Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị
VOV.VN - Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 48, tình hình tội phạm đã được kiềm chế nhưng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp về phương thức, thủ đoạn...
Chiều 6/1 tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới và tổng kết công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban chỉ đạo 138).
Tham dự hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 138, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 63 điểm cầu trong cả nước.
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Thảo luận tại Hội nghị, nhiều đại biểu nhận định: Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị, tình trạng tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đã được kiềm chế nhưng còn nhiều diễn biến phức tạp về phương thức, thủ đoạn, tính chất và thành phần đối tượng. Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội gia tăng, có nhiều vụ giết người dã man, tàn bạo, gây bức xúc trong dư luận.
Đặc biệt, tội phạm có tổ chức diễn biến phức tạp, không chỉ phạm tội trong các lĩnh vực hình sự đơn thuần mà còn cấu kết, đan xen với kinh tế, ma tuý, buôn lậu và sử dụng vũ khí nóng, nhiều băng nhóm tội phạm hình sự đội lốt doanh nghiệp để hoạt động.
Do đó các đại biểu kiến nghị các lực lượng chức năng cần chủ động trong công tác nắm tình hình, nhất là hoạt động của tội phạm, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm.
Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng: “Tiếp tục xác định công tác phòng chống tội phạm là nhiệm vụ thường xuyên liên tục, có tính cấp bách lâu dài đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện của cấp uỷ Đảng, với phương châm Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý điều hành, công an là nòng cốt tham mưu, trực tiếp cùng các Ban, ngành mặt trận đoàn thể đoàn thể nhân dân tham gia thực hiện lấy phòng ngừa là cơ bản và đổi mới cơ chế nhà nước về an ninh trật tự góp phần phòng chống tội phạm, xây dựng nhà nước pháp quyền trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Lê Hồng Anh đề nghị các bộ, ngành địa phương, tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, phấn đấu nâng tỉ lệ phá án hình sự năm sau cao hơn năm trước. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền tiếp tục chỉ đạo có hiệu quả Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị, xác định công tác phòng chống tội phạm thường xuyên lâu dài, đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình mới. Trong đó, người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh trật tự tại địa phương, thường xuyên chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát, phòng chống tội phạm; Kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc phát sinh ngay từ cơ sở.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận Hội nghị |
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Qua 5 năm thực hiện, Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị đã đi vào cuộc sống, phát huy sức mạnh tổng hợp, được triển khai có hiệu quả ở các cấp, các ngành địa phương, công tác điều tra, trấn áp tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực.
Phân tích tình hình tội phạm sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương cần kết hợp việc phòng ngừa với việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm kiềm chế các loại tội phạm ở những địa bàn trọng điểm.
"Nâng cao một bước căn bản năng lực hoạt động của lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước nhân dân giao phó. Cụ thể hoá Kết luận của Thường trực Ban Bí thư bằng Chỉ thị, Nghị quyết kế hoạch chương trình để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 48 từ nay đến năm 2020 đặc biệt trong năm 2016 năm nước ta có nhiều sự kiện chính trị trọng đại", Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Trước đó, báo cáo của Ban Chỉ đạo 138 cho biết, trong năm 2015, các lực lượng đã điều tra, khám phá gần 44.000 vụ phạm pháp hình sự, bắt giữ, xử lý trên 83.000 đối tượng, triệt phá gần 2.500 băng, nhóm tội phạm, truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại hơn 6.700 đối tượng truy nã; phát hiện gần 16.000 vụ phạm tội về kinh tế; triệt phá gần 17.000 vụ, hơn 26.000 đối tượng phạm tội về ma tuý./.