Hungary cam kết giúp Việt Nam phát triển năng lượng hạt nhân
VOV.VN - Chi phí đào tạo về năng lượng hạt nhân tại Hungary là cạnh tranh nhất so với các cơ sở đào tạo khác trên thế giới.
Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Hungary, kiêm nhiệm Cộng hòa Croatia, Cộng hòa Albania và Cộng hòa Bosnia Herzegovina Ngô Duy Ngọ đã cho biết như trên trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên VOV nhân dịp 64 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hungary (1950-2014) và nhân dịp ngày quốc khánh Hungary 20/8.
Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:
PV: Thưa Đại sứ, năm 2013 trong chuyến thăm Hungary của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai nước đã có ký kết Hiệp định giữa hai Chính phủ về việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân phục vụ hòa bình. Đại sứ có đánh giá như thế nào về những ưu điểm và thế mạnh của Hungary trong việc đào tạo nhân lực năng lượng hạt nhân?
Đại sứ Ngô Duy Ngọ: Có lẽ rất ít người biết được nhưng điểm mạnh của Hungary trong lĩnh vực đào tào nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Năm 1982 với sự giúp đỡ của Liên Xô, Hungary đã xây dựng nhà máy điện hạt nhân với 4 tổ máy công suất 2000 MW cung cấp hơn 50% sản lượng điện của cả nước.
Do việc vận hành an toàn, năm 2013 Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã cho phép nhà máy được kéo dài thời hạn vận hành thêm 20 năm (2032-2037). Thời hạn kéo dài 20 năm là do tổ máy đầu tiên bắt đầu hoạt động 1982, và tổ máy cuối cùng bắt đầu hoạt động năm 1987.
Ưu điểm và thế mạnh của lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vưc năng lượng hạt nhân của Hungary trước hết là sự kết hợp trực tiếp giữa lý thuyết và thực hành; giữa các trường Đại học kỹ thuật với Nhà máy điện hạt nhân Paks.
Trong quá trình làm việc với lãnh đạo Nhà máy Điện hạt nhân Paks, được biết một cán bộ sau khi tốt nghiệp Đại học về lĩnh vực năng lượng hạt nhân cần phải được thực hành dưới sự hướng dẫn, giám sát và kèm cặp của chuyên gia (1 kèm 1) trong nhà máy ít nhất là 5 năm, mỗi năm sát hạch hai lần, nếu đạt yêu cầu mới được phép làm việc độc lập trong nhà máy.
Như vậy để có thế làm việc trong nhà máy, một cán bộ cần ít nhất là 10 năm học tập và đào tạo thực tế. Hungary cam kết đào tạo cho ta tất cả các lĩnh vực liên quan đến vận hành nhà máy điện hạt nhân, nhận hướng dẫn cán bộ của ta tại Nhà máy, đồng thời sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm tích lũy được trong hơn 30 năm để chúng ta sớm thoát khỏi sự phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài. Thực tế cho thấy không một nhà cung cấp thiết bị, công nghệ hạt nhân nào trên thế giới sẵn sàng cam kết giúp đỡ như vậy.
Hiện nay trên các phương tiên thông tin đại chúng, một số nhà khoa học của ta cho rằng để tiết kiệm tiền, nên học lý thuyết ở trong nước, quan điểm này xem ra có vẻ hợp lý, nhưng học lý thuyết trên cơ sở các thiết bị thật, trực quan sẽ hiệu quả hơn nhiều so với “học và dạy chay” như hiện nay ở nước ta, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Theo tôi, tiết kiệm ngân sách là cần thiết, nhưng chất lượng đào tạo nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân phải là yêu cầu số một, mặt khác chi phí đào tạo tại Hungary là cạnh tranh nhất so với các cơ sở đào tạo khác trên thế giới, hơn nữa chương trình giảng dạy và học tập tại Hungary bằng tiếng Anh, không phải bằng tiếng Việt Nam, đó cũng là lợi thế cho các học viên của ta.
PV: Quá trình hợp tác về năng lượng hạt nhân giữa hai nước đã diễn ra như thế nào?
Đại sứ Ngô Duy Ngọ: Sau khi thăm quan khảo sát hoạt động đào tạo nhân lực tại Nhà máy điện hạt nhân Paks, do IAEA tổ chức năm 2011, các chuyên gia của Tổ chức này cho biết Trung tâm đào tạo của Nhà máy là một cơ sở đào tạo rất tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn của và yêu cầu của IAEA, gắn với thực tế vận hành Nhà máy điện.
Do vậy tôi đã kiến nghị Ban Điều hành Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực Năng lượng nguyên tử”, Bộ Giáo dục và Đào tạo, sang làm việc trực tiếp với Cơ quan chức năng Hungary về kế hoạch hợp tác giữa hai bên. Cho đến nay Đại sứ quán tiếp tục hỗ trợ Ban Điều hành với các đối tác Hungary thực hiện chương trình hợp tác trong lĩnh vực này.
