Có cơ chế để MTTQ đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền

(VOV) - Ông Lê Hồng Anh: Có cơ chế để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền.

Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị lần thứ 5 (khóa 7) sáng nay (17/1) tại Hà Nội. Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban  Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổng kết lại công tác mặt trận năm 2012 và chương trình phối hợp, thống nhất hành động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam năm 2013. Trong đó nhấn mạnh, năm 2002, hoạt động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã có nhiều đổi mới và đạt hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên nhiều lĩnh vực.

Các phong trào thi đua, cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả, như cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, ngày “Vì người nghèo”…

Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư  phát biểu tại Hội nghị

Năm 2013, MTTQ Việt Nam sẽ tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm. Đáng chú ý, Ủy ban MTTQ các cấp tập trung khảo sát để xây dựng lực lượng, phát huy đội ngũ cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng dân cư,.. tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam “Tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”; MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư biểu dương những kết quả đạt ược của MTTQ các cấp trong năm qua, đóng góp to lớn vào việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời khẳng định: Những kết quả công tác của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bồi đắp và không ngừng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới.

Ông Lê Hồng Anh cho rằng, công tác mặt trận trong năm qua còn có những hạn chế cần khắc phục như:  nội dung, phương thức vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân có sự đổi mới nhưng chưa thực sự mạnh mẽ; việc năm bắt tình hình, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của nhân dân có lúc chưa đầy đủ, kịp thời; phong trào thi đua và chất lượng các cuộc vận động tuy có khởi sắc nhưng chưa thật đồng đều; việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nhất là công tác giám sát, phòng chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng nhu cầu; việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các thành viên chưa tương xứng với vị trí, vai trò của từng tổ chức.

Đa dạng hóa các hình thức vận động, đoàn kết nhân dân

Ông Lê Hồng Anh đề nghị: Trong thời gian tới, hệ thống MTTQ Việt Nam từ trung ương tới cơ sở cần tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các giai cấp, tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, người Việt Nam ở nước ngoài thành một khối đoàn kết, thống nhất. Để làm tốt điều đó, cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, MTTQ cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng hành chính hóa, tăng cường các giải pháp tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, thu hút nhân dân tích cực tham gia vào việc thực hiện giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống nhân dân và hội nhập quốc tế…

Các đại biểu dự Hội nghị

Ông Lê Hồng Anh nhấn mạnh đến việc MTTQ Việt Nam cần phát huy tốt vai trò của mình để vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có cơ chế để MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào công tác mặt trận năm 2012 và chương trình phối hợp, thống nhất hành động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam năm 2013 và đóng góp ý kiến cho dự thảo Hiến pháp (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng, trong Hiến pháp (sửa đổi) cũng nên quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận. Trong thời gian qua, Mặt trận đã có nhiều cố gắng thể hiện vai trò trong việc giám sát, phản biện nhiều vụ việc được dư luận quan tâm, nhưng thực tế, công tác này còn chưa hiệu quả. Nhiều vụ việc Mặt trận chưa làm đúng vai trò, chức năng của mình, kể cả công tác phản biện xã hội. Đến nay vẫn chưa có quy chế để mặt trận thực hiện vai trò giám sát và phản biện. Vì thế, trong Hiến pháp (sửa đổi) cần có quy định rõ: MTTQ Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, cũng như quy định “Mặt trận tham gia giám sát và phản biện xã hội”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên