Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà: “Tăng trưởng âm đặt ra cho chúng tôi nhiều trăn trở”
VOV.VN - Ông Nguyễn Tấn Tuân: "Suy nghĩ lớn nhất là chúng tôi phải khẩn trương khắc phục, gỡ rối những tồn tại, yếu kém, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục khởi động, tạo ra nguồn thu ngân sách lớn và giải quyết công ăn việc làm..."
Khánh Hòa là tỉnh Nam Trung Bộ với bờ biển dài 385 km, được đánh giá là một trong những tỉnh có bờ biển đẹp ở Việt Nam. Đây cũng là lợi thế để địa phương này phát triển du lịch. Tuy nhiên, với ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, năm 2020, doanh thu ngành du lịch của Khánh Hòa giảm 81% khiến ngân sách địa phương thất thu hàng tỷ USD. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Khành Hòa có mức tăng trưởng thấp nhất cả nước. Thực tế này đặt lên vai những người lãnh đạo của Khánh Hòa không ít trăn trở nếu kinh tế tiếp tục lệ thuộc vào du lịch- dịch vụ. Bài học thất thu ngân sách từ Covid-19 chính là động lực để Khánh Hòa quyết tâm “chuyển mình” trong những năm sắp tới. Đây cũng là nội dung cuộc phỏng vấn giữa phóng viên VOV với ông Nguyễn Tấn Tuân – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Không lệ thuộc tăng trưởng “nóng” từ một cực
PV: Năm 2020 khép lại, chắc chắn câu chuyện Khánh Hòa tăng trưởng âm là chuyện chưa từng có, lãnh đạo tỉnh sẽ không khỏi trăn trở, suy nghĩ xác định nguyên nhân và đặt ra các giải pháp?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Năm qua, Khánh Hòa bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid-19 và những trận lũ lụt trong những tháng cuối năm. Sở dĩ Khánh Hòa có mức tăng trưởng âm 10,5% GRDP do du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19, giảm đến 81%, riêng doanh thu của ngành này mất gần 2 tỷ USD. Bên cạnh đó, tỉnh cũng ra sức khắc phục những khó khăn, tồn tại, yếu kém mà các đoàn thanh tra chỉ ra.
Mức tăng trưởng âm của năm 2020 đặt ra cho lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nhiều trăn trở, suy nghĩ. Suy nghĩ lớn nhất là chúng tôi phải khẩn trương khắc phục, gỡ rối những tồn tại, yếu kém trong thời gian qua để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục khởi động, tạo ra nguồn thu ngân sách lớn và giải quyết công ăn việc làm.
Mặt khác, tỉnh điều chỉnh cơ cấu, kêu gọi đầu tư ở các lĩnh vực khác, đặc biệt tập trung giải ngân đầu tư công và xây dựng các cụm công nghiệp, khu công nghiệp và các nhà máy lớn tạo ra khối lượng xây dựng mạnh để cho các doanh nghiệp mua bán vật liệu xây dựng được hoạt động, giải quyết hàng tồn cũng như việc làm.
Khánh Hòa đã giải ngân tất cả vốn đầu tư công, ODA đã giải ngân xong 100%, các vốn đầu tư của tỉnh, ngân sách của Trung ương đến 31/1 hoàn thành 100%. Chúng tôi đang theo dõi từng ngày, từng tuần để đốc thúc các chủ đầu tư phải thanh toán khối lượng tại kho bạc để ra được sổ quyết toán; những tổ chức, địa phương nào không giải ngân được thì tỉnh sẵn sàng tổ chức kiểm điểm và xử lý kỷ luật.
Nếu tiếp tục duy trì cơ cấu dịch vụ du lịch, trong vài năm nữa, tỉnh Khánh Hòa rất khó trong tổ chức các nguồn thu và các nguồn thu không đảm bảo. Do vậy, tỉnh đã kịp thời điều chỉnh, tập trung đầu tư cho công nghiệp xây dựng. Năm vừa qua, công nghiệp xây dựng trên địa bàn tăng đến 4,5%, đây là tín hiệu tốt. Riêng tổng mức đầu tư ngoài xã hội đã gấp đôi so với 2019, do vậy các ngành công nghiệp xây dựng trong 5 năm tới, tỉnh đang tập trung kêu gọi xúc tiến mạnh mẽ, lúc đó sẽ tạo ra nhiều nguồn thu cũng như đảm bảo các nguồn thu vững chắc.
PV: Nhân ông có nói về việc tập trung khắc phục những tồn tại, yếu kém, vậy tỉnh xác định những tồn tại, yếu kém lớn nhất hiện nay là gì?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Thứ nhất là khẩn trương điều chỉnh quy hoạch, trong đó có những dự án không phù hợp với quy hoạch mà tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và doanh nghiệp đã đầu tư. Hiện nay đang vướng ở vấn đề này, vừa rồi tỉnh đã rà soát tất cả để đưa vào từng nhóm.
Theo đó, nhóm đã có chủ trương đầu tư mà vướng quy hoạch thì giao các địa phương phải khẩn trương cập nhật quy hoạch trong thời gian sắp tới. Nhóm quyết định chủ trương đầu tư sai sẽ thu hồi. Nhóm đã quyết định chủ trương đầu tư phù hợp với quy hoạch mà chậm tiến độ sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để, có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục.
