Đau đáu với dân để trọn vai đại biểu dân cử
VOV.VN - Với mỗi đại biểu Quốc hội, đến với dân là để lắng nghe tiếng dân, trở về với dân là để chiêm nghiệm về những điều mình đã hứa, đã làm được cho họ, thôi thúc thêm động lực làm trọn vai đại diện dân cử.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm ĐBQH, không phải để làm quan, không phải để ăn trên ngồi trốc, mà làm người đày tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào”. Lời hứa và thực hiện lời hứa của đại biểu Quốc hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng, để củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước, Quốc hội. Lời hứa ấy là một trọng trách to lớn mà mỗi ĐBQH cần phải thực hiện trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, 2 chữ được nhiều lần nhấn mạnh bởi các lãnh đạo của Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đó là tinh thần "chủ động". Tinh thần ấy đã được lan tỏa đến các đại biểu Quốc hội để hiện thực lời hứa và chương trình hành động của mình.
Là người con của quê hương Bến Tre, trong những ngày tâm dịch, chứng kiến những cảnh đời vất vả, khó khăn, đại biểu Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội càng thêm đau đáu về lời hứa của mình với cử tri và thêm trăn trở trong từng hoạt động làm đại biểu dân cử, đặc biệt trong lĩnh vực ông phụ trách đó là an sinh xã hội.
Thấm thía sâu sắc ý nghĩa, với mỗi đại biểu Quốc hội, đến với dân là để lắng nghe tiếng dân, trở về với dân là để chiêm nghiệm về những điều mình đã hứa, đã làm được cho họ, thôi thúc thêm động lực làm trọn vai đại diện dân cử. Là đại biểu của 5 khóa Quốc hội, chứng kiến những khó khăn của quê hương và những vùng miền khác, lời hứa mà đại biểu Đặng Thuần Phong luôn tâm niệm và tự nhắc nhở mình trong hành trình làm đại biểu dân cử đó là phải phấn đấu suốt đời, là mong muốn tột cùng các chính sách đưa ra phải phục vụ cho đời sống người dân, người dân được hưởng lợi từ những chính sách đó. Cho nên trong xây dựng pháp luật hay trong giám sát, trong quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia theo chức năng của Quốc hội, ông Đặng Thuần Phong đều đặt nguyện vọng của nhân dân lên hàng đầu, mạnh dạn, kiên quyết đấu tranh chống lợi ích nhóm, "quyền anh quyền tôi" trong xây dựng pháp luật để cái gì tốt nhất, dễ nhất đưa về dân, cái gì khó thì cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục hoàn thiện.
Qua 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, chứng kiến những mảnh đời, những hoàn cảnh vì dịch bệnh mà mất mát, mà cách ly, sản xuất kinh tế bị đứt gẫy; khó khăn ập đến với từng nhà, từng người khiến người đại biểu Quốc hội không thể cầm lòng, tự thấy cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong mỗi giải pháp chống dịch.
“Đau đáu về điều này nên khi xác định những việc cần phải hỗ trợ cho người dân, chúng tôi luôn nhận thức rõ gói 38.000 tỷ trong đó có 30.000 tỷ dành để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, đây là có sự chia sẻ rất tốt. Tuy nhiên, vẫn còn tới hơn 30 triệu lao động tự do không có quan hệ lao động được giao về cho ngân sách địa phương hỗ trợ nên có những đối tượng được hưởng, có đối tượng lại chưa được hưởng, như vậy là chính sách đưa ra nhưng độ bao phủ chưa đủ lớn, đủ rộng. Tôi cho rằng, việc thực thi những chính sách này cũng cần có sự tổng kết, đánh giá để thực hiện hiệu quả phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, ai cũng được an yên, ấm lòng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước”, đại biểu Đặng Thuần Phong bày tỏ.
Trong 3 kỳ họp của Quốc hội khóa XV và đặc biệt ở kỳ họp bất thường lần thứ nhất vừa qua, những quyết sách của Quốc hội nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được ban hành, khiến cho người đại biểu dân cử không khỏi vui mừng nhưng cũng xác định trách nhiệm kiểm tra, giám sát cao hơn để độ hấp thu của đất nước đối với những gói hỗ trợ về kinh tế, những gói hỗ trợ trực tiếp đến người dân sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế trong thời gian tới.
“Chúng tôi đã lên kế hoạch khảo sát và giám sát việc triển khai thực hiện các gói hỗ trợ ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, để cùng với Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục, trách nhiệm, để những nội dung này được thực thi tốt nhất, tạo đà vững chắc cho phục hồi, phát triển kinh tế đất nước và ổn định đời sống an sinh xã hội”, đại biểu Đặng Thuần Phong cho biết thêm.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều điều, đã khiến cho mỗi đại biểu nỗ lực hơn, trách nhiệm hơn với lời hứa trước cử tri. Đối với những đại biểu đại diện cho ngành y tế, thực hiện lời hứa trong lúc dịch bệnh càng trở nên ý nghĩa. Là Giám đốc của Bệnh viện Đại học Y, từ kinh nghiệm thực tế trong ngành y, trên nghị trường Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, đã có những bài phát biểu, đề xuất đầy thuyết phục về những vấn đề nổi cộm của ngành y tế cũng như trong công tác phòng chống dịch Covid-19. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đã hứa trước cử tri sẽ cố gắng, quyết tâm phát triển hệ thống y tế, đặc biệt cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, người nghèo.
Để hiện thực hóa lời hứa với cử tri, thời gian qua, ông đã về Bình Định nhiều lần. Trong những ngày cận Tết Nguyên đán, vị đại biểu Quốc hội vẫn đau đáu với những hoạt động tại nơi ứng cử. Tại đây, ông cùng với các đồng nghiệp triển khai hệ thống khám bệnh từ xa đến các huyện của Bình Định. Khi dịch bùng phát, với trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội và của một bác sĩ chuyên khoa, ông cùng với các đồng nghiệp từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh tham gia chống dịch, vận động các nhà hảo tâm cung cấp thêm trang thiết bị, thuốc men để Bình Định có thể phòng chống dịch tốt hơn.
“Trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định trở thành bệnh viện tuyến cuối, nơi có thể chữa được tất cả các bệnh, không cần phải chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện tuyến trung ương như TP.HCM, Huế, Hà Nội… Các chương trình thiện nguyện tiếp tục được triển khai trong bối cảnh khó khăn do đại dịch”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu khẳng định.
Đau đáu với những khó khăn, buồn vui của người dân, mỗi đại biểu Quốc hội với câu chuyện và chương trình hành động của riêng mình nhưng đều chung một mục tiêu là thực hiện bằng được lời hứa với cử tri khi ứng cử. Với đại biểu Leo Thị Lịch, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, sinh ra và lớn lên ở vùng đất có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, bà cũng đã có hướng đi riêng để thực hiện chương trình hành động của mình. Tình hình sản xuất nông sản, đầu ra cho sản phẩm, đời sống của đồng bào dân tộc là những điều mà bà Lịch luôn trăn trở, ấp ủ trong suốt 2 nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội của mình.
Lời hứa khi ứng cử đại biểu Quốc hội của bà Leo Thị Lịch tại 3 địa bàn huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, nơi tập trung đông nhất đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và là vùng khó khăn nhất của tỉnh Bắc Giang, đó là chuyển tải những ý kiến, kiến nghị của bà con đến nghị trường nhanh nhất, đặc biệt quan tâm đến chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
“Bất cứ ở đâu, cử tri thấy khó khăn, tôi luôn có suy nghĩ làm sao để giúp được họ tốt nhất, bằng mọi giá giải quyết được các vấn đề mà cử tri có ý kiến. Các ý kiến của cử tri đều được tổng hợp, tiếp thu và giải quyết”, bà Lịch quả quyết. Từng công tác ở Hội Nông dân, từng đi bộ tới từng thôn, xóm để hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phát triển sản xuất cho bà con nên lời hứa trước cử tri của đại biểu Leo Thị Lịch đã được cử tri ở huyện Lục Nam tin tưởng, ghi nhận; và điều quan trọng, họ thấy đó là những kiến thức bổ ích trong phát triển kinh tế của chính mình./.