Chủ tịch nước: Kiểm sát cần có dũng khí để bảo vệ công lý
VOV.VN -Chủ tịch nước lưu ý ngành Kiểm sát cần bảo đảm mọi tội phạm bị phát hiện phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh; đảm bảo không để xảy ra oan, sai.
Hôm nay (23/7), tại Trung tâm Hội Nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tổ chức trong thể Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập ngành Kiểm sát và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 5.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban cải cách tư pháp Trung ương tới dự và chỉ đạo Đại hội. Cùng dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Đại tướng Trần Đại Quang- Bộ trưởng Bộ Công An; các đồng chí: Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng, Chánh văn phòng Trung ương; Trương Hòa Bình, Chánh án tòa án Nhân dân tối cao và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các cá nhân tiêu biểu ngành Kiểm sát trong cả nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Chủ tịch nước phát biểu tại Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập ngành Kiểm sát |
Cách đây 55 năm, ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của một hệ thống cơ quan quan trọng trong bộ máy nhà nước ta.
Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc.
Đặc biệt, sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, 10 năm thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp, ngành Kiểm sát nhân dân đã có những bước tiến vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo vệ thành quả xây dựng và phát triển của đất nước.
Đội ngũ của ngành từ những ngày đầu thành lập có hơn 800 người, tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 0,3%. Đến nay đã có trên 15.000 cán bộ, được đào tạo chính quy, 100% Kiểm sát viên đạt trình độ Đại học trên Đại học.
Công tác xây dựng chính sách, pháp luật được chú trọng, đề xuất nhiều chính sách quan trọng trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra được tăng cường; công tác kiểm sát xử lý tố giác, tin báo tội phạm có nhiều tiến bộ; Kiểm sát viên đã tích cực tranh luận, đối đáp tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự...Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: đã có những đổi mới cơ bản.
Hiện nay, Trường Đại học Kiểm sát từng bước được đầu tư xây dựng thành trung tâm lớn về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Kiểm sát nhân dân, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược cải cách tư pháp. Hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả, uy tín của ngành Kiểm sát nhân dân ngày một tăng lên đối với nhân dân và đối với các nước...
Chủ tịch nước gắn Huân chương lên lá cờ truyền thống của ngành Kiểm sát |
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho ngành Kiểm sát, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt biểu dương những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước và chúc mừng những thành tích mà ngành Kiểm sát nhân dân đạt được trong thời gian qua.
Chủ tịch nước cho rằng Lễ kỷ niệm 55 năm, và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 5 là dịp để ngành Kiểm sát đánh giá, tổng kết những việc làm hay và những việc làm còn hạn chế, đồng thời cũng là dịp để các đại biểu ưu tú trong toàn ngành gặp gỡ, trao đổi những kết quả thi đua, hoàn thành nhiệm vụ được giao của từng cá nhân và tổ chức.
Chủ tịch nước đề nghị ngành Kiểm sát nhân dân cần tiếp tục triển khai thi hành nghiêm túc Hiến pháp 2013 và các Nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp.
Chủ tịch nước yêu cầu Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần tập trung xây dựng và hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự bảo đảm chất lượng và thời hạn quy định; tích cực tham gia xây dựng các đạo luật quan trọng như: Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tố tụng hành chính… Đặc biệt phải làm tốt công tác xây dựng ngành và chức năng nhiệm vụ được quy định tại Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.
Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho ngành Kiểm sát. |
Chủ tịch nước lưu ý: Ngành Kiểm sát cần tập trung làm tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; bảo đảm mọi tội phạm bị phát hiện phải được khởi tố, điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh; các quyết định của cơ quan tư pháp phải có căn cứ và đúng pháp luật; bảo đảm không để xảy ra oan, sai, đồng thời không bỏ lọt tội phạm, tôn trọng quyền con người, quyền công dân theo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013.
Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân các cấp phải thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, bảo đảm vừa “hồng”, vừa “chuyên”; thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ kiểm sát:“Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn.
Trong tình hình hiện nay, cán bộ và kiểm sát viên các cấp cần phải có dũng khí, có quyết tâm cao bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, của Đảng và Nhà nước, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ, đóng góp xứng đáng vào thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước”.
Chủ tịch nước lưu ý, trong giai đoạn phát triển mới, ngành Kiểm sát cần nghiên cứu, đề xuất phương án cải cách chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ và cơ chế thu hút, tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ đức, đủ tài vào làm việc ở Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực phòng, chống tội phạm; xây dựng pháp luật và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, thực hiện có hiệu quả là cơ quan chủ trì phối hợp trong các hoạt động tương trợ tư pháp...
Đồng thời ngành cần cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ của Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 5 vào các phong trào thi đua của từng địa phương, đơn vị và từng cá nhân nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác đề ra đáp ứng yêu cầu chiến lược cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế./.