Thực trạng vừa rồi trên địa bàn thành phố Nha Trang, một số dự án vi phạm về mật độ xây dựng, chiều cao xây dựng tỉnh đã kiên quyết xử lý không cập nhật, không hợp thức hóa những sai phạm đó. Tỉnh sẽ tiếp tục xử lý kiên quyết.
Chuyển từ tăng trưởng “nóng” một cực sang phát triển bền vững nhiều cực
PV: Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta nhiều bài học, trong đó có sự phát triển hợp lý về cơ cấu kinh tế, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Đúng như vậy. Trong điều kiện vừa phát triển kinh tế, vừa kiểm soát phòng dịch Covid-19, yêu cầu phải chấn chỉnh lại trong cơ cấu kinh tế của mình. Trước đây tăng trưởng nóng về một cực thì bây giờ sẽ phát triển bền vững theo nhiều cực, tạo ra nhiều nguồn thu.
Chúng tôi có đường bờ biển rất dài 385km và hơn 200 đảo lớn nhỏ, lợi thế của Khánh Hòa là kinh tế biển nên đang tập trung vào đánh bắt, nuôi trồng, chế biến sâu các loại hải sản.
Thứ hai là tăng cường phát triển các cụm đảo, các khu du lịch biển đảo. Thứ ba, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư để đầu tư các hệ thống cảng biển, dịch vụ logistic để trung chuyển hàng hóa, kể cả để xuất khẩu và nhập khẩu.
Thứ tư chúng tôi tạo ra một vùng biển để nghiên cứu các yếu tố về môi trường, các đề tài nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho ngư dân ở các vùng biển có thể nắm bắt khoa học kỹ thuật và tiếp tục phát triển tốt ngành nuôi biển. Hiện tỉnh đang rất quan tâm đến ngành nuôi biển chất lượng cao và chế biến sâu.
Đây cũng là chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khác với cách làm cũ là nuôi truyền thống bằng bè, lồng; bây giờ vây lại thành các lồng hiện đại, bão cấp 12 vẫn đảm bảo, thức ăn chuẩn theo thức ăn gia súc, chứ không phải đập cá, đập ốc quăng xuống biển làm ảnh hưởng đến môi trường.
PV: Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định Khánh Hòa trong 5 năm tới sẽ phát triển theo hướng nào, thưa ông ?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Bên cạnh việc phải kiểm soát được dịch bệnh, việc đầu tư phát triển kinh tế đặt ra cho Đảng bộ tỉnh nhiều suy nghĩ, trăn trở và bằng nhiều chương trình hành động cụ thể trong 5 năm tới.
Chúng tôi luôn bám sát triển khai xây dựng 3 vùng kinh tế động lực: Vùng kinh tế Cam Ranh gắn với giữ vững an ninh quốc phòng, phát triển mạnh vùng kinh tế ven biển Vân Phong và xây dựng thành phố Nha Trang sớm trở thành hạt nhân của một đô thị hiện đại trên tinh thần phát triển bền vững và giữ được yếu tố môi trường thuận lợi. Đây là 3 vùng kinh tế trọng điểm Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đặt ra.
Tỉnh tiếp tục triển khai 4 chương trình kinh tế lớn: Đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH miền núi và tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các khu kinh tế trọng điểm.
Vấn đề lớn nhất hiện nay đặt ra cho tỉnh là sớm triển khai thực hiện nhiệm vụ quy hoạch thành phố Nha Trang, khu kinh tế Vân Phong và quy hoạch toàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045. Đây là điểm mấu chốt nhất mà tỉnh đang tập trung để làm sao trong năm 2021 phải hoàn chỉnh quy hoạch khu kinh tế Vân Phong và khu vực thành phố Nha Trang, làm nền tảng cho việc xây dựng tổng thể quy hoạch của tỉnh Khánh Hòa năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Một việc lớn nữa là tập trung kêu gọi xúc tiến đầu tư ở khu vực kinh tế Vân Phong. Sau khi Thủ tướng đã phê duyệt vùng kinh tế ven biển, nơi đây là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã báo cáo Chính phủ quy hoạch 4 khu điện khí hóa lỏng và các tập đoàn lớn của Mỹ, Nhật Bản đã bắt đầu nghiên cứu, khảo sát và đang báo cáo các bộ, ngành liên quan để sớm đưa vào quy hoạch. Các dự án này khi được thực hiện thì rõ ràng tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở Khánh Hòa sẽ được nâng lên.
Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung xây dựng và kêu gọi các đầu tư vào khu công nghiệp Dốc Đá Trắng, Ninh Tịnh, Vạn Thắng, ở khu vực Nam Vân Phong để tạo tiền đề vững chắc cho phát triển công nghiệp ở khu vực này và tiến hành hoàn chỉnh các hệ thống cảng biển để tăng cường dịch vụ logistics.
