Đại biểu Quốc hội lý giải chuyện dân “tự xử”
VOV.VN -Nhiều đại biểu thẳng thắng thừa nhận, quản lý Nhà nước hiện nay còn nhiều hạn chế, gây bức xúc trong nhân dân.
Thảo luận tại nghị trường Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu thẳng thắng thừa nhận, quản lý Nhà nước hiện nay còn nhiều hạn chế, gây bức xúc trong nhân dân.
Đại biểu Đào Thị Xuân Lan, đoàn Hưng Yên nhấn mạnh, nhiều trường hợp người dân nhiều khi không tố giác tội phạm, vì không tin ở chính quyền và lúc nào cũng đề cao cảnh giác. Do đó, nhiều trường hợp do “tự xử” mà đã để lại hậu quả nghiêm trọng.
Đại biểu Đào Thị Xuân Lan, đoàn Hưng Yên phát biểu |
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng, đoàn Bình Dương cho biết, người dân vốn đã bức xúc nhiều vấn đề, gần đây lại có thêm nhiều sự kiện gây bức xúc thêm. Ở đây xuất hiện những lo ngại mới về lòng dân, đó là tâm trạng bất an và suy giảm niềm tin của nhân dân với chính quyền, thể hiện ở hành động người dân “tự xử”. “Là người Việt Nam, chúng ta cảm thấy xấu hổ và lo lắng trước những sự việc đó” – ông Huỳnh Ngọc Đáng nói.
Theo đại biểu, có thể khẳng định “tự xử” là hành vi xấu và là việc làm đáng lên án vì vi phạm pháp luật. Nhưng trách dân sao được khi có sự thực khách quan là vai trò quản lý của Nhà nước ta còn mờ nhạt và yếu kém, là nguyên nhân chính của tâm trạng xã hội này.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng chia sẻ: Đơn cử như chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân hãy bảo vệ mình và hãy là những nhà tiêu dùng thông thái. Nói như vậy không sai, nhưng thể hiện quản lý Nhà nước đang có dấu hiệu bất lực. Trách dân sao được khi Nhà nước nhiều khi còn ban hành những văn bản pháp quy có nội dung hết sức ngớ ngẩn.
Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng, đoàn Tiền Giang dẫn chứng, mất một con chó, người dân không cần công an giải quyết mà “tự xử” đối tượng; sự việc đưa “quan tài diễu phố” ở Vĩnh Phúc hay Thanh Hóa là để phản ứng lại cơ quan chức năng. Để xảy ra những chuyện này do chúng ta chưa tạo được niềm tin trong dân.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, đoàn Bình Dương dẫn chứng vụ chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa và khẳng định, không thể nói chính quyền, công an không biết bởi nhiều lần thanh, kiểm tra nhưng kết quả vẫn… đảm bảo an toàn. Còn người dân đã đấu tranh nhiều năm, phản ánh lên nhiều cấp nhưng đều không được giải quyết.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, những vi phạm trong khai thác khoáng sản, vàng… diễn ra ngang nhiên. Người dân có quyền đặt câu hỏi có sự bao che, tiếp tay của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý. Đây là điều dẫn đến tình trạng niềm tin của nhân dân vào chính quyền địa phương, cơ quan chức năng ngày càng suy giảm. Từ đó, dẫn đến việc người dân “tự xử” trong một số vụ vi phạm pháp luật mà không để chính quyền, công an xử lý.
Để khơi dậy niềm tin và khắc phục tình trạng “tự xử” trong dân, theo đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng, có cách duy nhất là phải vực dậy có hiệu quả vai trò quản lý của Nhà nước, từ khâu xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật; đến xử lý thường xuyên, hiệu quả các vụ việc và phải chứng tỏ quản lý Nhà nước luôn vì dân và công bằng với dân. Quản lý Nhà nước không nên theo kiểu phong trào. Khi có việc thì cán bộ các cấp lên tiếng, báo chí đưa tin rầm rộ, nhưng xong thì đâu lại vào đấy./.