Chuyện cận kề cái chết của nguyên Tổng tham mưu trưởng
Chiếc máy ảnh đeo vắt trên mình để mang ra chụp khoảnh khắc lịch sử bị quên khuấy... - Đại tướng Lê Văn Dũng kể.
Tháng 4 này, chúng tôi tìm về Bến Tre gặp gỡ Đại tướng Lê Văn Dũng, vị Đại tướng QĐND VN người gốc Nam Bộ đầu tiên và duy nhất đến nay. Tháng 4 lịch sử cách đây 40 năm, ông chiến đấu ở cấp trung đoàn.
Trung đoàn 1, sư đoàn 9 chúng tôi nằm trong đội hình của binh đoàn 232, quân đoàn dã chiến ở vùng Tây Nam, từ Long An đánh vào Sài Gòn. Trung đoàn 1, sư đoàn 9 là đơn vị chủ công của hướng này.
Đêm 28, sáng 29 chúng tôi nằm ém ở cánh phía Tây, chỉ cách Sài Gòn mấy cây số. Một trung đoàn hơn 2,000 quân nằm sát nách Sài Gòn nên rất dễ bị lộ. Nhưng người dân đã giữ bí mật cho chúng tôi. Ngày họ đi làm việc bình thường, không về nhà để tránh gây lộ quân giải phóng.
Mục tiêu của chúng tôi được giao là biệt khu đô thành, tức bộ tư lệnh thành phố Sài Gòn. Điểm cuối là hội quân của 5 mũi tiến công tại dinh Độc Lập. Trung đoàn chúng tôi có 6 chiếc xe tăng. Khi đó tôi làm chính ủy trung đoàn cùng với trung đoàn trưởng ngồi chiếc xe tăng đầu tiên đi với một tiểu đoàn đầu tiên, còn dọc đằng sau là 5 chiếc xe tăng nữa.
Trên đường đến mục tiêu, vào ngã tư Bảy Hiền thì phải gặp lớp phòng thủ của địch, do chỉ cách chúng tôi khoảng 300 thước nên buộc phải tổ chức đánh phản công.
Từ ngã tư Bảy Hiền đi vào ngã tư là 28 chiếc xe tăng M48, loại tăng lớn nhất của Mỹ phản kích nên phải vượt mục tiêu này để tiếp tục hành quân vào trung tâm thành phố.
Trong chặng hành quân vào mục tiêu cuối cùng là dinh Độc lập để hội quân, chúng tôi có ghé bệnh viện Vì Dân để đưa thương binh của mình vào cứu chữa. Các bác sĩ của bệnh viện từ chối không hợp tác. Sau khi được thuyết phục, họ đồng ý hợp tác với mình cùng cứu chữa thương binh.
Cảm giác của ông khi kết thúc chiến dịch như thế nào?
Khi ra chiến dịch, tôi mang theo một máy ảnh. Từ những năm 1970 tôi đã chơi ảnh, từ chụp, in cán theo cách thủ công, chui vào hầm dùng đèn xanh đèn đỏ phóng rửa thôi, không đẹp bằng máy bây giờ.
Vì đây là trận chiến quyết định cuối cùng giải phóng Sài Gòn nên tôi chờ đợi chiến thắng, mình sẽ chụp lại những khoảnh khắc lịch sử. Tập trung làm nhiệm vụ cho đến thời khắc trưa 30/4, quân và dân vỡ òa niềm vui giải phóng.
Mình hòa trong không khí ấy mà quên khuấy mất chiếc máy ảnh đeo vắt trên mình để chờ giây phút lịch sử mang ra chụp. Chiến thắng ấy làm mình trào dâng niềm vui, ào trong không gian của Sài Gòn giải phóng.
Sau này hòa bình lập lại, ông đi tìm lại những đồng đội cũ, còn ai mà ông muốn gặp nhưng không tìm gặp được?
Khi chiếc xe tăng của cánh quân chúng tôi qua khỏi bùng binh đường 3/2 bây giờ, đi vào đường Cách mạng Tháng 8, tức cũng khá gần mục tiêu là dinh Độc lập rồi nhưng chúng tôi tắc, không biết đi theo hướng nào tiếp.
Đi tiếp không định hướng lo đụng bộ binh địch dù lúc đó cũng đã chạy gần hết. Cả ông Ba Tấn (sau này làm Tư lệnh Quân khu 9) chỉ huy tiểu đoàn 3 và tôi dẫn 2 tiểu đoàn đành dừng lại.
