Khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 17 Ủy ban Pháp luật Quốc hội
VOV.VN -Phiên họp diễn ra trong 3 ngày, từ 15 đến 18/9 và sẽ tiến hành thẩm tra nhiều dự án luật.
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 sắp tới của Quốc hội và phiên họp tháng 9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, sáng nay (15/8), tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Pháp luật đã khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 17. Đến dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.
Phiên họp diễn ra trong 3 ngày, từ 15 đến 18/9 và sẽ tiến hành thẩm tra các dự án: Bộ luật Dân sự sửa đổi, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật tổ chức Chính phủ, Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân và báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2014.
Sáng nay, góp ý cho dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), các chuyên gia cho rằng: có một vấn đề lớn chưa được dự thảo Luật quy định cụ thể, đó là các nội dung đăng ký, bảo lãnh, cầm cố, thế chấp, thừa kế và các biện pháp bảo đảm quyền và nghĩa vụ liên quan đến tài sản. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm để cụ thể hóa trong dự thảo.
Về phạm vi, dự án Luật sửa đổi bỏ “Quy định về chuyển quyền sử dụng đất”, “Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ” do có liên quan đến chế định tài sản, quyền sở hữu, vật quyền khác được quy định trong các Phần tương ứng của Bộ luật dân sự (sửa đổi).
Theo các đại biểu, những phần quy định tương ứng chưa được thể hiện rõ, cần phải thể chế mạnh mẽ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân. Đặc biệt, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ là vấn đề lớn trong bối cảnh nước ta chuẩn bị ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu có những tranh chấp liên quan đến lĩnh vực này mà không có quy định, chế tài và xử lý trong Bộ luật Dân sự thì chưa hợp lý.
Được bàn thảo nhiều nhất là các loại pháp nhân được dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định, gồm: pháp nhân thương mại, phi thương mại và pháp nhân công. Nhiều đại biểu băn khoăn: liệu các quy định này đã đủ chưa trong điều kiện giao dịch dân sự hiện nay, đề nghị cần cân nhắc và nghiên cứu kỹ để đáp ứng tình hình thực tiễn.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu ý kiến: “Với cơ chế hiện nay thì không có một cơ quan nhà nước nào có tài sản độc lập, do đó xét cho cùng thì pháp luật Việt Nam hiện nay không có một pháp nhân công đúng nghĩa theo đúng Luật Dân sự. Đó là vấn đề cần phải thống nhất để sửa đổi, vì đây là nguyên lý chi phối các quan hệ dân sự”./.