“Dù lầm lỡ phạm tội, các cháu vẫn rất cần Nhà nước quan tâm có chính sách đặc biệt”

VOV.VN - “Sản phẩm hỏng có thể bỏ đi, còn với các cháu thiếu niên phạm tội, nếu áp dụng hình phạt thì rất dễ, nhưng đặt ra yêu cầu hệ thống tư pháp thân thiện mới là điều khó. Cuộc đời các cháu còn dài, chỉ có hình phạt là không phù hợp”.

Một trong những vấn đề trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên được nhiều ý kiến thảo luận tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, diễn ra sáng 27/8, là về biện pháp xử lý chuyển hướng.

“Thiết kế chính sách xử lý cần có cách tiếp cận chuyên biệt”

Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, quy định xuất phát từ đặc điểm của người chưa thành niên là người chưa trưởng thành về mọi mặt (thể chất, tinh thần, nhận thức và đạo đức), chưa thể tự bảo vệ mình một cách tốt nhất trước các nguy cơ vi phạm và tội phạm.

Đặc biệt khi tham gia vào các quy trình tư pháp hình sự, người chưa thành niên đều dễ bị tác động tiêu cực, nhất là khi phải đối diện với các biện pháp có tính chất cưỡng chế (như: khởi tố, bắt, giam, giữ, khám xét...). Đặc điểm này đòi hỏi Nhà nước khi thiết kế chính sách xử lý cần có cách tiếp cận chuyên biệt, khác với người trưởng thành.

“Với mục đích xây dựng một đạo luật chuyên biệt và toàn diện về tư pháp người chưa thành niên thì 2 vấn đề cốt lõi là hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự cần phải được điều chỉnh trong luật này, tạo cơ sở cho việc thiết kế các nguyên tắc, chính sách, biện pháp xử lý, hình phạt và thủ tục tố tụng thân thiện phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên” - báo cáo nhấn mạnh.

Dự thảo luật quy định, biện pháp xử lý chuyển hướng là biện pháp giám sát, giáo dục, phòng ngừa thay thế cho hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, bao gồm các biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng và biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; cũng như thiết kế nhiều điều luật riêng về nội dung này.

Đại biểu Ma Thị Thuý – Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Tuyên Quang đánh giá, quy định như dự thảo thể hiện chính sách khoan hồng, tạo cơ hội cho người chưa thành niên nhìn nhận nhận và chịu trách nhiệm với hành vi của mình mà không để lại án tích, ngăn ngừa sự miệt thị sau này hay tác động bất lợi khi bị đưa ra xử lý.

Việc xử lý chuyển hướng hạn chế việc áp dụng chế tài có yếu tố trừng phạt mà thiên về hoà giải, khắc phục, qua đó người chưa thành niên phạm tội tự ý thức và chịu trách nhiệm về thiệt hại gây ra.

Xử lý thì dễ, đảm bảo yêu cầu thân thiện, nhân văn mới khó!

Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Công Long - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, đây là dự án luật khó, có tác động lớn tới xã hội, có chính sách thay đổi rất lớn với đối tượng cũng rất đặc biệt nên cần thận trọng, xem xét kỹ, nhất là những ý kiến còn khác nhau.

Ông dẫn Bộ luật hình sự hiện hành quy định 14 tội không áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 8 tội không áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Hiện dự thảo này quy định chỉ còn áp dụng với 11 tội cho cả 2 nhóm đối tượng trên, trong đó loại trừ một số tội mà theo ông, số liệu thống kê cho thấy đang gia tăng, có thể dẫn đến giảm sự răn đe, phòng ngừa.

“Năm 2023, tội phạm ở người chưa thành niên tăng 14% và xu hướng năm nào cũng tăng. Thay đổi chính sách hình sự trong bối cảnh tội phạm tăng, hình phạt giảm nhẹ thì tác động thế nào cần đánh giá kỹ, không nên loại trừ triệt để và quá lớn như Điều 38 dự thảo luật” – ông Long nêu ý kiến.

Phát biểu làm rõ thêm liên quan xử lý chuyển hướng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ nhấn mạnh, dự thảo thiết kế 4 điều luật 35, 37, 38 và 51 có sự ràng buộc chặt chẽ với nhau, chứ không riêng ở điều 38.

Theo bà, Bộ luật hình sự hiện hành quy định 14 tội không áp dụng chuyển hướng đối với người từ trong độ tuổi nêu trên, tức chỉ áp dụng hình phạt và áp dụng biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng. “Chỉ có 2 con đường đó thì tính nhân văn cần xem xét khi thời gian tạm giam dài (tối đa 1 năm với tội rất nghiêm trọng)” – bà Thuỷ nói.

Nữ đại biểu cho biết, khi khảo sát ở 3 trường giáo dưỡng thì nhìn thấy nhiều hoàn cảnh đáng thương. Như trường ở Đồng Nai có 60% cháu có hoàn cảnh là bố mẹ ly hôn, mồ côi, hay bố mẹ đang chấp hành án... Tỷ lệ này ở Đà Nẵng là 53% và Ninh Bình là 24%.

“Dù lầm lỡ, nhưng ở lứa tuổi các cháu còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường thì vẫn đáng được Nhà nước quan tâm có chính sách đặc biệt” – bà Nguyễn Thị Thuỷ nêu quan điểm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nhấn mạnh, Đảng luôn quan tâm tới trẻ em, đặc biệt Chỉ thị 28 của Bộ Chính trị đặt vấn đề phát triển hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em. Việc xây dựng dự án luật này đang thể chể hoá quan điểm đó.

Khẳng định dự thảo thiết kế nhiều chính sách, nhưng theo bà Thuỷ, quan trọng nhất là chuyển biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng. Bởi, nếu là biện pháp tư pháp, người chưa thành niên phạm tội sẽ phải đi hết giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, tức có thể bị tạm giam cả năm mới được áp dụng đưa vào trường giáo dưỡng. Còn theo quy định của dự thảo, ngay ở giai đoạn điều tra, nếu đủ điều kiện thì trong tháng đầu bị tạm giam, cơ quan chức năng có thể lập hồ sơ đề nghị đưa các cháu vào trường giáo dưỡng.

Bà Nguyễn Thị Thuỷ cũng nhấn mạnh, dù được áp dụng xử lý chuyển hướng ở một số tội nhưng về mặt chế tài không thay đổi so với luật hiện hành, chỉ đảm bảo thân thiện và nhân văn hơn, cụ thể là chỉ giảm thời gian bị tạm giam.

“Với sản phẩm hỏng có thể bỏ đi, còn với các cháu thiếu niên, nếu áp dụng hình phạt thì rất dễ, nhưng Nhà nước và công ước quốc tế đặt ra yêu cầu hệ thống tư pháp thân thiện mới là điều khó. Cuộc đời các cháu còn dài, chỉ có hình phạt là không phù hợp” – nữ đại biểu bày tỏ.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Công khai về phạm tội của người chưa thành niên thì “phần đời còn lại mong manh"
Công khai về phạm tội của người chưa thành niên thì “phần đời còn lại mong manh"

VOV.VN - Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, dự thảo luật quy định không công khai quá trình phạm tội của người chưa thành niên. “Vì nghĩ đến cuộc đời rất dài của các cháu. Nếu bị công khai, các cháu sẽ bị xã hội kỳ thị, phần đời còn lại của các cháu sẽ rất mong manh”.

Công khai về phạm tội của người chưa thành niên thì “phần đời còn lại mong manh"

Công khai về phạm tội của người chưa thành niên thì “phần đời còn lại mong manh"

VOV.VN - Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, dự thảo luật quy định không công khai quá trình phạm tội của người chưa thành niên. “Vì nghĩ đến cuộc đời rất dài của các cháu. Nếu bị công khai, các cháu sẽ bị xã hội kỳ thị, phần đời còn lại của các cháu sẽ rất mong manh”.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình lý giải việc cần tách vụ án có người chưa thành niên
Chánh án Nguyễn Hòa Bình lý giải việc cần tách vụ án có người chưa thành niên

VOV.VN - Cho rằng “không tách vụ án không được”, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng, các chính sách dành riêng cho người chưa thành niên phạm tội sẽ khó đảm bảo nếu để trong 1 vụ án chung có cả người thành niên.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình lý giải việc cần tách vụ án có người chưa thành niên

Chánh án Nguyễn Hòa Bình lý giải việc cần tách vụ án có người chưa thành niên

VOV.VN - Cho rằng “không tách vụ án không được”, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng, các chính sách dành riêng cho người chưa thành niên phạm tội sẽ khó đảm bảo nếu để trong 1 vụ án chung có cả người thành niên.

Đề xuất giảm mức phạt tù với người chưa thành niên
Đề xuất giảm mức phạt tù với người chưa thành niên

VOV.VN - Để đề cao tính nhân văn nhưng vẫn bảo đảm nghiêm minh của chính sách hình phạt, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định giảm mức hình phạt tù với người chưa thành niên theo từng trường hợp cụ thể.

Đề xuất giảm mức phạt tù với người chưa thành niên

Đề xuất giảm mức phạt tù với người chưa thành niên

VOV.VN - Để đề cao tính nhân văn nhưng vẫn bảo đảm nghiêm minh của chính sách hình phạt, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định giảm mức hình phạt tù với người chưa thành niên theo từng trường hợp cụ thể.