Chủ tịch Quốc hội: Nghiêm túc chống tiêu cực trong xây dựng pháp luật
VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Ông đề nghị các cơ quan "phát biểu rõ quan điểm, chính kiến, khách quan; không né tránh vấn đề có nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh điều này khi phát biểu khai mạc Phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng nay 12/8.
Đây là phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 5 trong nhiệm kỳ khoá XV. Diễn ra trong 3 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật đã được Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Các dự án luật thuộc nhiều lĩnh vực, được dư luận hết sức quan tâm như Luật Công đoàn liên quan đến quyền lợi của người lao động; Luật Thuế giá trị gia tăng tác động lớn tới người dân và DN; Luật Di sản văn hoá liên quan nhiều ngành....
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV có hơn 200 lượt ý kiến phát biểu, tranh luận trên hội trường và 900 lượt phát biểu tại tổ. Cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiếp thu tối đa các ý kiến trên tinh thần “dù 1 ý kiến nhỏ cũng phải có giải trình tiếp thu cặn kẽ”.
Bên cạnh đó, các Ủy ban của Quốc hội và Chính phủ tổ chức nhiều hội thảo, toạ đàm, tiến hành nhiều cuộc khảo sát. Lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ cũng làm việc nhiều cuộc, qua nhiều vòng để hoàn thiện các dự thảo.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý quán triệt nghiêm túc Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Ông đề nghị "các cơ quan phát biểu rõ quan điểm, chính kiến, khách quan; không né tránh vấn đề có nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách”.
Ông Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, trong tháng 8/2024 còn Phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để tiếp tục thảo luận về các nội dung trình Quốc hội. Ngoài ra, đầu năm 2025 có thể tổ chức Diễn đàn về pháp luật để bàn sâu hơn, kỹ hơn công tác xây dựng pháp luật để nâng cao chất lượng.
Nhấn mạnh nội dung công tác lập pháp ngày càng lớn, số lượng dự án luật ngày càng tăng, song theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đến nay, trong 137 nhiệm vụ xây dựng pháp luật theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị, Quốc hội đã thực hiện đạt 83,97% và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ này khi Quốc hội và Chính phủ còn 3 kỳ họp để thực hiện nhiệm vụ này.