Cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 mở ra điều kiện và thời cơ
VOV.VN - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 làm đảo lộn tình thế chiến lược trên chiến trường, làm lung lay ý chí xâm lược của địch.
Ngày 19/1, Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “50 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 ở Đắk Lắk”. Gần 100 đại biểu là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử tham gia hội thảo.
Hội thảo khoa học “50 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 ở Đắk Lắk” |
Là một trong những người trực tiếp tham gia vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968 tại Đắk Lắk, ông Tô Tấn Tài, Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk là một trong những chiến trường trọng điểm của Tây Nguyên đã giành được nhiều kết quả to lớn.
Từ đêm 29/1 đến ngày 4/2/1968, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích tiến đánh nhiều vị trí quan trọng của đối phương ở Buôn Ma Thuột và một số huyện lỵ, làm chủ nhiều ấp chiến lược. Hàng vạn người dân các dân tộc nổi dậy hưởng ứng biểu tình. Trong Cuộc tổng tiến công này, ta đã tiêu diệt gần 2.000 tên địch, phá hủy 19 máy bay, 150 xe quân sự, 12 kho vũ khí và xăng dầu…
“Riêng ở Đắk Lắk, cả quân, cả dân, lực lượng chính của tỉnh đều cơ bản hoàn thành được ý đồ chiến lược, quần chúng nhân dân cùng nổi dậy. Sự hoang mang của địch này đã tác động tới tình hình chung, buộc địch phải xuống thang” - ông Tô Tấn Tài nói.
Các tham luận được trình bày tại hội thảo một lần nữa khẳng định, thắng lợi của quân và dân Đắk Lắk đã góp phần vào chiến công chung của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh, thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 làm đảo lộn tình thế chiến lược trên chiến trường, phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở ra điều kiện và thời cơ cho những đòn tấn công tiếp theo mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với trình độ tổ chức chỉ đạo, chỉ huy và ý chí quyết tâm cao, với tinh thần chiến đấu hy sinh dũng cảm, kiên cường, bất khuất của quân và dân các dân tộc trong tỉnh sẽ mãi là bản hùng ca bất diệt mà Đảng bộ, quân và dân Đắk Lắk đã góp phần vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta”, PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk, cùng với độ lùi của thời gian, với tầm nhìn mới, tư liệu mới, các đại biểu đã luận giải sâu sắc hơn nữa về sự kiện lịch sử quan trọng này, đúc kết những bài học lịch sử quý giá để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đắk Lắk nối tiếp truyền thống, để xây dựng Đắk Lắk xứng đáng là trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội của vùng Tây Nguyên.
“Thông qua hội thảo này một lần nữa khẳng định vai trò của mặt trận Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đã góp phần to lớn vào Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968. Từ đó giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ sau để tiếp nối cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, ông Phạm Minh Tấn nhấn mạnh./.
Ký ức hào hùng về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968