“Hàng trăm điểm mới trong Luật Đất đai sửa đổi"
VOV.VN - Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua nếu tính chi li có hàng trăm điểm mới, song có thể khu trú lại 5 nhóm vấn đề mới so với luật hiện hành.
Sau 4 kỳ họp cho ý kiến, sáng nay 18/1, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 (trừ một số điều khoản cụ thể).
Luật Đất đai được đánh giá là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án luật rất khó và phức tạp. Do đó, Quốc hội đã xem xét thông qua với quy trình cẩn trọng, kỹ lưỡng.
Tại cuộc họp báo về kết quả kỳ họp diễn ra ngay trong sáng cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên rằng ước tính sẽ phải ban hành bao nhiêu nghị định để bảo đảm triển khai đồng bộ luật trên thực tiễn, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, thống kê sơ bộ có khoảng 65 điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết và Chính phủ phải ban hành nghị định hướng dẫn.
Khi trình dự án Luật Đất đai sửa đổi, Chính phủ đã trình kèm theo dự thảo nghị định, tuy nhiên, theo đây mới là số dự kiến vì thực tế số nghị định được ban hành có thể tăng thêm hoặc giảm đi khi Chính phủ dùng 1 nghị định hướng dẫn nhiều nội dung. Điều quan trọng là nội dung nghị định.
“Chúng tôi cũng mong Chính phủ ngay sau đây sớm có kế hoạch cụ thể triển khai thi hành Luật Đất đai sửa đổi, nên xác định chính xác số nghị định pảhi ban hành, cơ quan nào chủ trì, tham mưu soạn thảo” – đại biểu Phan Đức Hiếu nói.
Trước câu hỏi luật lần này có bao nhiêu điểm mới, mang tính đột phá để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trên thực tế, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế nói: “Nếu liệt kê chi li thì hàng trăm điểm mới”.
Là người tham gia nghiên cứu cùng cơ quan thẩm tra dự án luật, ông Phan Đức Hiếu nêu 5 nhóm nội dung vấn đề mới.
Thứ nhất, đó là các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Biểu hiện rõ nhất qua việc mở rộng quyền sử dụng đất, tiếp cận đất đai của công dân Việt Nam, chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai là liên quan đến tiếp cận đất đai của người dân và DN, có nhiều quy định mới, như thiết kế quy định về thu hồi đất phục vụ cho hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ sản xuất kinh doanh, thiết kế mới, thể chế hoá đầy đủ Điều 54 của Hiến pháp là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật sự cần thiết; mở rộng cơ chế thoả thuận, mở rộng quỹ đất (như cho dự án có hoạt động lấn biển), quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng nhà ở xã hội...
Thứ ba, nhiều quy định nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Như đất sử dụng kết hợp đa mục đích, thu hẹp trường hợp phải xin phép về mục đích sử dụng đất, nhận chuyển đổi đất nông nghiệp để tăng cơ hội tích tụ sản xuất quy mô lớn; nhận chuyển nhượng đất trồng lúa...
Thứ tư là nội dung liên quan tài chính đất đai tách bạch rõ ràng và có một số chính sách ổn định tiền thuê đất.
Thứ năm là quy định nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước. Điểm đáng chú ý là cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.
Bên cạnh đó, theo ông Phan Đức Hiếu, quan trọng nhất là nâng cao về thông tin dữ liệu đất đai để mọi người dân tiếp cận dễ dàng phục vụ đời sống, sản xuất kinh doanh. Có cơ chế tạo thuận lợi hơn cho người dân giám sát việc thực thi liên quan đất đai.
Vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng chia sẻ, cơ quan chủ trì thẩm tra, tiếp thu, giải trình phải đối diện 3 thách thức trong quá trình hoàn thiện Luật Đất đai. Trước hết là yêu cầu của Quốc hội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cử tri là rất cao; yêu cầu, đòi hỏi tiếp thu, giải trình các ý kiến phải kỹ lưỡng tất cả ý kiến nhưng thời gian vật lý lại không nhiều.
“Một dự án luật 50 điều khoản có thể không phải là vấn đề, nhưng với một đạo luật tới 260 điều như Luật Đất đai, đôi khi nghiên cứu 1 ý kiến đại biểu đã phải mất nửa buổi, chưa kể thiết kế, chỉnh lý phương án. Để “hoá giải 3 thách thức trên, không có cách nào khác là Ủy ban Kinh tế phải tăng cường nhân sự làm liên tục, quyết tâm nỗ lực cao hơn để đáp ứng kỳ vọng của cử tri” – ông Phan Đức Hiếu chia sẻ.
Ông cũng phân tích, quan hệ đất đai có tính chất rất đặc biệt, luôn tồn tại lợi ích 3 bên: Nhà nước, người sử dụng đất và người muốn tiếp cận đất đai. Đôi khi lợi ích giữa các bên cũng không đồng nhất: DN mong muốn giá hợp lý, người có đất mong giá cao. Do đó phải giải quyết câu chuyện cân bằng lợi ích các bên và rất khó làm cho tất cả các bên hài lòng ở mức cao nhất.