Đưa ấn phẩm tôn giáo vào trại giam: Đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng
VOV.VN - Thiếu tướng Thùng Văn Nghiểm cho rằng, hoạt động này không chỉ góp phần thực thi pháp luật về tôn giáo, quyền được tiếp cận kinh sách, ấn phẩm tôn giáo của mọi người mà còn thể hiện thành tựu, chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở thống nhất với Ban Tôn giáo Chính phủ, ngày 1/4, Cục An ninh nội địa phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng- Bộ Công an (C10) tổ chức lễ bàn giao kinh sách, ấn phẩm tôn giáo đưa vào sử dụng tại các trại giam của Bộ Công an.
Theo đó, 17 đầu sách liên quan tôn giáo với 4.418 cuốn sẽ được đưa vào sử dụng tại thư viện 54 trại giam thuộc Bộ Công an. Trong đó, có 9 đầu sách là kinh sách, kinh thánh; 8 đầu sách thông tin chung về tín ngưỡng, tôn giáo, lịch sử hình thành, tác động đến đời sống, xã hội của tôn giáo, các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và vận động quần chúng tín đồ tôn giáo. Hoạt động này không chỉ góp phần thực thi pháp luật về tôn giáo, quyền được tiếp cận kinh sách, ấn phẩm tôn giáo của mọi người mà còn thể hiện thành tựu, chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, truyền tải thông điệp về nỗ lực của Việt Nam trong thực thi các công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị, quyền con người đến các nước trên thế giới. Nhân dịp này, PV VOV.VN phỏng vấn Thiếu tướng Thùng Văn Nghiểm, cục phó Cục An ninh nội địa, Bộ Công an.
PV: Thưa Thiếu tướng, ông có thể cho biết ý nghĩa chương trình này?
Thiếu tướng Thùng Văn Nghiểm: Trong quá trình chấp hành án có nhiều phạm nhân theo tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo là hoạt động chung không chỉ riêng của Việt Nam mà của các nước trên thế giới.
Trong số phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam Bộ Công an có nhiều người theo tôn giáo, nhưng lại bị lôi kéo, không hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ của tôn giáo mình tin theo nên nhận thức còn hạn chế.
Do vậy, đối với những người theo tôn giáo, họ đã có quá trình tìm hiểu thì người ta có nhu cầu tâm linh, nghiên cứu để sinh hoạt hằng ngày, cầu nguyện thì cần có sách để nghiên cứu.
Còn đối với những người bị tuyên truyền, lôi kéo, dẫn tới tin, việc mình cung cấp sách, cung cấp thông tin để người ta nghiên cứu, tìm hiểu, thực hiện rõ các nghĩa vụ. Qua đó, vừa giúp họ yên tâm chấp hành án, giúp họ nghiên cứu, tìm hiểu, chấp hành theo tôn giáo họ theo.
Cùng với đó, trong quá trình chấp hành án, nếu có các tài liệu về tôn giáo sẽ giúp người ta có điều kiện tìm hiểu, nâng cao kiến thức. Qua đó, một mặt giúp người ta nâng cao kiến thức, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, một mặt cung cấp thêm thông tin để phục vụ niềm tin tôn giáo.
PV: Sau lễ bàn giao này, Cục An ninh Nội địa và Cục C10 sẽ triển khai bàn giao thế nào để đến được các trại giam nhanh nhất, thưa ông?
Thiếu tướng Thùng Văn Nghiểm: Hiện tại, chúng tôi đã lên danh sách các đầu sách để đưa đến các đơn vị trại giam của Bộ Công an. Về các nguồn sách đã được các cơ quan liên quan kiểm duyệt và thống nhất.
Về mặt đầu sách và số lượng, chúng tôi đã có đủ. Ngay sau lễ bàn giao này, chúng tôi đã phối hợp Cục C10 và trong thời gian sớm nhất để chuyển cho các tủ sách, các thư viện của trại giam của Bộ Công an.
PV: Sau khi triển khai đưa sách đến các trại giam của Bộ Công an, Cục có triển khai đưa sách đến các trại tạm giam ở các tỉnh?
Thiếu tướng Thùng Văn Nghiểm: Sách này không chỉ hạn chế trong các trại giam của Bộ, mà sẽ được triển khai ở tất cả các trại giam, tạm giam của các địa phương khi các trại có nhu cầu cần cung cấp sách để cho phạm nhân nghiên cứu.
PV: Việc trao tặng sách này cũng nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật về tôn giáo của Đảng, Nhà nước tới phạm nhân, thưa ông?
Thiếu tướng Thùng Văn Nghiểm: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, mong muốn của lãnh đạo Bộ là truyền tải các thông tin cho các phạm nhân. Qua đó, vừa tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước, vừa giáo dục cho phạm nhân của mình nâng cao kiến thức, thực hiện niềm tin tôn giáo và thực hiện nghĩa vụ của công dân đối với Đảng, Nhà nước và sự toàn vẹn, yên ổn của quần chúng nhân dân.
PV: Thưa Thiếu tướng, trong các đơn vị trại giam, số lượng phạm nhân theo tín ngưỡng tôn giáo có đông không? Và trước đây, nếu chưa có sách này, các trại giam làm thế nào để tuyên truyền để phạm nhân hiểu và chấp hành?
Thiếu tướng Thùng Văn Nghiểm: Trong số phạm nhân có người theo công giáo, tin lành và một số tôn giáo khác... tuy nhiên số lượng cụ thể, chúng tôi chưa thống kê được.
Trước đây, khi chưa có đầu sách này, việc tuyên truyền kiến thức, pháp luật về tôn giáo, chúng tôi đều thông qua các cán bộ quản lý trại giam, trong các buổi sinh hoạt của các phạm nhân.
Trong các buổi sinh hoạt đó đều gắn các hoạt động tuyên truyền việc chấp hành các nội quy, quy định của trại, vừa tuyên truyền các chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Hiện nay, do sự phối hợp, hòa nhập của nước ta với các nước trên thế giới, do vậy việc Bộ Công an phổ cập và cung cấp các đầu sách, cung cấp thêm thông tin cho phạm nhân là việc cần thiết và không bị ràng buộc và giới hạn bởi một quốc gia nào, bởi đây là kiến thức chung.
Nếu mình cung cấp được càng rộng, việc phổ biến các kiến thức về tôn giáo, về pháp luật càng rộng rãi hơn./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!./.