Phát triển điện khí tại Việt Nam cần quan tâm đến cơ chế về giá, giải phóng mặt bằng

VOV.VN - Sáng nay (14/12), tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức Diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam".

Diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam" do Báo Điện tử VOV tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Khí Việt Nam, Công ty Cổ phần PV Gas.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, nhà báo Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết, Nghị Quyết số 55 của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng” đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống.

Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) thì đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí sẽ chiếm tới 24,8% tổng công suất toàn hệ thống phát điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện, trong khi nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%.

Trong tương lai, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và dân số, ngành điện Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như: nhu cầu điện đang và còn tiếp tục tăng trưởng cao. Nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt và khả năng cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế, dẫn đến sớm phải nhập khẩu nhiên liệu. Việc xây dựng nhiều nguồn điện không theo sát quy hoạch, phân bố trên vùng miền mất cân đối dẫn đến tăng thêm lượng điện truyền tải lãng phí, tổn thất truyền tải còn cao. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời dẫn tới những khó khăn nhất định trong vận hành hệ thống điện, các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực…

Phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện VIII để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu; đồng thời nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, đảm bảo ổn định cung cấp điện cho hệ thống.

“Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam thời gian qua nhận được rất nhiều sự quan tâm và tranh luận của các nhà hoạch định chính sách và quản lý, các chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu và truyền thông. Ngành năng lượng Việt Nam trong những năm gần đây đã phát triển mạnh trong tất cả các khâu phát triển công nghiệp khí đốt; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ hết khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)… Điều đó đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển và đổi mới đất nước. Tuy vậy, quy mô và hiệu quả còn đang ở mức thấp.

Với thực trạng ngành phát triển điện khí tại Việt Nam hiện nay, Báo Điện tử VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam”. Đây là một hoạt động rất cần thiết và có ý nghĩa với các tham vấn từ nhiều chuyên gia, các nhà khoa học và kinh nghiệm của các doanh nghiệp nhằm thảo luận, trao đổi thông tin, kiến thức về hiện trạng và tiềm năng phát triển năng lượng tại Việt Nam trong tương lai.

Diễn đàn cũng góp phần cụ thể hóa các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện phát triển cho năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong giai đoạn sắp tới”, nhà báo Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Ngày 13/12/2023, lần đầu tiên trong lịch sử các hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc, COP28 đã đạt được thỏa thuận kêu gọi các nước từ bỏ dần dần các loại nhiên liệu hóa thạch để tránh những hậu quả khủng khiếp nhất do biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở các cam kết tại COP26, Chính phủ Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế đã chính thức thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP). Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng và chú trọng chuyển đổi năng lượng với một lộ trình phù hợp, vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng giảm tối đa gánh nặng chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Để tăng thêm nguồn điện nền, cân bằng và khai thác hiệu quả nguồn điện rất lớn từ năng lượng tái tạo, về việc sử dụng LNG cho mục tiêu năng lượng chung của đất nước, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là 150.000 - 160.000MW, gấp đôi tổng công suất đặt ra hiện nay.

Quy hoạch điện VIII đã xác định nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG chiếm tỷ trọng khoảng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia vào năm 2030 và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia. Tỷ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn giảm từ gần 29% năm 2020 xuống 20,5% năm 2030.

Ông Tạ Đình Thi cho rằng, theo các chuyên gia, điện khí LNG có nhiều ưu điểm trong việc giảm phát thải khí CO2 và NOx ra môi trường (giảm khoảng 40% khí CO2 và khoảng 90% khí NOx so với các nhà máy nhiệt điện than và dầu). Việc này góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển xanh hơn của ngành điện cũng như góp phần thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam.

“Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng xanh sạch, trong đó có phát triển điện khí LNG không dễ dàng, có thể thực hiện một sớm một chiều.

Các dự án LNG thường đòi hỏi nguồn vốn lớn lên tới hàng tỷ USD, hiện chúng ta phải nhập khẩu hoàn toàn loại nhiên liệu khí hóa lỏng, chiếm từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất nhưng lại nhiều biến động; cũng chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu...

Chúng ta cần có cơ sở hạ tầng để nhập khẩu và lưu trữ một lượng khí LNG đủ cho các nhà máy điện vận hành ổn định và có thể ký hợp đồng mua khí LNG dài hạn. Hạ tầng điện khí gồm các khâu thượng, trung và hạ nguồn, nhất là điện LNG là “chuỗi nhiên liệu” phức tạp, bao gồm cảng - kho - hệ thống tái hóa khí - đường ống - nhà máy điện. Cuối cùng việc tính toán, xác định cơ chế giá điện khí để bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án điện, đặc biệt là các chuỗi dự án khí - điện sử dụng khí trong nước”, ông Tạ Đình Thi cho biết.

Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội xác định, phát triển điện khí LNG - giải pháp xanh trong chuyển dịch năng lượng bền vững tại nước ta, rất cần sự trao đổi, chia sẻ, lắng nghe giữa cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu để tiếp tục cụ thể hóa các hành động về chính sách và tổ chức thực hiện nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh khí, bảo đảm cân bằng thị trường, phát triển hạ tầng, hướng tới đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trong vấn đề phát triển điện khí, ông Tạ Đình Thi cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề như công tác quy hoạch, huy động nguồn lực, cơ chế giá, giải phóng mặt bằng,... trong đó bao gồm LNG nhập khẩu và sử dụng khí trong nước; Các giải pháp bảo đảm phát triển hạ tầng điện khí tại Việt Nam; Đảm bảo chuỗi cung ứng cho sản xuất điện khí (trong nước và nhập khẩu); Vốn đầu tư, sử dụng đất, không gian biển, hiệu quả kinh tế - xã hội. Đặc biệt cũng cần quan tâm đến những khó khăn, vướng mắc, giải pháp đối với các dự án điện khí đang khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bến Tre có 8/19 dự án điện gió đã phát điện thương mại
Bến Tre có 8/19 dự án điện gió đã phát điện thương mại

VOV.VN - Thực hiện chủ trương phát triển về hướng Đông tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bến Tre đang đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió tại các huyện vùng biển và bước đầu đạt kết quả khả quan.

Bến Tre có 8/19 dự án điện gió đã phát điện thương mại

Bến Tre có 8/19 dự án điện gió đã phát điện thương mại

VOV.VN - Thực hiện chủ trương phát triển về hướng Đông tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bến Tre đang đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió tại các huyện vùng biển và bước đầu đạt kết quả khả quan.

Nhiều cơ hội "bật sáng" cho điện gió ngoài khơi
Nhiều cơ hội "bật sáng" cho điện gió ngoài khơi

VOV.VN - Với những tiến bộ gần đây về công nghệ đã giúp giảm chi phí đầu tư, lắp đặt đưa đến chi phí quy dẫn của điện gió ngoài khơi trở nên cạnh tranh hơn với các nguồn điện truyền thống, điện gió ngoài khơi đã ghi nhận mức giảm gần 70% chi phí.

Nhiều cơ hội "bật sáng" cho điện gió ngoài khơi

Nhiều cơ hội "bật sáng" cho điện gió ngoài khơi

VOV.VN - Với những tiến bộ gần đây về công nghệ đã giúp giảm chi phí đầu tư, lắp đặt đưa đến chi phí quy dẫn của điện gió ngoài khơi trở nên cạnh tranh hơn với các nguồn điện truyền thống, điện gió ngoài khơi đã ghi nhận mức giảm gần 70% chi phí.

Diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam"
Diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam"

VOV.VN - Sáng nay (14/12), tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức Diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam".

Diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam"

Diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam"

VOV.VN - Sáng nay (14/12), tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức Diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam".