Đại biểu Quốc hội: Nên cấm người dân đốt pháo hoa, quy định “bom xăng” là vũ khí
VOV.VN - Góp ý vào dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), có ý kiến Đại biểu Quốc hội đề nghị nên cấm người dân đốt pháo hoa, quy định “bom xăng” là vũ khí thô sơ.
Phát biểu trên hội trường sáng 3/6, Đại biểu Quốc Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá cao việc luật hóa chặt chẽ các nội dung liên quan đến nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền của con người và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, nữ đại biểu băn khoăn khi dự luật chưa điều chỉnh đối với pháo hoa, pháo nổ với lý do đã có Nghị định 137 năm 2020 của Chính phủ và mới sửa đổi, bổ sung năm 2023 quy định về hoạt động chế tạo, sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng pháo hoa, pháo nổ.
Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung quy định về hoạt động chế tạo, sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng pháo hoa, pháo nổ vào dự luật này để bảo đảm luật hóa nội dung một cách tính chặt chẽ và giải quyết những vấn đề phát sinh có liên quan đến pháo hoa, pháo nổ.
Bà cũng đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện và tuyên truyền nhân dân thực hiện Chỉ thị 406 của Thủ tướng Chính phủ năm 1994 về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo đã thực hiện có nề nếp, thay đổi thói quen đốt pháo vào dịp Tết Nguyên đán. Trong 30 năm qua, đây được xem là một quyết định mang tính lịch sử cũng như được sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân.
“Đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cần xem xét và dừng lại việc cho phép mua bán, sử dụng pháo hoa, pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán, bởi hoạt động mua bán, đốt pháo hoa tràn lan trong 2-3 năm gần đây không đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như không đem lại lợi ích gì cho nhân dân mà còn đe dọa đến công tác phòng, chống cháy nổ và sức khỏe của người dân” - Đại biểu Huỳnh Thị Phúc nêu kiến nghị.
Cũng theo đại biểu, hoạt động bắn pháo hoa đã được các địa phương, các cơ quan chức năng tổ chức tập trung, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân vào dịp Tết Nguyên đán và các sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương, đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống cháy nổ và các điều kiện có liên quan.
Để khắc phục bất cập, lỗ hổng trong quản lý, mua, bán, phân phối, sử dụng pháo hoa, pháo nổ đã phát sinh trong những năm qua, nhất là từ năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, bà cho rằng, việc dừng cho phép mua, bán, phân phối pháo hoa, pháo nổ là rất cần thiết để không phát sinh việc nhập lậu, sử dụng sai quy định pháp luật và những hạn chế có liên quan đến nội dung này.
“Vì vậy, tôi một lần nữa đề nghị Quốc hội và các cơ quan xem xét đây là một nội dung cần phải được quy định tại dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này”, bà Huỳnh Thị Phúc bày tỏ quan điểm.
Góp ý vào dự thảo luật, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) đề nghị bổ sung "bom xăng" là một loại vũ khí thô sơ, vì thời gian gần đây “bom xăng” đã trở thành loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm trong nhiều vụ án giải quyết mâu thuẫn, trả thù, thanh toán, dằn mặt nhau... dẫn đến nhiều vụ án gây hậu quả nghiêm trọng, điển hình như vụ án ở Đồng Tâm.
Đại biểu cho rằng, theo nhận định của các cơ quan chức năng, khả năng sát thương của các loại “bom xăng” là đất lớn, tuy nhiên chưa được liệt kê vào danh mục nào do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Trong khái niệm về vũ khí thô sơ, mặc dù dự thảo luật cũng đã có điều khoản quy định tại điểm d khoản 2 Điều 3 là "vũ khí khác có tính năng tương tự", song bà một lần nữa nhấn mạnh sự nguy hiểm của “bom xăng” và đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc để quy định cụ thể “bom xăng” vào dự thảo luật.