“Đảng không can thiệp vào công tác xét xử án tham nhũng”

(VOV) -Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đảng không làm thay cơ quan chức năng, không can thiệp vào công tác xét xử”.

Hôm nay (17/7) tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Cuộc họp nhằm kiểm điểm, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm, bàn nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm; cho ý kiến triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; ý kiến chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm.

6 tháng đầu năm, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và đạt kết quả tích cực trong một số mặt công tác: xây dựng và hoàn thiện thể chế; công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông tin tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; thành lập, củng cố về tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo và Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

Thanh tra Chính phủ cho biết đã có 24 Bộ và cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 4 tổ chức chính trị xã hội, 8 cơ quan, tổ chức Trung ương, 56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 14 tập đoàn kinh tế Nhà nước, Tổng Công ty 91 báo cáo việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2012; hơn 370.000 người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi thường xuyên công tác.

Ngành thanh tra đã tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tập trung vào các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng ngân sách… Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm 12.225 tỷ đồng, 452 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 4.934 tỷ đồng và hơn 400 ha đất, xử phạt vi phạm hành chính 252 tỷ đồng…

Trong khi đó, theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, từ đầu năm đến hết tháng 5, các cơ quan pháp luật khởi tố 116 vụ với 266 bị can về tội danh tham nhũng; truy tố 138 vụ về tội danh tham nhũng. Tòa án các cấp đã xét xử theo thủ tục sơ thẩm 100 vụ với 196 bị cáo về tội danh tham nhũng.

Tại phiên họp, các ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo đều nhất trí tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, trong đó tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tập trung tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Kết luận hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; triển khai đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; khẩn trương xây dựng các quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp; Đề án tăng cường thực hiện và kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước; Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; Quy định việc chi trả qua tài khoản đối với tất cả các khoản chi từ ngân sách Nhà nước cho cán bộ, công chức; khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đang được thực hiện nhưng hiệu quả thấp.

Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều tra, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vụ án có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng; triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; chỉ đạo xây dựng Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan trong xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành lập 7 Đoàn công tác do các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn để kiểm tra, giám sát một số ngành và địa phương trên toàn quốc. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chọn 8 vụ án và 2 vụ việc tham nhũng và kinh tế có dấu hiệu tham nhũng, phức tạp, dư luận quan tâm vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra xét xử một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo đưa ra xét xử 2 vụ án: Vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (giai đoạn I) và vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức họp liên ngành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xử lý một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận nhân dân đang rất quan tâm.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Tổng Bí thư nêu rõ: 6 tháng đầu năm nay, công tác phòng, chống tham nhũng kế thừa, phát huy kinh nghiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khóa trước, đã đạt kết quả tích cực trên một số mặt cả về công tác tuyên truyền; xây dựng, hoàn thiện thể chế, phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử…

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: công tác phòng, chống tham nhũng còn những hạn chế: Một số cấp, ngành chưa quan tâm chỉ đạo ráo riết, quyết liệt. Hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, luật đã ban hành rồi nhưng chậm cụ thể hóa, hướng dẫn.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng theo Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI). Công tác tuyên truyền về phòng chống tham nhũng cần được triển khai bài bản hơn, đúng mức, khách quan, đúng định hướng, không để lộ, lọt những thông tin đang điều tra nhưng không bao che những thiếu sót khuyết điểm, tạo niềm tin trong nhân dân.

Tổng Bí thư đề nghị từng thành viên Ban Chỉ đạo, là người đứng đầu các cơ quan quan trọng liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, trên cương vị của mình, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành, cần chủ động, tập trung xây dựng Kế hoạch triển khai những phần việc, lĩnh vực liên quan đến chức năng, trách nhiệm của mình. Tổng Bí thư nhấn mạnh: điều này là rất quan trọng trong việc triển khai các công việc mà Ban Chỉ đạo đã đề ra.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cần chú ý xử lý, khắc phục những khó khăn trong quá trình điều tra, giám định và thống nhất trong việc chỉ đạo xử lý các vụ việc tham nhũng thông qua các bước phù hợp, phát huy vai trò cơ quan thường trực của Ban Nội chính Trung ương. Những vấn đề khó khăn, vướng mắc, Ban Nội chính Trung ương báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương cho chủ trương xử lý. Quan điểm nhất quán là Đảng lãnh đạo việc phòng, chống tham nhũng nhưng “Đảng không làm thay cơ quan chức năng, không can thiệp vào công tác xét xử”.

Về Kế hoạch kiểm tra, giám sát, Tổng Bí thư đề nghị cần bám sát thực hiện yêu cầu của Bộ Chính trị trong Kế hoạch 08 thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Đồng thời các cơ quan cần phối hợp để xử lý dứt điểm một số vụ án lớn, nghiêm trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc lại: Công tác phòng, chống tham nhũng phải làm lâu dài, kiên trì, kiên quyết. Trong đó, coi trọng biện pháp phòng ngừa, coi trọng cả phòng và chống, xây và chống./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỗi năm khởi tố 282 vụ tham nhũng
Mỗi năm khởi tố 282 vụ tham nhũng

(VOV) -Năm 2012, phát hiện 89 vụ, 107 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản là 104 tỷ đồng.

Mỗi năm khởi tố 282 vụ tham nhũng

Mỗi năm khởi tố 282 vụ tham nhũng

(VOV) -Năm 2012, phát hiện 89 vụ, 107 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản là 104 tỷ đồng.

5 tháng, tham nhũng trong ngành ngân hàng gần 700 tỷ đồng
5 tháng, tham nhũng trong ngành ngân hàng gần 700 tỷ đồng

(VOV)-5 tháng đầu năm 2013, ngành Ngân hàng phát hiện 21 vụ việc tiêu cực, tham nhũng, số tiền vi phạm 682.510 triệu đồng; 5.612 chỉ vàng...

5 tháng, tham nhũng trong ngành ngân hàng gần 700 tỷ đồng

5 tháng, tham nhũng trong ngành ngân hàng gần 700 tỷ đồng

(VOV)-5 tháng đầu năm 2013, ngành Ngân hàng phát hiện 21 vụ việc tiêu cực, tham nhũng, số tiền vi phạm 682.510 triệu đồng; 5.612 chỉ vàng...

Phát hiện 3 vụ tham nhũng tại EVN
Phát hiện 3 vụ tham nhũng tại EVN

(VOV) -Số cán bộ, công nhân viên phải chuyển đổi tại Tập đoàn EVN là 3.702 người

Phát hiện 3 vụ tham nhũng tại EVN

Phát hiện 3 vụ tham nhũng tại EVN

(VOV) -Số cán bộ, công nhân viên phải chuyển đổi tại Tập đoàn EVN là 3.702 người