Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp
VOV.VN -"Tôi cho rằng công tác phòng chống tham nhũng quan trọng nhất là phải thu hồi tài sản. Phải tìm biện pháp để nâng cao hiệu quả thu hồi".
Sáng 15/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 14 về công tác phòng chống tham nhũng năm 2014.
Tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, kết quả phòng chống tham nhũng thời gian qua đã có tác dụng răn đe nhất định, tuy nhiên tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng và phức tạp tại nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong dư luận xã hội.
Các thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tham nhũng, là việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức; thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế.
Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: “Cơ chế để xác định trách nhiệm đối với mỗi vị trí công tác trong nền công vụ của chúng ta chưa rõ và cần được hoàn thiện làm rõ hơn trách nhiệm từng vị trí công tác của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và các nhân viên. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng không chỉ dựa vào sự tự giác thực hiện của cán bộ công chức, người có chức vụ quyền hạn mà phải có cơ chế kiểm soát hữu hiệu kể cả việc kê khai, chi tiêu của người có chức vụ quyền hạn với giá trị lớn mới phát hiện ra được tham nhũng”.
Một số ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn với hiện tượng những vụ việc tham nhũng khi vừa phát hiện thì đối tượng lại được giám định thần kinh, có chứng nhận rối loạn tâm thần và được tạm miễn truy cứu. Vấn đề này cũng cần được làm rõ xem tính xác thực của bệnh tình để tránh trở thành sơ hở để đối tượng tham nhũng lách luật.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc phòng chống tham nhũng năm nay vẫn chưa có bước chuyển biến, đột phá trong công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng. Bên cạnh đó, công tác phòng chống tham nhũng chưa hiệu quả là do công tác thu hồi tài sản thiệt hại còn đạt kết quả thấp.
Ông Đỗ Văn Đương, ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị: “Năm nào các đồng chí cũng nói là kiến nghị thu hồi chỉ có 10% thôi. Tôi cho rằng công tác phòng chống tham nhũng quan trọng nhất là phải thu hồi tài sản. Phải chăng 90% kia là kiến nghị không đúng, hoặc kiến nghị nhưng để đấy. 90% số tài sản ấy mà lại không được thu hồi, như thế vẫn để cho vi phạm và những hành vi tội phạm còn tồn tại. Cuối cùng tài sản của nhà nước và nhân dân không được thu hồi. Chúng ta phải bàn đến biện pháp như thế nào đó để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản”.
Để công tác phòng chống tham nhũng có hiệu quả hơn trong năm 2015, các ý kiến đề nghị, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, trong đó kiểm soát chặt chẽ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, việc thoái vốn đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, xử lý nợ xấu và hoạt động tín dụng; Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước nhất là các lĩnh vực về quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài sản công, tổ chức cán bộ, thuế, hải quan… tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng cải cách thực chất chế độ tiền lương, thực hiện chính sách tiền lương, đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức; Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng để trao đổi cung cấp thông tin về tham nhũng; Đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm thực thi công vụ; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng. Xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
Theo chương trình, chiều nay Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm việc với đại diện một số bộ, ngành về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật tố tụng hình sự của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra./.