“Dân còn lo từng bữa ăn thì vận động họ sao được?”
VOV.VN - Theo nhiều đại biểu, vấn đề cốt lõi của đề án đổi mới công tác dân tộc phải là quan tâm, hỗ trợ đời sống của dân, chứ dân đói thì làm sao vận động được họ
Bàn về việc đổi mới công tác tôn giáo tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 4 (khóa VIII), Giáo sư Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về tôn giáo khẳng định quan điểm, đường lối đổi mới về tôn giáo đã được nêu rõ trong Nghị quyết 25 về tôn giáo. Tại Đại hội 11 của Đảng vừa qua, đã có một tư tưởng mới cao hơn đó là Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về tôn giáo, trong đó nhấn mạnh tăng cường luật pháp tôn giáo. Việc đổi mới công tác tôn giáo chúng ta nên tổ chức theo tư duy này.
Cốt lõi của công tác dân tộc là phải nắm được lòng dân
GS Hưng đề nghị, việc đổi mới công tác tôn giáo cần tập trung vào 3 chân đế quan trọng, trước hết phải giải quyết tốt hơn nữa vấn đề được coi là cốt lõi là vấn đề về giáo hội. Thứ hai là phải có một chính sách công về tôn giáo. Thứ ba là Luật pháp tôn giáo.
“Mặt trận nên học tập theo kinh nghiệm của một số nước, trong đó Mặt trận đóng vai trò như một Hội đồng tôn giáo Quốc gia. Hội đồng này trực tiếp giải quyết những vấn đề lớn, tư vấn cho Đảng, Nhà nước đưa ra những quyết sách quan trọng về vấn đề tôn giáo”-Giáo sư Hưng đề xuất.
Giáo sư Đỗ Quang Hưng |
Theo ông Lù Văn Que - Ủy viên đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, công tác tôn giáo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và cần thiết phải đổi mới. “Ở đâu, nơi nào chưa thực sự bình đẳng thì khó đoàn kết các dân tộc. Cần phải đổi mới thì mới có đoàn kết thực sự. Phải đổi mới cả nhận thức, nội dung, phương pháp để Mặt trận đảm bảo tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”- ông Que nói.
Theo ông Que, vấn đề cốt lõi của công tác dân tộc là phải nắm được lòng dân, phải tuyên truyền tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ trong đồng bào các dân tộc để tư tưởng đại đoàn kết ngấm vào từng người dân biến thành ý thức tự giác đoàn kết.
Ông Que cho rằng, Mặt trận phải thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội vì chỉ có thông qua hoạt động này mới kịp thời phát hiện những đường lối chủ trương chính sách không hợp lòng dân để phản ánh kiến nghị Đảng, Nhà nước điều chỉnh qua đó giải quyết hài hòa lợi ích các dân tộc mới xây dựng được niềm tin trong các dân tộc và đoàn kết thực sự.
“Mặt trận cũng phải góp phần chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cho từng dân tộc, phát huy vai trò người tiêu biểu trong các dân tộc. Cùng với đó cần quan tâm giải quyết tốt vấn đề dân tộc và tôn giáo. Đây là hai vấn đề khác nhau nhưng quan hệ chặt chẽ với nhau nên phải phát huy được mặt tích cực của tôn giáo cũng như hạn chế tiêu cực trong tôn giáo”- ông Que đề nghị.
Ông Lù Văn Que |
Dân còn lo từng bữa ăn thì vận động họ sao được?
Ông Phạm Xuân Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, để đổi mới công tác dân tộc, trước hết phải lo cho đời sống của người dân.
“Khi đồng bào dân tộc còn lo từng bữa ăn, không có cầu để đi, không có trường để học thì vận động họ sao được? Nêu thực tế từ cơ sở khi đi khảo sát ở Tây Nguyên. Khi tiếp xúc với đồng bào, nhiều ý kiến cho rằng đời sống của người dân chưa được quan tâm cải thiện”- ông Hằng trăn trở.
Theo ông Hằng, vấn đề cốt lõi của đề án đổi mới công tác dân tộc phải là quan tâm, hỗ trợ đời sống của nhân dân chứ không đơn thuần chỉ là tuyên truyền. Bằng cách nào đó mặt trận tham gia giám sát, tham mưu để đề xuất chính sách cho bà con, cải thiện đời sống của họ.
Ông Hằng cũng đề nghị cần sớm giải quyết những hạn chế yếu kém trong công tác dân tộc từ việc nâng cao nhận thức của cấp ủy chính quyền, cơ quan Nhà nước về vai trò chức năng của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc. Cụ thể hóa việc thực hiện giám sát phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam với các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc qua đó tạo bước đột phá trong việc bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của đồng bào các dân tộc.
Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy bn Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc tập hợp, đoàn kết đồng bào có đạo là rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết.
Theo ông Thường để làm tốt công tác tôn giáo Mặt trận phải thực hiện được chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào có đạo. Đặc biệt là vấn đề phức tạp nhất là những việc liên quan đến đất đai, đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
“Những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân mà không được giải quyết tốt, mâu thuẫn giữa tôn giáo với tôn giáo mà không được giải quyết thì tất yếu sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa chính quyền với tôn giáo. Vì vậy, việc tham gia giám sát các chính sách về tôn giáo hết sức quan trọng và Mặt trận tham gia chủ trì, phối hợp thực hiện”-ông Thường nói.
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Truyền nhận định bản thân tôn giáo là văn hóa, gốc của tôn giáo là đạo đức, là nhu cầu tinh thần của một bộ phận của nhân dân. Làm sao Mặt trận tiếp cận tôn giáo gắn với văn hóa, để phát huy thế mạnh để các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc.
Để làm được việc này, ông Truyền cho rằng, Mặt trận cần quan tâm đầu tư xây dựng một đội ngũ làm công tác tôn giáo có quá trình rèn luyện, hiểu về các tôn giáo để nắm vững chính sách tôn giáo mới có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới về công tác tôn giáo.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh việc quan tâm đến việc đưa thông tin đến với đồng bào dân tộc cùng với đó phải xây dựng đội ngũ cốt cán người tiêu biểu, bồi dưỡng con em các cùng dân tộc. Việc triển khai các mô hình phải sát với từng địa phương qua đó phát huy đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc.
Đối với công tác tôn giáo, cần khẳng định quan điểm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của người dân nhưng phải trong khuôn khổ luật pháp. Đồng bào tôn giáo là người yêu nước là công dân tốt không phân biệt tôn giáo để động viên đồng bào tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Cùng với đó, cần tăng cường việc tiếp xúc gặp gỡ định kỳ giữa những người đứng đầu các tôn giáo với lãnh đạo các địa phương để tìm ra những điểm tương đồng qua đó vận động đồng bào có đạo tham gia vào các cuộc vận động phù hợp với đặc thù của tôn giáo mình như tham gia vào công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo trật tự trị an…/.