địa phương có địa hình đồi núi, độ dốc lớn, hàng năm thường xảy ra ngập lụt, nhưng kể từ năm 2009 khi 7 công trình thủy điện ở thượng nguồn đi vào hoạt động thì lũ lụt ngày càng nghiêm trọng và khó lường hơn.
4 năm qua việc các thủy điện xả lũ đồng loạt đã gây ra 10 đợt lũ lớn có đợt mức nước cao 3 m, sức nước lớn làm 100% số hộ trên toàn xã ngập lụt, khó khăn trong di dời nên đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn.
Bà con và chính quyền đề nghị các cấp phải có sự can thiệp để các thủy điện trên địa bàn phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với việc xả lũ, thông báo sớm thời gian để bà con chủ động các biện pháp ứng phó. Bà con cũng đề nghị có giải pháp triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, di dời vùng ngập nặng, hỗ trợ kinh phí khai hoang đất mới khôi phục sản xuất.
Động viên và chia sẻ với những khó khăn của bà con, Chủ tịch nước cho rằng trước khó khăn bà con phải bình tĩnh, việc xây dựng các công trình thủy điện là rất cần thiết cho việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhất là với các vùng nông thôn miền núi, nếu có các dự án lớn thì sẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhưng vấn đề quan trọng nhất, Chủ tịch nước cho rằng phát triển phải căn cứ vào thực tế, có quy hoạch đúng.
Chủ tịch nước thăm hỏi công nhân thủy điện Sông Tranh |
Chủ tịch nước cũng cho rằng, những năm qua với tác động của biến đổi khí hậu mưa lũ ngày càng nhiều cộng với các nhà máy đã đi vào hoạt động thì cần phải có tính toán thật cụ thể trong vận hành thủy điện, tỉnh cần phối hợp với các Bộ, ngành để có đề xuất giải pháp khắc phục.
Cùng với đó, Chủ tịch nước đề nghị phải có chính sách hỗ trợ cho bà con phù hợp, quy hoạch lại các khu dân cư hạ du, đẩy mạnh xây dựng các công trình phòng chống lũ. Với các công trình thủy điện cần phải di dời dân thì phải đặc biệt coi trọng chính sách tái định cư.
Công trình thủy điện Sông Tranh 2, đây là công trình nằm trên thượng nguồn Sông Tranh với 8 xã thuộc huyện Bắc Trà My và Nam Trà My và gần 4.400 nhân khẩu phải di dời. Thực hiện chính sách đảm bảo đời sống cho bà con nơi đây, tỉnh đã cấp cho mỗi hộ dân 1000m2 đất ở và từ 1,2-1,8ha đất canh tác. Tuy nhiên do điều kiện canh tác kém hiệu quả, số đất thực tế chưa đáp ứng được cuộc sống của bà con.
Nói chuyện với bà con, Chủ tịch hoan nghênh bà con đã nhường đất cho xây dựng các công trình. Đây cũng là cơ sở để thúc đẩy sự phát triển tại địa phương. Chủ tịch nước nhấn mạnh, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với bà con tái định cư là nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, do đó phải có chính sách đồng bộ nhất là giải quyết về đất sản xuất.
Chủ tịch nước cũng lưu ý, các cấp chính quyền cần hướng dẫn cho bà con các mô hình sản xuất sao cho hiệu quả, với những công trình nhà xây mới cho bà con tại các khu tái định phải phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số để bà con ổn định tư tưởng, hòa nhập với cuộc sống mới.