Mặt khác, tỉnh đang tập trung kêu gọi các nhà đầu tư đăng ký xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp ở phía Bắc, Nam Vân Phong, xây dựng khu phi thuế quan, rồi các dịch vụ tài chính cao cấp. Như vậy, toàn bộ khu kinh tế Vân Phong trong một vài năm nữa sẽ được phát triển mạnh mẽ. Hiện tỉnh đang báo cáo Chính phủ để sớm phê duyệt các quy hoạch và chấp thuận các nhà đầu tư lớn từ các nước.
Vân Phong sẽ “cất cánh”
PV: Nhân nói về Khu kinh tế Vân Phong, ông có thể đưa ra một phác họa 5 năm tới cho khu này?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: 5 năm tới, khu vực Vân Phong sẽ phát triển các loại ngành nghề: khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao trở lên cùng với khu phi thuế quan có tất cả các loại nhãn hiệu nổi tiếng, đây là trung tâm mua sắm để phục vụ khách du lịch.
Chúng tôi khẳng định là có cơ sở vì cảng hàng không Tuy Hòa (tên gọi cũ là sân bay Đông Tác ở Phú Yên) sẽ được các nhà đầu tư nâng cấp trở thành sân bay quốc tế, lúc đó thời gian di chuyển từ sân bay Tuy Hòa về Vân Phong dưới 30 phút. Đây là điều kiện rất thuận lợi nếu tổ chức tốt các khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn liền với du lịch biển đảo và hình thành các khu phi thuế quan.
Thứ hai, phía Nam Vân Phong tập trung phát triển các khu công nghiệp. Hiện đã có nhà máy đóng tàu Huyndai, kho xăng dầu ngoại quan, khu công nghiệp Ninh Thủy, tiếp đến sẽ xây dựng khu công nghiệp Ninh Tịnh và kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực, nhất là năng lượng. Tập đoàn Sumitomo đã khởi công 1 nhà máy, giai đoạn đầu khoảng 2,5 tỷ USD và đã tiến hành được 1 năm, đến 2023 sẽ phát điện và tiếp tục các nhà máy điện khí cũng sẽ đăng ký.
Ngoài ra, tỉnh cũng để dành một quỹ đất để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, kêu gọi các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản…
Có như vậy, khu kinh tế Vân Phong mới đảm bảo được nguồn thu rất lớn cho ngân sách và kích thích các nhà đầu tư ngoài nước tham gia cùng với các nhà đầu tư trong nước.
PV: Để kêu gọi các nhà đầu tư lớn, Vân Phong có ưu thế gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Vân Phong là cảng biển tuyệt vời, có độ sâu trên 20m và gần với đường hàng hải quốc tế. Về giao thông thì quá thuận lợi, có sân bay quốc tế Cam Ranh, Tuy Hòa và đường cao tốc Bắc Nam đi qua khu vực Vân Phong. Cũng tại nơi đây, sẽ có nguồn hàng rất lớn từ phía Tây Nguyên xuống khi xây dựng cao tốc Buôn Mê Thuột với Vân Phong. Đây là những điều kiện rất thuận lợi có thể kết nối với các thị trường như Campuchia, Lào từ phía Tây xuống.
Hiện nay cơ bản thành phố Cam Ranh, huyện Cam Lâm đã hình thành khu kinh tế trọng điểm phía Nam và Nha Trang đã trở thành trung tâm du lịch lớn của cả miền Trung. Vân Phong đang tập trung cho các ngành công nghiệp rất mạnh, phát triển phía Bắc Vân Phong trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Như vậy, Nha Trang, Cam Ranh - Cam Lâm và Vân Phong trở thành một chuỗi đô thị biển rất hiện đại.
Kinh nghiệm xây dựng đội ngũ cán bộ từ những sai sót trước đây
PV: Và để thực hiện tốt tất cả những chỉ tiêu trên, hiện thực hóa quyết tâm thì cán bộ vẫn là “then chốt của then chốt”, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Tuân: Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Ban Chấp hành đã khẩn trương xây dựng quy chế nội dung chương trình làm việc của toàn khóa, trong đó tập trung sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chủ chốt của các địa phương, các ngành và bộ máy của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở ban ngành, địa phương đã ổn định xong. Hiện đang tiếp tục rà soát để bổ sung quy hoạch ngay từ năm đầu tiên của nhiệm kỳ.
Một điều chúng tôi tin tưởng là đội ngũ cán bộ trong nhiệm kỳ này hầu hết được rèn luyện từ cơ sở, được đào tạo cơ bản, có tinh thần trách nhiệm cao, làm việc tốt, nhất là rút kinh nghiệm những sai sót trước đây. Do đó đội ngũ cán bộ các cấp, ngành đang dần làm đúng theo chỉ đạo của cấp trên, thực hiện đúng quy chế làm việc của HĐND, UBND; phối hợp triển khai các chương trình trong cả hệ thống chính trị ngày càng đồng bộ…
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, việc triển khai nghị quyết được bài bản hơn, các biện pháp sâu sát hơn, hiệu quả mang lại cao hơn, đây là điều đáng mừng trong những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ mới. Chúng tôi rất hy vọng đội ngũ lãnh đạo thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy để triển khai thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.