Họp HĐND tỉnh Điện Biên: Chất vấn vì sao 40 dự án chậm tiến độ?
VOV.VN - Các dự án chậm tiến độ trong giai đoạn 2016 – 2020 đều liên quan đến vấn đề mặt bằng và chuyển đổi đất rừng.
Ngày 10/7, tại kỳ họp thứ 10, Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên khoá XIV, nhiệm kỳ 2016 – 2021, phiên chất vấn, trả lời chất vấn đã diễn ra với nhiều nội dung quan trọng, được dư luận quan tâm như: Hàng chục dự án lớn của tỉnh còn chậm tiến độ; tranh chấp trong giao đất nông nghiệp cho người dân vùng tái định cư; bất cập trong chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; vì sao 208 hộ bị loại ra khỏi đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công…
40 dự án chậm tiến độ vì sao?
Đại biểu Lưu Trọng Lư, tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ thông tin: Qua giám sát, toàn tỉnh còn 40 dự án chậm tiến độ, 384 dự án chưa được thẩm tra, phê duyệt quyết toán. Trong đó có 211 dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp huyện, thị xã, thành phố. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân gắn với nghĩa vụ nộp thuế nhà nước đối với các công trình thuộc nguồn vốn ngân sách của nhà nước còn chậm, gây thiệt hại đối với ngân sách nhà nước, giảm nguồn thu cho tỉnh. Đại biểu Lưu Trọng Lư đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước trong triển khai các dự án có nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, đầu tư công và các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời về việc 40 dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh Điện Biên. |
Trả lời về nội dung này, ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và ông Hà Quang Trung, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh là 2 ngành liên quan trực tiếp cho rằng: trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về các chủ đầu tư. Các dự án chậm tiến độ trong giai đoạn 2016 – 2020 đều liên quan đến vấn đề mặt bằng và chuyển đổi đất rừng, do đó chậm hơn so với kế hoạch đề ra, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh, gây khó khăn cho doanh nghiệp, tổng đầu tư trên địa bàn giảm, hiệu quả đầu tư không như mong muốn, các nguồn vốn không tiêu được phải nộp lại ngân sách trung ương.
Về hướng giải quyết, lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính Điện Biên cho biết: Trong thời gian tới, những dự án chậm tiến độ không giải phóng được mặt bằng, liên quan đến đất rừng và những dự án không hiệu quả sẽ được các sở cân đối điều chỉnh để đầu tư các dự án khác.
Giải quyết dứt điểm việc giao đất nông nghiệp cho nhân dân ở khu vực tái định cưĐại biểu Vừ Thị Liên, tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Tủa Chùa nêu vấn đề cử tri của bản Nậm Chim, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ kiến nghị về việc giải quyết dứt điểm việc giao đất nông nghiệp cho nhân dân ở khu vực tái định cư mẫu Nậm Chim đối với các hộ chưa giao đủ theo hạn mức là 2ha?
Về nội dung này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên Nguyễn Phi Sông cho biết: Đây là dự án tái định cư được thực hiện từ năm 2002, đến năm 2014 mới quyết toán được trên 97/100 tỷ đồng. Vướng mắc hiện nay của dự án này là có sự tranh chấp đất giữa 59 hộ ở nơi đến và các hộ ở hiện tại. Năm 2002, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao đủ số lượng đất theo hạn mức 2ha, tuy nhiên các hộ dân tái định cư không nhận do đó khi các hộ dân sở tại sử dụng phần đất này canh tác có thu hoạch đã bị đòi lại gây mâu thuẫn.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập tổ công tác vào huyện Nậm Pồ phối hợp với các sở, ban, ngành để thống nhất giải quyết các tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, giao đất cho các hộ dân tại khu tái định cư mẫu Nậm Chim, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ.
Một góc khu tái định cư mẫu Nậm Chim, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ. |
Vì sao 208 hộ bị loại ra khỏi đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công?
Đại biểu Nhữ Văn Quảng, tổ đại biểu hội đồng nhân dân huyện Nậm Pồ đặt câu hỏi: Tại sao sau khi rà soát chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật cho người có công đã có 208/1.773 hộ bị loại ra khỏi đề án? Nguồn vốn tiếp tục hỗ trợ cho 497 hộ phát sinh?
Ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên cho biết: 208 hộ bị loại ra khỏi đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công trên địa bàn là do sau khi kiểm tra, rà soát báo cáo ở các địa phương xác định nhiều trường hợp không đúng đối tượng, không đúng quy định, trong đó có những hộ đã được hỗ trợ nhà ở theo nguồn vốn khác. Các đối tượng đã chết sau khi đề án phê duyệt không được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định chủ yếu là 2 trường hợp: thuộc diện hỗ trợ có tên trong đề án người có công là vợ hoặc chồng nhưng đều đã chết, con cái ở nhà cũ không thuộc đối tượng quy định này mà phải hưởng theo quy định khác; đối tượng có vợ hoặc chồng đã chết đương nhiên được hưởng và đang được kiểm tra xử lý./.