Lãnh đạo bỏ họp là thoái thác nhiệm vụ
VOV.VN - Khi lãnh đạo thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức chấp hành sẽ kéo theo nhiều hệ quả là thoái thác nhiệm vụ và khó lo được cho dân.
Tại Hội nghị thống kê bộ, ngành năm 2018 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phê bình nhiều bộ, ngành không nghiêm túc thực hiện pháp luật về thống kê, lại không cử lãnh đạo tham dự Hội nghị.
Nhiều bộ ngành không nghiêm túc thực hiện pháp luật về thống kê, cũng không cử lãnh đạo dự Hội nghị đã bị Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình |
Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo một số bộ ngành bị phê bình vì không tham dự họp. Đầu năm 2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản lưu ý thành viên Chính phủ bố trí công việc và thời gian công tác để tham dự đầy đủ các phiên họp thường kỳ Chính phủ, hạn chế cử người dự họp thay.
Tháng 8/2018, việc này lại được nhắc tới khi Văn phòng Chính phủ thông báo đến các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Có chuyện đó là vì một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện nghiêm quy chế làm việc của Chính phủ, dự họp không đúng giờ, về sớm khi cuộc họp chưa kết thúc, người dự họp không đúng thành phần, tự ý vắng mặt không báo cáo, không được sự đồng ý của lãnh đạo chủ trì cuộc họp.
Ở địa phương, đó là chuyện đó thường ngày ở huyện. Mới đây, lãnh đạo một số đơn vị, địa phương ở thành phố Hải Phòng, một số huyện ở tỉnh Bình Định, lãnh đạo các huyện Hương Khê, Kỳ Anh ở Hà Tĩnh bị phê bình vì vắng mặt hoặc bỏ về giữa chừng. Hay chuyện lãnh đạo và cán bộ huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) tự ý bỏ về khi đang giao ban trực tuyến.
Nhiều cán bộ lý giải vì phải họp liên miên, vì thiếu lãnh đạo, vì nhiều việc phải giải quyết. Nhưng có thực tế nhiều người không dám thẳng thắn thừa nhận là họ sợ họp, ngại họp, lười họp, thậm chí còn lười học Nghị quyết. Họ không nghĩ rằng đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ họ phải thực hiện, là biểu hiện của sự suy thoái, là thái độ không nghiêm túc trước yêu cầu của công tác quản lý điều hành.
Họp là một hình thức của hoạt động quản lý Nhà nước, một cách thức giải quyết công việc, thông qua đó, thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước trực tiếp thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động trong giải quyết các công việc thuộc chức năng, thẩm quyền của cơ quan mình theo quy định của pháp luật. Mỗi cuộc họp có mục đích và hình thức tổ chức khác nhau, nhưng đều phục vụ cho công tác quản lý điều hành.
Trách nhiệm, nghĩa vụ của lãnh đạo khi dự họp là phải lắng nghe, tiếp nhận chỉ đạo để triển khai thực hiện; Là phải chuẩn bị nội dung đóng góp ý kiến về các vấn đề được thảo luận tại cuộc họp; Là đề xuất phương án để thực hiện có hiệu quả đúng và trúng những vấn đề đã được nêu ra. Những việc người dân cần, trách nhiệm, nghĩa vụ ấy đã được pháp luật hành chính quy định.
Vậy lãnh đạo ngại họp, lười họp mà vắng mặt, không dự đến cùng cuộc họp thì làm sao chỉ đạo cấp dưới, làm sao nắm được chủ trương, chính sách, phương án để triển khai thực hiện. Làm sao ngăn ngừa được những tiêu cực có thể phát sinh ở địa phương, đơn vị. Làm sao người dân tin được những cán bộ lãnh đạo này đang làm việc vì dân, khi triển khai không đúng, không đầy đủ, sai lệch chủ trương, chính sách chung, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Dẫu rằng trong thực tế, có cuộc họp không cần thiết, không hiệu quả, ảnh hưởng đến các hoạt động công vụ khác của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền, nhưng không thể vin vào cớ này hay cớ khác để trốn họp hoặc tham dự lớt phớt theo kiểu sáng đông hơn chiều như một cách thoái thác nhiệm vụ.
Vậy nên, thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, quy định chế độ họp trong quản lý điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính Nhà nước là yêu cầu đặt ra đối với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu. Có vậy, Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ mới không phải nhắc nhở, phê bình, mới giữ được kỷ luật, kỷ cương hành chính. Có vậy, mới xứng với sự tín nhiệm của Đảng, lòng tin của dân, mới lo được cho dân./.
“Lười học Nghị quyết là biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị“
Kiên quyết khắc phục "bệnh" lười học Nghị quyết, học đối phó
Kiên quyết khắc phục “căn bệnh” ngại học, lười học Nghị quyết