Hợp tác giáo dục Việt-Mỹ: Con đường hướng tới tương lai thịnh vượng
VOV.VN - Giáo dục được coi là nền tảng vun đắp sự phát triển cho những “mầm non tương lai” và hợp tác Việt-Mỹ là tác nhân quan trọng thúc đẩy quá trình này.
Sự quan tâm tăng cường hợp tác giáo dục Việt-Mỹ được thể hiện rõ nét trong nhiều năm qua và trở thành một trong những trụ cột trong mối quan hệ song phương được các nhà lãnh đạo 2 nước hết sức coi trọng.
Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giáo dục Việt-Mỹ tại Hội thảo do Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức năm 2013. |
Hợp tác sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ
Nền tảng cho việc hợp tác giáo dục Việt-Mỹ được đánh dấu bằng việc Chính phủ Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ thiết thực của Chính phủ Mỹ để thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Anh trong các trường đại học tại Việt Nam. Rất nhiều trường đại học tại Việt Nam đã yêu cầu Mỹ hỗ trợ việc này và Mỹ cũng đặt ưu tiên đào tạo tiếng Anh cho nhiều giảng viên của Việt Nam hơn nữa.
Ngoài ra, Chính phủ hai nước cũng rất quan tâm đến việc trao đổi hợp tác giữa các trường Đại học của Mỹ và Việt Nam. Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho biết, các trường Đại học ở Việt Nam sẽ phải tự đặt ra các mục tiêu hợp tác của mình và sẽ nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ hai nước cho các dự án hợp tác không chỉ kéo dài 1-2 năm mà có thể là trong hàng thập kỷ.
Đại sứ Mỹ nhấn mạnh: “Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được ngay khi việc trao đổi sinh viên và giáo viên cũng như các ý tưởng về giáo dục giữa các trường đại học của Việt Nam và Mỹ được tiến hành thường xuyên”.
Hãy là chính mình để có thể thành công
Trong giáo dục cũng như hầu hết các lĩnh vực khác, nhân tố con người luôn đóng vai trò trung tâm và quyết định sự thành công của việc hợp tác. Hiểu rõ điều này, Chính phủ Mỹ cũng như Việt Nam rất chú trọng đầu tư vào việc phát triển con người thông qua giáo dục cũng như khuyến khích các bạn học sinh, sinh viên theo đuổi con đường học thuật để phát triển một cách toàn diện nhất.
Chia sẻ với các sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội- một trong những trung tâm đào tạo hàng đầu của Việt Nam- trong chuyến thăm và gặp gỡ các sinh viên tại trường, Đại sứ Osius đã kêu gọi các bạn sinh viên cần phải luôn là chính mình để có thể theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học đầy chông gai và rất nhiều thách thức.
Đại sứ Mỹ nhấn mạnh: “Nếu bạn có đam mê về khoa học hãy theo đuổi đến cùng đam mê của mình. Nếu khoa học công nghệ là mối quan tâm hàng đầu của bạn hãy theo đuổi đến cùng đam mê đó”.
“Mỗi người trong số các bạn đều có những sở trường, những đam mê khác nhau, chính vì thế, tôi muốn khuyên các bạn rằng hãy luôn là chính mình, hãy làm những điều mà bạn cảm thấy thú vị và quan tâm nhất và nó sẽ đem lại điều khác biệt cho cuộc sống của bạn và những người xung quanh”, ông Osius nói.
Đại sứ Mỹ cũng ca ngợi sinh viên Việt Nam là “những con người trẻ tuổi, đầy hoài bão và có rất nhiều ý tưởng tuyệt vời”. Ông cũng kêu gọi các bạn trẻ cần tìm cách tiếp cận và trao đổi ý tưởng của mình với người dân trên toàn thế giới.
Đại sứ Mỹ Ted Osius tham gia lễ trồng cây tại khuôn viên Đại học Quốc gia hôm 6/3. |
Đại học Fulbright- hình mẫu lý tưởng trong hợp tác giáo dục Việt-Mỹ
Không chỉ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc ưu tiên đầu tư cho giáo dục và phát triển con người, Chính phủ Mỹ còn thể hiện rõ cam kết tăng cường thúc đẩy hợp tác giáo dục Việt-Mỹ bằng việc xây dựng trường Đại học Fulbright ở Việt Nam với tham vọng biến ngôi trường này thành trung tâm giáo dục không chỉ hàng đầu của Việt Nam mà còn ở trong khu vực và trên thế giới.
Dự án Đại học Fulbright đã được Quốc hội Mỹ tích cực ủng hộ với tổng số tiền lên đến gần 20 triệu USD. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp của Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam cũng rất quan tâm đến dự án này và cam kết sẽ đầu tư vào Đại học Fulbright.
Trước mắt, trường đại học Fulbright sẽ liên hệ chặt chẽ với trường Đại học Quốc gia và Đại học Cần Thơ và tiến tới hợp tác với những trường Đại học hàng đầu khác của Việt Nam.
Theo Đại sứ Osius, việc trường Đại học Fulbright được xây dựng ở Việt Nam sẽ giúp sinh viên Việt Nam được hưởng nền giáo dục tiên tiến mà không phải tốn quá nhiều tiền du học ở Mỹ.
Ngoài ra, việc mở trường Đại học Fulbright sẽ giúp mở rộng mạng lưới các cựu du học sinh Việt Nam tại Mỹ và những du học sinh này có thể chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của họ trong việc làm thế nào để có thể được học tại một trường Đại học của Mỹ.
Đại sứ Mỹ khẳng định, điều này sẽ là nền tảng để Mỹ và Việt Nam duy trì mối quan hệ hợp tác giáo dục trong 20, 30 và thậm chí 60 năm tới.
Như vậy, không chỉ quan tâm đầu tư cho giáo dục tại Việt Nam cũng như chú trọng đến việc phát triển nhân tố con người, Mỹ còn đem đến cho Việt Nam một hình mẫu cụ thể đem lại nhiều lợi ích cho sinh viên Việt Nam, những người được kỳ vọng sẽ đem lại một tương lai tươi sáng và tiếp tục duy trì mối quan hệ Việt-Mỹ theo hướng ngày càng tốt đẹp trong nhiều năm tiếp theo./.
>> Bài 1: 20 năm quan hệ Việt-Mỹ: Những đột phá về chính trị, kinh tế, giáo dục
>> Bài 2: Quan hệ Việt-Mỹ: 20 năm thành công hơn nữa
>> Bài 3: Hoàn tất đàm phán TPP: Bước ngoặt lớn về kinh tế cho Mỹ và Việt Nam