Hậu Giang cần vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại

VOV.VN - Làm việc với Ban Thường vụ tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tận dụng hiệu quả mọi tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ.

Sáng nay 17/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với Ban Thường vụ tỉnh Hậu Giang về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, Quý I/2022 và phương hướng năm 2022 và thời gian tới.

Dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương liên quan. 

Hậu Giang có vị trí quan trọng, trung tâm châu thổ sông Cửu Long, nằm kề thành phố Cần Thơ, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa vùng Tây Nam Bộ; có hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài khoảng 2.300 km với mật độ lớn.

Hệ thống giao thông Hậu Giang thuận tiện, với năm trục giao thông huyết mạch và gần sân bay Cần Thơ với tổng chiều dài khoảng 400 km. Là một trong những trung tâm lúa gạo của vùng Tây Nam Bộ; có nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, khắc phục mọi khó khăn, năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế và đạt được những kết quả tích cực.

GRDP năm 2021 tăng 3,08% đứng thứ 2 trong các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long. Đa số các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; cơ cấu kinh tế và nguồn thu ngân sách chuyển dịch đúng hướng, hình thành các động lực tăng trưởng mới thúc đẩy KTXH phát triển nhanh và bền vững.

6 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng 11% cao nhất từ trước đến nay; cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 8 trong cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 58,4 triệu đồng, tăng 19%. Công nghiệp tăng trưởng đột phá 30,8%. Nông nghiệp tăng trưởng 4,49%, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 68,8%. Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được triển khai tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Bên cạnh đó cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế như cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm. Tỷ trọng công nghiệp của Tỉnh thấp (chiếm 29,9% GDP). Tiềm năng phát triển công nghiệp vẫn chưa được khai thác tốt, chưa có ngành công nghiệp chủ lực, chủ yếu là sản xuất thực phẩm và đồ uống; cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn trong giai đoạn đầu tư, chưa hoàn thiện…

 Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cũng gửi kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép Tỉnh giữ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng với diện tích là 1.482ha là rừng đặc dụng và cho phép Tỉnh được chuyển 1.280ha còn lại thành đất rừng sản xuất để kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng khu du lịch mang tầm quốc gia; Cho phép Hậu Giang phát hành trái phiếu địa phương; Kiến nghị phân bổ tăng thêm diện tích đất công nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 -2025…

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả mà Đảng bộ Chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đã đạt được trong thời gian vừa qua. Thời gian tới Thủ tướng đề nghị, quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh XIV; Nghị quyết số 13 về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long; Nghị quyết số 120 về phát triển KTXH vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; trong quá trình thực hiện, phải luôn bám sát đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó phải thực hiện nghiêm 05 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.

“Phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể; tận dụng hiệu quả mọi tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ.

Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao, đồng thời khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế, yếu kém.

Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phấn đấu đạt kết quả cao nhất, thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025.

Xác định truyền thống văn hóa lịch sử là sung lực là động lực, nguồn lực để phát triển; bên cạnh đó tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp. 

Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và Đảng viên, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, thích ứng an toàn linh hoạt hiệu quả với biến đổi khí hậu'”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, thần tốc hơn nữa việc tiêm vaccine. Bảo đảm nhân lực và trang thiết bị, vật tư y tế, phục vụ tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Về công tác quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu, khẩn trương hoàn thành, làm tốt công tác quy hoạch; tích cực giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tích cực tăng thu, tiết kiệm chi; đẩy mạnh triển khai giao thông thủy, phát triển cảng nội địa, đồng thời phát huy tối đa truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng và lợi thế sông nước.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý, Hậu Giang cần tập trung triển khai và sớm thành lập Ban Chỉ đạo việc xây dựng 100km đường cao tốc đi qua địa bàn, góp phần tháo gỡ nút thắt hiện nay về kết cấu hạ tầng và tập trung cho đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi yếu tố con người là quan trọng nhất.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Tập trung triển khai xây dựng 100km đường cao tốc, các đồng chí đã đang và giải phóng mặt bằng tốt rồi, phải vận động nhân dân tham gia vào cuộc quy hoạch các vùng nguyên liệu, tránh việc quy hoạch vùng nguyên liệu được giao cho tư nhân tư nhân lại bán cho nhà đầu tư bán cho nhà thầu. Tôi đề nghị phải chuẩn bị kỹ, thành lập Ban chỉ đạo để làm 100 km đường cao tốc, tôi tin chắc  với năng lực của các đồng chí làm được và đồng thời là tiết kiệm, giảm tối đa việc đầu tư dàn trải, đầu tư manh mún.”

Về đề xuất của tỉnh Hậu Giang xin chuyển đổi một phần diện tích khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng sang rừng sản xuất, Thủ tướng nhấn mạnh: “Đây là tài sản quý hiếm không những của Hậu Giang mà còn cả ĐBSCL, không chỉ có giá trị về mặt sinh thái, thiên nhiên mà còn gắn với lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng, trong chiến tranh “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Do đó, cần phải nâng niu, giữ gìn, có thái độ ứng xử phù hợp, bảo vệ, phát huy một cách khoa học, hiệu quả nhất, bảo vệ môi trường, sinh thái một cách nghiêm ngặt nhất. Nếu chưa làm được gì tốt hơn thì cũng đừng làm gì ảnh hưởng xấu tới lá phổi xanh này. Vì vậy Thủ tướng không những không đồng ý với đề xuất của tỉnh mà còn yêu cầu tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đầu tư để bảo tồn và phát huy tối đa giá trị của tài sản rất quý hiếm này"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng dự lễ khánh thành nhà máy nhiệt điện 2 tỷ USD
Thủ tướng dự lễ khánh thành nhà máy nhiệt điện 2 tỷ USD

VOV.VN - Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ USD), khởi công tháng 5/2015, được công nhận và đưa vào vận hành thương mại từ ngày 6/5/2022.

Thủ tướng dự lễ khánh thành nhà máy nhiệt điện 2 tỷ USD

Thủ tướng dự lễ khánh thành nhà máy nhiệt điện 2 tỷ USD

VOV.VN - Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ USD), khởi công tháng 5/2015, được công nhận và đưa vào vận hành thương mại từ ngày 6/5/2022.

Thủ tướng: Các nhà đầu tư phải có tình cảm, lòng tin với mảnh đất mình đến
Thủ tướng: Các nhà đầu tư phải có tình cảm, lòng tin với mảnh đất mình đến

VOV.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này khi dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 với chủ đề: “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, sáng 16/7.

Thủ tướng: Các nhà đầu tư phải có tình cảm, lòng tin với mảnh đất mình đến

Thủ tướng: Các nhà đầu tư phải có tình cảm, lòng tin với mảnh đất mình đến

VOV.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này khi dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 với chủ đề: “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, sáng 16/7.

Thủ tướng dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Hậu Giang
Thủ tướng dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Hậu Giang

VOV.VN - Sáng 16/7, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), tại tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Hậu Giang.

Thủ tướng dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Hậu Giang

Thủ tướng dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Hậu Giang

VOV.VN - Sáng 16/7, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), tại tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Hậu Giang.