Hội đồng Bầu cử Quốc gia họp phiên họp thứ nhất
VOV.VN - Ngày 12/12, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã họp Phiên thứ nhất tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Sáng 12/12, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã họp Phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia. Dự phiên họp còn có các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân;Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, sự ủy thác của Quốc hội và nhân dân, nhiệm vụ đặt ra cho Hội đồng bầu cử Quốc gia là hết sức nặng nề và chỉ kết thúc sau khi công bố danh sách đại biểu trúng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND vào tháng 7/2016.
Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đợt bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2020 có nhiều điểm mới; vai trò, vị trí của Hội đồng bầu cử Quốc gia nặng nề và hơn Hội đồng bầu cửTrung ương trước đây. Luật Bầu cử đại biểu QH, Hội đồng nhân dân được QHthông qua đã quy định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của Hội đồng bầu cử Quốc gia trong việc chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử Quốc hội, bầu cử HĐND các cấp có liên quan chặt chẽ với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, công táccủa bộ máy các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương.
Lưu ý các thành viên Hội đồng ý thức về vai trò, nhiệm vụ để chỉ đạo bầu cử thành công cuộc bầu cử. Từ nay đến trước Tết Nguyên đán có rất nhiều công việc cần Hội đồng triển khai, trong đó có việc chuẩn bị tốt Hội nghị bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND vào tháng 1/2016 sắp tới. Hội nghị này sẽ chính thức công bố ngày bầu cử.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội quan tâm, xác định rõ vai trò, vị trí trong hoạt động bầu cử để thực hiện tốt.
Theo dự kiến chương trình, tại phiên họp này sẽ ra mắt Hội đồng Bầu cử quốc gia và xem xét, cho ý kiến vào một số văn bản liên quan đến hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Cụ thể, sẽ xem xét và cho ý kiến Tờ trình về việc phân công các thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia và thành lập các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia; Dự kiến phân công các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia; Dự thảo chương trình các phiên họp của Hội đồng Bầu cử quốc gia; Tờ trình và dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng bầu cử quốc gia; Tờ trình về thành lập Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia.
Về việc thành lập các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia
Theo Tờ trình của Ban Công tác đại biểu, căn cứ vào khoản 3 Điều 12 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Kết luận số 215-TB/TW ngày 12/10/2015 của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; Tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, Hội đồng bầu cử quốc gia thành lập 03 Tiểu ban giúp việc, gồm: Tiểu ban nhân sự và thông tin, tuyên truyền; Tiểu ban văn bản pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Về Quy chế làm việc của Hội đồng bầu cử quốc gia
Theo Tờ trình của Ban công tác đại biểu, nội dung của Quy chế làm việc của Hội đồng Bầu cử quốc gia gồm các nội dung cơ bản: Nguyên tắc hoạt động là chế độ tập thể, quyết định theo đa số, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; Quy định hình thức và chế độ làm việc của Hội đồng bầu cử quốc gia: phiên họp thường lệ hàng tháng, các cuộc họp và việc xin ý kiến bằng văn bản; Quy định nguyên tắc biểu quyết, xử lý công việc khi Hội đồng bầu cử quốc gia không họp; Chế độ báo cáo của Hội đồng bầu cử quốc gia; Vai trò chỉ đạo, điều hòa hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia với 3 Tiểu ban; Các điều kiện đảm bảo hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Về Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia
Để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết quy định về bộ máy giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia. Theo đó, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia là bộ máy giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia, do Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định thành lập, có chức năng giúp Hội đồng bầu cử quốc gia trong việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia có Chánh văn phòng, các Phó Chánh văn phòng do Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia bổ nhiệm và các Tổ giúp việc.
Tại phiên họp này, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ phát biểu kết luận và Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ thống nhất về Bản phân công nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia; về việc thành lập các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia, về cơ cấu và một số nhân sự của các Tiểu ban; về Chương trình các Phiên họp của Hội đồng bầu cử quốc gia; thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng bầu cử quốc gia; quyết định thành lập Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia./.