Công tác xây dựng pháp luật phải kiến tạo phát triển nhanh và bền vững
VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh điều này khi đến thăm, chúc Tết Viện Nghiên cứu lập pháp chiều 27/1.
Chiều 27/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến thăm, chúc Tết Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cùng đi có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Viện Nghiên cứu lập pháp là thiết chế rất đặc thù, đầu mối tập hợp, huy động lực lượng lớn các chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến độc lập cho Quốc hội, đặc biệt là trong việc thực hiện chức năng lập pháp.
Trong năm 2022, dù khối lượng công việc nhiều hơn, vất vả hơn, nhưng Viện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có nhiều nhiệm vụ đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Viện đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội tổ chức nhiều toạ đàm, hội thảo chuyên sâu về các dự án luật, dự án pháp lệnh, các nội dung trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là những vấn đề mới, khó, còn nhiều ý kiến khác nhau. Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đánh giá cao hoạt động của Viện.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Khối lượng công việc của Quốc hội, đặc biệt là trong công tác lập pháp là rất lớn, nhiều dự luật khó, phức tạp sẽ được trình Quốc hội trong năm nay và thời gian tới.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, bám sát Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội.
"Chúng ta đã có kết luận 19, kế hoạch 81 rồi, bây giờ soát xét lại các danh mục 137 nhiệm vụ lập pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp phải rà soát và cũng chủ động nghiên cứu, đặt hàng nghiên cứu các chuyên gia; tự mình phải nghiên cứu căn cơ các đề tài khoa học và phải làm thực chất. Bởi cũng có đề tài khi làm xong rồi lại bỏ ngăn kéo. Về nhiệm vụ cụ thể, tôi đề nghị các đồng chí bám sát những dự án luật và các nhiệm vụ lập pháp của năm 2033. Suy cho cùng, luật là cuộc sống và mình phải hiểu biết thực tiễn. Muốn luật khả thi thì phải đưa cuộc sống vào trong luật, sau đó chúng ta mới đưa luật trở lại cuộc sống. Cuộc sống mà không vào trong luật thì luật không vào cuộc sống, sẽ không thực thi được và chưa làm đã phải sửa", Chủ tịch Quốc hội nói.
Là cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về lập pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Viện Nghiên cứu lập pháp phải tập trung vào các vấn đề lớn, khó, phức tạp. Lấy ví dụ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội gợi mở, Viện cần tập trung nghiên cứu các vấn đề tài chính đất đai, giá đất..., từ đó cung cấp thêm các cơ sở cho Quốc hội trong quá trình xem xét, thông qua dự luật quan trọng này, bảo đảm sự minh bạch, công khai để Luật Đất đai (sửa đổi) ban hành xong phải vận hành được ngay.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, công tác xây dựng pháp luật có rất nhiều yêu cầu cả về hình thức và nội dung, nhưng yêu cầu quan trọng nhất vẫn phải là kiến tạo phát triển, thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu, rộng của đất nước.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng giao nhiệm vụ cho Viện Nghiên cứu lập pháp chủ động nghiên cứu về đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, trên cơ sở những định hướng quan trọng tại Nghị quyết số 27 của Trung ương, từ đó đưa ra những đề xuất để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới./.