Lúc đó tôi thấy ở bên đường có bác xích lô bèn xuống hỏi đường. Chỉ một hồi, tôi đề nghị hay là bác lên xe tăng đi cùng chỉ đường cho chúng tôi. Bác gật đầu liền, liệng luôn chiếc xích lô bên lề đường, leo lên xe tăng.
Dẫn đến nơi, bác nhảy xuống rồi đi mất, chúng tôi lo hội quân nên không nhớ đến bác. Xong việc mới chợt nhớ ra người dẫn đường chưa biết tên, địa chỉ ở đâu, không có cách gì liên lạc để mình có lời cảm ơn. Tài sản quý nhất của người ta là chiếc xích lô, vì cách mạng, họ chẳng ngần ngại vứt bỏ lại để giúp quân giải phóng.
Tôi nghĩ rằng cuộc chiến có 2 điều, sự mất mát của đồng đội và chiến thắng của chúng ta. Nhưng với người lính, đó còn là tình cảm của quân và dân. Kỷ niệm về bác xích lô dẫn đường cũng cho thấy chiến thắng đều từ dân mà ra.
Nhớ lại ngày 30/4 năm ấy, khi tiến vào Sài Gòn, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân túa ra đường cầm cờ giải phóng mà họ chuẩn bị từ bao giờ.
Mình biết dân là dân của mình, nhưng không hình dung nổi phong trào quần chúng mạnh mẽ đến thế. Họ đón chúng tôi như tiếp người thân đi xa trở về. Đến lúc đó mình mới hiểu dân là thành viên của lực lượng cách mạng, cũng là sức ép để cho quân địch khó chống cự, hoang mang mà sớm tan rã.
Đêm nằm nhớ đồng đội
Trong quân ngũ thời chiến đấu, ông có điểm đặc biệt là không đi nhiều đơn vị, chủ yếu từ một đơn vị mà đi lên. Tình cảm với đồng đội đi từ đầu đến cuối cuộc chiến không chỉ đơn giản là những người lính cùng đứng chung trận địa?
Tôi làm lính binh nhất ở 1 sư đoàn, 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn. Sau này làm tư lênh quân đoàn, tư lệnh quân khu, không đi đơn vị nào khác, trung đoàn thì cũng ở trung đoàn 1 sư đoàn 9 thôi, từ chiến sỹ đến chính ủy trung đoàn, sau này làm sư phó rồi sư trưởng, phó tư lệnh quân đoàn rồi Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu 7.
Đúng là trong quân ngũ chiến đấu, tôi có điều đặc biệt là không đi nhiều đơn vị mà chỉ từ đơn vị mà đi lên.
Nhưng cũng bởi vậy những trận đánh ác liệt, những đồng đội mình đã hy sinh thì gắn với ký ức của mình sâu nặng, nhiều lắm. Hồi năm 1969, sau một trận đánh, tôi với một đồng đội là cậu Tư quê ở Thanh Hóa làm y tá ở lại kiểm tra thương binh xem còn ai không, xong xuôi hết ra về gặp địch phản kích.
Lúc đó trời mù sương vì sáng sớm, đối đầu với quân địch phản kích mạnh thì cậu ấy bị bắn thương nặng bể góc chân phải. Tôi băng bó cho cậu nhưng để thoát nhanh buộc hai anh em phải cõng nhau chạy.
Tôi nhỏ bé, chỉ hơn 40 kg, còn cậu ấy nặng 60 kg, chân thương nặng đau không lết nổi. Cậu ấy dứt khoát đòi ở lại kháng cự địch để tôi cầm thuốc tháo chạy rút lui, nếu không có thể cả hai phải cùng hy sinh. Nhưng rồi chúng tôi ráng 3 chân, 4 cẳng xốc nách cõng nhau cùng thoát.
Cho đến khi giải phóng, đại đội của tôi (khoảng 120 người) hy sinh gần hết chỉ còn 7 người. Ngày đất nước thống nhất, mình vui với niềm vui lớn của đất nước, vui với nhân dân, nhưng đêm nằm mình nhớ những đồng đội đã mất.
Chúng tôi đã đi cùng nhau cận kề cái chết trong những ngày đất nước rực lửa kháng chiến, nhưng đã không ở lại cùng nhau đủ đầy để chứng kiến ngày đất nước thống nhất./.