Đại biểu Quốc hội đề xuất lái xe grab đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

VOV.VN - Đại biểu Trần Thị Diệu Thuý - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất đưa đối tượng tài xế xe công nghệ vào nhóm bổ sung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6, sáng 23/11, bà Trần Thị Diệu Thuý lý giải, hiện nay, nền kinh tế việc làm tự do (Gig economy) đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Tài xế xe công nghệ và giao hàng công nghệ là lực lượng lao động quan trọng trong lĩnh vực này và không ngừng tăng nhanh về số lượng.

Theo đại biểu, đây còn là giải pháp việc làm tạm thời, linh động đối với lực lượng lao động chính thức trước những biến động của nền kinh tế đang làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Căn cứ quy định của Bộ luật lao động 2019, từ định nghĩa về “người lao động” tại Điều 3 đến “hợp đồng lao động” tại Điều 13, thì nhóm đối tượng này về bản chất là có tồn tại quan hệ lao động. Bởi lẽ tài xế xe công nghệ có thỏa thuận làm việc cho doanh nghiệp vận tải xe công nghệ; có trả lương (mặc dù 2 bên lựa chọn hình thức thanh toán tiền lương căn cứ vào kết quả công việc); và có sự điều hành giám sát (thông qua app do doanh nghiệp vận tải quản lý).

“Các đối tượng này cần được hưởng chính sách hỗ trợ tạo việc làm và bổ sung vào nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế nhằm ứng phó với rủi ro. Vì vậy, đề nghị Quốc Hội tiếp tục nghiên cứu, xem xét bổ sung các đối tượng này vào nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc để có giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho họ” – bà Trần Thị Diệu Thuý nói.

Liên quan vấn đề này, trong báo cáo dự kiến một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với những nhóm người lao động mới (xuất hiện trong các mô hình kinh tế mới như: mô hình kinh tế tự do, thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn,…).

Theo ông Đào Ngọc Dung, đây là vấn đề mới, rất phức tạp không chỉ đối với Việt Nam mà cả với các nước phát triển. Trên thực tế, hầu hết các quốc gia trên thế giới chưa quy định người lao động trong nền kinh tế Gig nằm trong diện tham gia BHXH bắt buộc. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vẫn đang trong quá trình nghiên cứu vấn đề này để đưa ra khuyến nghị cho các nước trong thời gian tới.

Chính vì vậy, tại khoản 6 Điều 3 dự thảo Luật quy định theo hướng “Việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các đối tượng khác có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ”.

“Quy định này tạo điều kiện cho việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm đối tượng khác (trong đó có nhóm lao động mới đề cập ở trên) phù hợp với sự thay đổi của quan hệ lao động, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của người lao động trong tương lai” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình.

Dự thảo luật bổ sung 5 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương

Bên cạnh đó là nười lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019. Dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội: Ngân sách sẽ chi thêm bao nhiêu?
75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội: Ngân sách sẽ chi thêm bao nhiêu?

VOV.VN - Cho rằng việc giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là cần thiết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết kinh phí từ NSNN phát sinh thêm khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho cả giai đoạn 2025-2030.

75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội: Ngân sách sẽ chi thêm bao nhiêu?

75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội: Ngân sách sẽ chi thêm bao nhiêu?

VOV.VN - Cho rằng việc giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là cần thiết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết kinh phí từ NSNN phát sinh thêm khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho cả giai đoạn 2025-2030.