PV: Trong những năm qua, các đoàn học viên Việt Nam đã được sang Hungary tập huấn trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Ông đánh giá như thế nào về kết quả trong lĩnh vực đào tạo này?
Đại sứ Ngô Duy Ngọ: Thực tế, các học viên đã được kiểm tra trước và sau khi kết thúc từng môn học, cả về lý thuyết và thực hành. Kết quả cho thấy những tiến bộ hết sức lạc quan. Điểm sát hạch trước khi vào học của nhiều học viên rất thấp, có môn chỉ đạt 20% điểm tối đa nhưng kết quả sau khi học đã đạt 70% -80% không ít học viên đạt trên 90%.
Đây là những nhận xét đánh giá khách quan của các học viên. Nhân cơ hội này, tôi cũng muốn cung cấp cho bạn đọc một số thông tin về hệ thống giáo dục của Hungary. Hiện nay Hungary đang thực hiện Chương trình học tập, kiểm tra, đánh giá, thống nhất tiêu chuẩn hoá theo Thoả thuận Bologna, do vậy bằng cấp, chứng chỉ của hệ thống giáo dục Hungary được thế giới công nhận. Hungary là một trong rất ít quốc gia có giải thưởng Nobel trên số dân cao nhất trên thế giới, 14 giải Nobel trong tổng số gần 10 triệu dân.
PV: Xin Đại sứ cho biết những tiềm năng trong tương lai trong việc hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đào tạo nhân lực năng lượng hạt nhân?
Đại sứ Ngô Duy Ngọ: Tiềm năng còn rất lớn chúng ta có thể khai thác, ví dụ phía Hungary sẵn sàng hỗ trợ ta về chuyên gia có kinh nghiệm trong việc thẩm định, đánh giá dự án nhà máy điện hạt nhân với tư cách là người sử dụng, vận hành mà không phải là nhà cung cấp trang thiết bị và công nghệ, do vậy sẽ khách quan hơn.
Hiện nay Hungary đang xúc tiến mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks, xây dựng thêm 2 tổ máy mới với vốn công nghệ của Nga, do vậy ta có thể tranh thủ kinh nghiệm của bạn.
Như trên tôi đã đề cập, Hungary không phải là nước cung cấp trang thiết bị, công nghệ do vậy bạn cam kết đào tạo tất cả các lĩnh vực liên quan đến việc điều hành, quản lý nhà máy điện hạt nhân mà không có ngoại lệ.
Hiện nay theo tôi biết chúng ta còn thiếu nhiều văn bản pháp quy liên quan đến lĩnh vực năng lượng hạt nhân đặc biệt là những quy định, quy tắc, quy phạm điều hành nhà máy điện hạt nhân, các bạn Hungary sẵn sàng giúp đỡ ta về việc soạn thảo những văn bản pháp lý nói trên.
Chất lượng đào tạo trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Hungary được IAEA đánh giá cao, nhiều nước trong đó có các nuớc ASEAN cũng đang xúc tiến chương trình hợp tác đào tạo với Hungary trong lĩnh vực này đây chính là cơ sở để chúng ta tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các năm tiếp theo.
PV: Trong công tác "dân vận đặc biệt" đối với cộng đồng người Việt sinh sống tại Hungary, Đại sứ quán Việt Nam đã có những hoạt động gì để thu hút nguồn lực kiều bào góp phần xây dựng quan hệ đối ngoại cũng như đóng góp xây dựng đất nước?
Đại sứ Ngô Duy Ngọ: Số lượng người Việt Nam tại Hungary không lớn, hơn 4.000 người, có vị trí pháp lý nhất định trong xã hội Hungary, là một cộng đồng tương đối thuần nhất nhất, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong, học tập và kinh doanh.
Cơ quan đại diện phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội người Việt Nam tại đây, thông tin chỉ đạo, tổ chức các hoạt động của các Hội, đoàn nhằm bảo vệ lợi ích của cá nhân cũng như của cả cộng đồng, đồng thời Cơ quan đại diện vận động bà con hướng về Tổ quốc thông qua các hoạt động thiết thực như các phong trào ủng hộ Biển đảo quê hương; ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam; đóng góp xây dựng trường học trên quần đảo Trường Sa; Phong trào vì người nghèo.
Đặc biệt Cộng đồng người Việt Nam đã làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, thông qua các hoạt động từ thiện giúp đỡ những người Hungary gặp khó khăn; duy trì tốt mối quan hệ với chính quyền sở tại nơi bà con sinh sống và kinh doanh./.