Chủ tịch Quốc hội: “Cùng quy định, có nơi làm tốt và không thấy kêu”
VOV.VN - “Cũng là luật, nghị định, thông tư nhưng có địa phương làm quyết liệt, có sản phẩm, tăng trưởng, thu ngân sách cao mà không kêu, song cũng có nơi không làm được thì đổ lỗi do quy định”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý điều này khi thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) tại Phiên họp 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 5/2.
Phân cấp mạnh mẽ
Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, mục tiêu là sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy Chính phủ kiến tạo phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với nội dung về phân cấp trong dự thảo luật nhằm thể chế hóa kết luận của Bộ Chính trị, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để “tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ”.
Cơ quan này cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung nguyên tắc phân cấp, làm rõ chủ thể được phân cấp, cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan được phân cấp để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi).
“Đề nghị bổ sung nguyên tắc phân cấp theo hướng: khi thực hiện phân cấp phải bảo đảm đồng bộ giữa phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn với phân cấp về giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan được phân cấp chủ động trong giải quyết công việc, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính gắn với tăng cường trách nhiệm của các cơ quan và nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp”, theo ông Hoàng Thanh Tùng.
Rõ “đúng vai, thuộc bài”
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong phân cấp, phân quyền trong luật này với nhiều luật khác như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Nguyên tắc phân định thẩm quyền phải bám sát chỉ đạo của cấp thẩm quyền, phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Các nguyên tắc cơ bản quy định rõ quan hệ giữa Chính phủ với Quốc hội, với UBTVQH, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội; phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan hành pháp, tư pháp đảm bảo “đúng vai, thuộc bài”.
Liên quan phân cấp, phân quyền, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhắc lại lời Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần đề cập là địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trác nhiệm. Trung ương kiến tạo, Quốc hội giám sát, Chính phủ điều hành.
“Tới đây Quốc hội không quản lý danh mục đầu tư, danh mục tiền mà giao 1 khối cho Chính phủ chịu trách nhiệm phân bổ về cho địa phương. Thủ tướng cũng nói nhất trí giao quyền cho bộ ngành, địa phương. Làm minh bạch, công khai trong phân cấp, ủy quyền”, ông Trần Thanh Mẫn nói, đồng thời đề nghị làm rõ hơn yêu cầu điều kiện đáp ứng của nơi được phân cấp để khả thi khi thực hiện, tránh đùn đẩy trách nhiệm.
Theo ông, cũng là luật, nghị định, thông tư nhưng có địa phương làm quyết liệt, không xin xỏ Trung ương, không kêu khó, nhưng có địa phương lại kêu do quy định. Nhiều địa phương làm có sản phẩm, tăng trưởng, thu ngân sách cao mà không kêu, song cũng có nơi không làm được thì đổ lỗi do luật. Do vậy, sửa luật lần này cần giải quyết được vấn đề đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị xác định nguyên tắc chịu trách nhiệm hoàn toàn thì “trên chịu trách nhiệm, dưới cũng phải chịu trách nhiệm”, do đó cần bổ sung cả vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhất là trong bối cảnh tới đây cấp xã rất mạnh khi nhiều đơn vị cấp trung gian ở huyện không còn.
Báo cáo thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc xây dựng luật thể hiện tinh thần đổi mới tư duy trong công tác lập pháp nên sửa đồng bộ, toàn diện và căn bản.
Nữ bộ trưởng cũng cho biết, cùng với việc trình các dự án luật, Chính phủ đã chuẩn bị song song 3 dự thảo nghị định để có thể ban hành, triển khai kịp thời ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
“Quốc hội bế mạc kỳ họp thì Chính phủ triển khai ngay nghị quyết và công bố cơ cấu tổ chức Chính phủ, các nghị định về chức năng, quyền hạn, tổ chức bộ máy để hoạt động được luôn, không để khoảng trống pháp lý”, bà Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh và cho biết ngay trong chiều nay, ban soạn thảo có thể làm việc ngay để tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội.