Giám sát cá nhân để phát hiện sai phạm của cán bộ từ trong “trứng nước”
VOV.VN - Khi một cá nhân, cán bộ, Đảng viên, đại biểu dân cử có dấu hiệu sai phạm trong lối sống, cách làm việc, lập tức người dân, UB MTTQ cấp quản lý có thể phát hiện, kịp thời nhắc nhở, xử lý nếu cần.
Suy thoái tư tưởng chính trị, suy thoái đạo đức, lối sống là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tham nhũng. Vì suy thoái, người ta sẵn sàng bỏ qua lợi ích chung, lợi ích tập thể để trục lợi, làm giàu bất chính cho bản thân, gia đình, họ hàng mình. Do đó giám sát cá nhân là một hình thức giám sát cần thiết và đóng vai trò quyết định trong việc răn đe, phát hiện sai phạm của cán bộ.
Căn cứ vào Nghị quyết TW4; Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, mới đây, Ban Thường trực UB TƯ MTTQ Việt Nam ban hành Thông tri hướng dẫn giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ tới UB MTTQ Việt Nam các cấp trên cả nước.
Theo đó, việc giám sát cán bộ đảng viên tại nơi cư trú được thực hiện bởi 4 nhóm đối tượng chính: Ban Thường trực UB MTTQ Việt Nam cấp xã, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, Ban Thanh tra nhân dân và nhân dân.
Bàn về ưu nhược điểm của phương pháp giám sát cá nhân, ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết: “Ưu điểm lớn nhất của hình thức giám sát cá nhân là tính trực tiếp. Khi một cá nhân, cán bộ, Đảng viên, đại biểu dân cử có dấu hiệu sai phạm, lập tức người dân, cử tri, UB MTTQ cấp quản lý có thể phát hiện, kịp thời nhắc nhở, xử lý nếu cần. Giám sát cá nhân tại nơi cư trú cũng là lời răn đe, nhắc nhở để cán bộ, Đảng viên có ý thức giữ gìn tư cách, phẩm chất”.
“Cán bộ, đảng viên là những người phục vụ nhân dân, do đó phải chịu sự giám sát của nhân dân” - Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ nêu quan điểm. Đồng thời ông cho rằng giám sát ở đây không chỉ là quá trình cứng nhắc chỉ tìm mọi cách để bắt lỗi cán bộ, đảng viên rồi đem ra kiểm điểm, xử phạt. Mà trước hết, giám sát là để phát hiện ra dấu hiệu sai phạm đầu tiên để nhắc nhở cán bộ, đảng viên đi đúng đường, ngăn chặn khi tai họa mới chỉ là mầm mống. Ông Thực nhấn mạnh, việc góp ý trong quá trình giám sát cá nhân là điều rất quan trọng.
Nếu UB MTTQ Việt Nam thực hiện tốt quá trình giám sát cán bộ, đảng viên sẽ đem lại giá trị thiết thực trong quá trình xây dựng Đảng và Nhà nước, tăng cường phòng ngừa sai phạm trong Đảng ngay từ cấp nhỏ nhất.
Về vai trò của UB MTTQ Việt Nam các cấp trong quá trình giám sát cá nhân, ông Thực nhận định, Mặt trận chính là cơ quan gần nhất, trực tiếp nhất trong quá trình theo dõi, kiểm tra, phát hiện dấu hiệu sai phạm của cán bộ, đảng viên.
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thông tin: “Trên thực tế có rất nhiều chỉ đạo, điều luật quy định về việc giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ nhưng kết quả và hoạt động chưa thực sự rõ nét”. Ông Thực cho rằng, giám sát cá nhân là nhiệm vụ mới và khó trong khi nguồn nhân lực giám sát còn có hạn.
Tuy nhiên, theo Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam Phan Văn Vượng, nhận thức hạn chế và sự phối hợp rời rạc với cấp ủy ở một số địa phương là rào cản trong việc thực hiện giám sát cán bộ, đảng viên.
Ông Vượng cho biết: “Thứ nhất, nhận thức của một số cấp ủy về quyền và công tác giám sát còn hạn chế. Thứ hai, sự phối hợp, thực hiện chỉ đạo trong quá trình giám sát tại một số địa phương còn thiếu quyết liệt, rời rạc. Do đó công tác giám sát chưa đạt được kết quả cao”.
Mới đây, ngày 29/6/2021, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai, tập huấn chuyên đề "Giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ" năm 2021.
Đây là lần đầu tiên UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức triển khai chuyên đề giám sát trên phạm vi toàn quốc, dự kiến sẽ công bố kết quả vào cuối quý III năm 2021./.