Khai mạc phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
VOV.VN -Ủy ban Thường vụ cũng cho ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và xem xét, quyết định biên chế của Văn phòng Quốc hội.
Sáng nay (20/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 25, cho ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và xem xét, quyết định biên chế giai đoạn 2014 - 2016 của Văn phòng Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp với sự tham dự của các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thị Kim Ngân và Uông Chu Lưu.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Về phạm vi điều chỉnh, đa số đại biểu đề nghị dự án luật chỉ cần quy định “Luật này áp dụng đối với mọi tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là bao quát và đầy đủ vì Điều 1 của Hiến pháp đã ghi rõ lãnh thổ bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.
Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc sáng 20/2 tại Hà Nội |
Nhiều ý kiến đồng tình với việc có quy định đánh giá tác động môi trường hai bước. Tuy nhiên, có đại biểu cho cho rằng đánh giá tác động môi trường 2 bước có thể dẫn đến sự phức tạp, thủ tục hành chính rườm rà, tốn kém cho doanh nghiệp và đề nghị chỉ cần đánh giá một bước nhưng đảm bảo hiệu quả.
Vấn đề bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu được nhiều đại biểu quan tâm góp ý. Một số đại biểu đề nghị nghiên cứu, quy định rõ trong Luật nhóm phế liệu được phép nhập khẩu; bổ sung quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu được phép nhập khẩu; nghiêm cấm việc mua bán phế liệu đã nhập khẩu vào trong nước đồng thời cần có quy định chặt chẽ việc cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu nếu không nước ta sẽ trở thành bãi rác thải của thế giới.
Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói: “Cần cân nhắc việc cho phép nhập phế liệu. Phế liệu là nguyên liệu bỏ đi, các nước có trình độ khoa học hơn nước ta mà họ bỏ đi thì mình nhập làm gì. Trong dự thảo có danh mục nguyên liệu nhiều, rộng, kể cả loại không thể tiêu hủy như sắt, thép, nhựa giấy... Tôi cho rằng điều này cần cân nhắc, nếu không chúng ta thành bãi rác thải của thế giới.”
Những nội dung như quy hoạch bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cũng được các đại biểu tập trung góp ý. Theo các đại biểu, quy hoạch môi trường cần xem xét tới các nội dung liên quan của các quy hoạch khác như quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, ban soạn thảo cần cần nghiên cứu Hiến pháp mới để thể chế hóa dự án luật này cho phù hợp, nhất là các quy định về bảo vệ môi trường. Cần xem xét các nội dung liên quan giữa quy hoạch môi trường với các quy hoạch khác, cũng như kỳ quy hoạch 10 năm hay 20 năm. Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý hoàn chỉnh trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua./.