Hà Nội kiến nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn và khắc phục ùn tắc giao thông

Để chống ùn tắc giao thông, thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ đưa các dự án hạ tầng giao thông lớn của thành phố như các tuyến đường sắt, đường bộ trên cao, đường sắt ngầm… vào chương trình mục tiêu quốc gia

Sáng 17/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đại diện các Bộ, ngành Trung ương đã làm việc với thành phố Hà Nội về thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn thành phố; tình hình thực hiện các dự án đầu tư lớn của thành phố; các giải pháp khắc phục ùn tắc  giao thông và việc chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Thay mặt Thành uỷ, HĐND và UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo, UVTƯ Đảng, Chủ tịch UBND thành phố đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và các thành viên trong Đoàn công tác khái quát tình hình kinh tế-xã hội của thành phố năm 2009 và quý I năm 2010; các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư lớn trên địa bàn thành phố; việc thực hiện các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông; công tác chuẩn bị cho đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội; đồng thời đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được áp dụng một số cơ chế đặc thù để thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn như uỷ quyền cho thành phố quyết định đầu tư một số dự án BT, BOT, BTO, BOO và PPP (hợp tác công tư-thực hiện thí điểm) nhằm khai thác và huy động các nguồn vốn, đẩy mạnh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị, giải quyết các nhu cầu bức xúc dân sinh trên địa bàn.

Đối với các dự án nhóm A đã phân cấp  cho các tỉnh, thành phố theo quy định khi thực hiện phải  xin ý kiến thoả thuận của các Bộ, ngành chuyên môn. Đề nghị các Bộ, ngành ban hành các quy định, hướng dẫn chung để làm cơ sở thực hiện, giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian trong chuẩn bị đầu tư.

Để chống ùn tắc giao thông, thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ đưa các dự án hạ tầng giao thông lớn của thành phố như các tuyến đường sắt, đường bộ trên cao, đường sắt ngầm… vào chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung nguồn lực, vốn, khoa học công nghệ, quản lý và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sớm khắc phục ùn tắc giao thông ở Thủ đô trước mắt cũng như lâu dài. Cụ thể, các tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, Nhổn-ga Hà Nội, Nam Thăng Long-Thượng Đình, Yên Viên-Ngọc Hồi, các đường vành đai…

Nghiên cứu, xem xét, cho phép Hà Nội cùng Bộ Công an được triển khai thực hiện các giải pháp đặc thù về quản lý dân cư, hạn chế tình trạng dân cư đổ dồn về đô thị trung tâm, làm tăng áp lực đối với hệ thống giao thông đô thị. Đồng thời ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ một số phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn Thủ đô và một số thành phố lớn khác; tăng mức phí trước bạ, thu phí giao thông đối với các phương tiện cá nhân, tạo thêm nguồn thu đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đô thị.

Thực hiện cơ chế đặc thù trong việc  xử phạt với mức xử phạt cao hơn quy định hiện hành đối với một số hành vi vi phạm quy định về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân.

Trước thực trạng trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội, tình hình hoả hoạn phát sinh phức tạp, nhất là khu vực trung tâm, nhà cao tầng và với  địa bàn rộng lớn, việc phòng cháy, chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Thế Thảo đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép thành lập Sở Phòng cháy, chữa cháy Hà Nội để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cũng trong buổi sáng 17/3, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã có nhiều ý kiến, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và giải đáp những kiến nghị của Hà Nội.

Đại diện Bộ Xây dựng nhất trí với đề nghị của Hà Nội về cải tạo nhà chung cư cũ. Về quy hoạch chung của Hà Nội, Bộ Xây dựng đã soạn thảo  xong và đang lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và nhân dân.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Bộ đã phối hợp với Hà Nội triển khai các dự án, công trình trọng điểm về giao thông vận tải. Trong đó, Quốc lộ 32 mở rộng dự kiến đến ngày 10/10 năm nay sẽ thông xe. Để chống ùn tắc giao thông, Bộ đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông, mở rộng các bến xe, từng bước chấn chỉnh, quản lý chặt chẽ xe taxi, xe buýt…

Đại diện Bộ Công an cho rằng, nếu dân tự giác chấp hành thì ùn tắc giao thông sẽ giảm. Xe buýt ở Hà Nội nên dùng xe buýt nhỏ để đỡ ách tắc giao thông. Nên khuyến khích xã hội hoá đầu tư công trình giao thông. Đề nghị nâng lệ phí trước bạ để góp phần hạn chế phương tiện giao thông và tăng thu cho ngân sách. Bộ Công an cũng nhất trí đề thành lập Sở Phòng cháy chữa cháy Hà Nội.

Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thay mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho rằng: Các dự án lớn của Hà Nội liên quan đến đất quốc phòng và các vấn đề về quốc phòng đều đã được Bộ Quốc phòng phối hợp với thành phố giải quyết. Bộ Quốc phòng luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Hà Nội triển khai các dự án, nhưng cần phải giữ vững nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế.

Về tổ chức diễu binh, diễu hành vào ngày 10/10, Bộ Quốc phòng đề nghị sớm có kịch bản để Bộ Quốc phòng huy động lực lượng tham gia luyện tập. Chiều 17/3, đại diện các Bộ, ngành tiếp tục phát biểu ý kiến và Thủ tướng Chính phủ sẽ kết luận buổi làm việc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên