Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn

Việt Nam đã xử lý được hàng triệu bom mìn vật nổ các loại; bảo đảm môi trường, an toàn cho sản xuất; giảm thiểu tai nạn, thương tích do bom mìn...

Sáng ngày 5/12 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình Hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tổ chức cuộc Tọa đàm “Chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”, với sự tham dự của đại diện Đại sứ quán các nước tại Hà Nội, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và đại diện các Bộ, ngành và địa phương.

Gần một thế kỷ, đất nước và con người Việt Nam phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và phải hứng chịu nhiều tổn thất nặng nề. Riêng quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 16 triệu tấn bom đạn trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Mặc dù chiến tranh đã qua đi vài chục năm, nhưng hàng trăm nghìn tấn bom đạn vẫn còn sót lại, chiếm tới trên 20% diện tích cả nước và ở rất nhiều nơi.

Không chỉ gây nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, bom mìn sót lại sau chiến tranh còn gây ra nhiều thương vong và tổn thất cho người dân và gánh nặng cho xã hội.

Theo thống kê chưa đầy đủ: Cả nước đã có 42.132 người bị chết và 62.163 người bị thương, do bom mìn sót lại sau chiến tranh gây ra. Trung bình mỗi năm bom mìn sót lại sau chiến tranh cướp đi tính mạng của 1.535 người và 2.272 người khác phải mang thương tật suốt đời.

Phát biểu khai mạc cuộc Tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, mối quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam trong khắc phục hậu quả bom mìn thông qua ban hành nhiều cơ chế chính sách và chi hàng nghìn tỷ đồng, để khắc phục hậu quả bom mìn. Nhờ sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội; sự hợp tác giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã dò tìm, thu gom, xử lý được hàng triệu bom mìn vật nổ các loại; giải phóng hàng trăm nghìn ha đất, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh; tái tạo quỹ đất, bảo đảm môi trường, điều kiện an toàn cho sản xuất, đời sống của người dân; giảm thiểu tai nạn, thương tích do bom mìn.

Việt Nam cũng đã tích cực tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh bom mìn trong trường học, cộng đồng dân cư, tăng cường nhận thức cho người dân, góp phần giảm dần số vụ tai nạn bom mìn. Đồng thời hỗ trợ điều trị, phục hồi chức năng và tái hoà nhập cộng đồng cho những người dân chịu hậu quả do bom mìn gây ra.

Thủ tướng nhấn mạnh, do chiến tranh chống xâm lược diễn ra trong thời gian dài, với số lượng bom mìn mà quân đội ngoại xâm đã sử dụng rất lớn; tình trạng ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đến nay vẫn rất nặng nề, số bom mìn sót lại đang còn rất lớn, ở rất nhiều nơi; tai nạn, thương tích đối với người dân, đặc biệt là trẻ em vẫn diễn ra hàng ngày trên phạm vi cả nước, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của một bộ phận không nhỏ dân cư.

Với mong muốn Việt Nam trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, vật nổ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường an toàn cho dân cư sinh sống tại các khu vực ô nhiễm bom mìn và tạo mọi điều kiện để nạn nhân bị thương tật do bom mìn hòa nhập vào đời sống xã hội, Thủ tướng cho biết năm 2010, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp và dự án cụ thể. 

Thủ tướng nêu rõ: “Nhiệm vụ đặt ra cho thời gian tới là rất nặng nề, cùng với việc huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước, Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quý báu, chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh".

Tại cuộc Tọa đàm, đại biểu đại diện các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương liên quan, đại diện một số Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế tập trung đánh giá về những kết quả đã đạt được; phân tích khó khăn và đề xuất các biện pháp khắc phục cũng như xác định ưu tiên, trọng tâm khắc phục hâu quả bom mìn ở nước ta trong từng giai đoạn; trong đó, phấn đấu đến năm 2015 khối lượng rà phá bom mìn đạt khoảng 500.000 ha và đến năm 2025 đạt khoảng 800.000 ha./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên