Di chúc của Bác vẫn đang dẫn đường cho công tác ngoại giao
VOV.VN - Ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Ngoại giao khẳng định điều này khi nói về giá trị Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao về những giá trị Di chúc của Hồ Chí Minh đối sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nước nhà nói chung, đối với ngành ngoại giao nói riêng.
PV: Thưa ông, đọc lại Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông thấy những lời căn dặn của Người đã được toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện như thế nào? Từ góc độ ngành ngoại giao, xin ông phân tích cụ thể một số kết quả gắn với ngành?
Ông Trần Việt Thái: Vâng, đọc lại Di chúc của Bác cách đây 45 năm và nhìn lại những gì mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã làm được trong 45 năm qua, có đủ cơ sở để khẳng định chúng ta đã nghiêm chỉnh thực hiện và thực hiện tốt những lời căn dặn mà Bác đã để lại trong Di chúc trước khi Người vĩnh biệt chúng ta về cõi vĩnh hằng.
Ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao
Thứ nhất, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, kết quả quan trọng nhất của ngoại giao Việt Nam là đã tiến hành thành công cuộc đàm phán trường kỳ để đi tới Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương (1973). Hiệp định Paris năm 1973 đã làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng, từ đó góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong mùa xuân 1975.
Thứ hai, trong những năm 1980 và đầu những năm 1990, ngoại giao đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đối ngoại đúng đắn, góp phần rất quan trọng vào việc phá thếbị bao vây, cô lập và cấm vận, từng bước mở rộng quan hệ đối ngoại với bạn bè, đối tác gần xa, tạo ra những nền tảng vững chắc để đất nước ta bước vào thời kỳ Đổi mới và hội nhập toàn diện như ngày hôm nay.
Thứ ba, trong những năm gần đây, ngoại giao Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng, không chỉ góp phần duy trì và củng cố ngày càng vững chắc môi trường hòa bình, ổn định; mà còn tranh thủ được ngày càng nhiều các điều kiện thuận lợi ở bên ngoài để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ… Ngoại giao Việt Nam cũng đã có những đóng góp xứng đáng cho cộng đồng quốc tế vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội đúng như Bác hằng mong ước.
PV: Trong Di chúc của mình, khi nói về phong trào cộng sản thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình. Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”. Xin ông cho biết, lời di chúc này của Bác muốn truyền thông điệp gì cho hậu thế?
Ông Trần Việt Thái: Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác đặc biệt quan tâm tới mối quan hệ giữa các Đảng Cộng sản anh em bởi hơn ai hết Bác có nhiều năm làm việc cho Quốc tế Cộng sản, gắn bó và hiểu rất rõ giá trị và ý nghĩa của phong trào cộng sản và công nhân thế giới đối với cách mạng nước ta. Trong Di chúc, Bác rất đau lòng khi chứng kiến sự bất hòa giữa các Đảng Cộng sản trên thế giới. Do vậy, Bác luôn quan tâm tới việc làm thế nào để khôi phục sự đoàn kết giữa các Đảng cộng sản anh em. Đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm cả đời Bác gắn bó với phong trào cộng sản và công nhân trên toàn thế giới.
Lời di chúc này của Bác gửi đi một thông điệp vô cùng sâu sắc: Đảng ta là một Đảng mác-xít chân chính, là một bộ phận của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đã là một Đảng chân chính thì nghĩa vụ đoàn kết quốc tế cũng là một nhiệm vụ cao cả mà Đảng ta phải thực hiện. Do vậy, Bác đã căn dặn Đảng ta cần phải ra sức góp phần vào việc duy trì đoàn kết quốc tế với các Đảng anh em. Ẩn sâu bên trong lời di chúc này là một tấm lòng thủy chung trước sau như một của Bác. Đó không chỉ là một mệnh lệnh của lý trí, mà còn là nghĩa vụ của con tim một con người giàu lòng nhân ái, vị tha trước những biến đổi của thời cuộc.
Nói rộng ra, trong bối cảnh hiện nay, đất nước ta là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng quốc tế và khu vực, chúng ta phải có nghĩa vụ đóng góp cho hòa bình, ổn định, cho sự phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế. Một cộng đồng khu vực và quốc tế vững mạnh sẽ là nền tảng vững chắc để chúng ta thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh hiện nay.
Đó cũng là mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa lợi ích quốc gia và nghĩa vụ quốc tế, vừa có lý, vừa có tình trong đó.
PV: Kể từ khi thực hiện Di chúc của Người, đặc biệt là từ khi thực hiện Đổi mới đất nước đến nay, lời Di chúc này của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác động như thế nào đến hoạt động ngoại giao của nước ta, thưa ông?
Ông Trần Việt Thái: Vâng, kể từ khi thực hiện Di chúc của Bác, đặc biệt là trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, những lời di chúc của Bác đã có những tác động tích cực và sâu sắc tới toàn ngành ngoại giao, tới từng cán bộ, nhân viên đang công tác trên mặt trận đối ngoại.
Thứ nhất, những lời căn dặn của Bác đã động viên, khích lệ toàn ngành ngoại giao hăng say làm việc, cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như các ngành, các cấp khác, Bác đã truyền lại cho các thế hệ cán bộ ngoại giao niềm tin tất thắng, niềm tin vào sự đoàn kết và chính nghĩa. Đó là sức mạnh to lớn, không gì có thể lay chuyển được, giúp ngành ngoại giao vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Thứ hai, trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là từ khi đất nước Đổi mới và hội nhập quốc tế đến nay, thông qua Di chúc, Bác đã chỉ rõ những nhiệm vụ to lớn nhưng rất vinh quang của ngành ngoại giao như phải không ngừng đoàn kết trong toàn Đảng, trong toàn ngành; ngành ngoại giao phải góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội…
Tóm lại, Di chúc của Bác thực sự đã trở thành kim chỉ nam cho những thắng lợi, những kết quả mà ngoại giao Việt Nam đã đạt được trong suốt 45 năm qua cũng như trong thời gian tới.
PV: Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, chúng ta cần làm gì để mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, thành hiện thực vững bền, thưa ông?
Ông Trần Việt Thái: Vâng, đây là mong muốn cuối cùng Bác viết trong Di chúc, nhưng cũng là mong muốn cháy bỏng, thiêng liêng nhất của Người trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. 45 năm qua, chúng ta đã làm tốt nhiệm vụ này, đã cơ bản hoàn thành tâm nguyện của Người khi còn sinh thời.
Hiện nay, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ và thách thức mới. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến đang rất nhanh chóng và phức tạp. Để làm tốt hơn nữa lời căn dặn và mong muốn của Người, tôi cho rằng chúng ta cần kiên định con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Đó là xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Chúng ta cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh lời dạy của Bác cả trong những lúc Người còn sinh thời cũng như trong di chúc của Bác, đặc biệt là vấn đề đoàn kết trong Đảng, trong từng ngành cũng như đoàn kết quốc tế… Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói nghèo, phát triển mọi mặt đời sống xã hội… mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã vạch ra.
Riêng đối với ngành ngoại giao, cần tiếp tục đổi mới và không ngừng nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới; tích cực chủ động hội nhập quốc tế, không ngừng đưa các mối quan hệ quốc tế của chúng ta đi vào chiều sâu, bền vững; có những đóng góp thiết thực hơn nữa cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới./.