Mạng xã hội là kênh nắm bắt dư luận xã hội quan trọng
VOV.VN - Tâm lý đám đông và hiệu ứng lan truyền có thể tạo nên cơn bão trong xã hội.
Trong các kênh nắm bắt dư luận xã hội, cần coi trọng mạng xã hội vì đây là kênh thông tin có sức loan tỏa rất nhanh và rộng. Nội dung này được nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác dư luận xã hội năm 2018 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng nay (25/1) tại Hà Nội.
Nhân dịp này, Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo TW được trao tặng Huân chương Lao động Hạng ba của Chủ tịch nước. Ông Võ Văn Thưởng- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW dự và phát biểu tại hội nghị.
Ông Võ Văn Thưởng trao Huân chương Lao động Hạng ba cho Viện nghiên cứu dư luận xã hội- Ban Tuyên giáo Trung ương |
“Hiện nay, có rất nhiều kênh để nắm bắt dư luận xã hội như hệ thống báo chí hay mạng lưới cộng tác viên nhưng mạng xã hội đang là xu thế phổ biến, được nhiều người sử dụng. Do đó, không nên xem mạng xã hội ở khía cạnh tiêu cực mà cần nhìn nhận nó như một kênh thông tin có tác động rộng rãi, nhanh chóng để kịp thời xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội”.
Kể câu chuyện tại Israel trong chuyến thăm quan, thực tế gần đây, ông Phùng Hữu Phú cho biết: “1 trong 2 vấn đề mà Đảng cầm quyền Israel quan tâm hiện nay là thích ứng và làm chủ mạng xã hội. Tài khoản của các vị lãnh đạo trên mạng xã hội dành 40% nội dung để chia sẻ về quan điểm, cuộc sống, gia đình … Những thông tin này sẽ tạo ra dư luận xã hội tích cực và có tính lan tỏa lớn”, ông nói
GS Phùng Hữu Phú kết luận: Người làm lãnh đạo phải hết sức quan tâm đến dư luận xã hội, lắng nghe và bình tĩnh xử lý thông tin, quyết tâm xử lý nếu không hậu quả sẽ khôn lường”.
GS-TS Phùng Hữu Phú phát biểu tại hội nghị |
Ông Võ Văn Phuông - Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Tuyên giáo TW cũng đồng quan điểm về vai trò của mạng xã hội: “Trước những thách thức phi truyền thống, trước yêu cầu của cách mạng công nghệ 4.0, trình độ dân trí ngày càng cao và dân chủ xã hội ngày càng mở rộng, kéo theo những góc nhìn, những tâm trạng xã hội đa chiều, cả tích cực và tiêu cực. Trong bối cảnh đó, mạng xã hội phải được coi trọng hơn vì nó có đường đi và sức ảnh hưởng rất lớn. Tâm lý đám đông và hiệu ứng lan truyền có thể tạo nên cơn bão trong xã hội”.
Ông Võ Văn Phuông nêu ví dụ: “Một chuyên gia khí tượng học trên thế giới cho rằng, cú đập cánh của một con bướm ở Brazil cũng có thể gây nên một cơn lốc ở bang Texas (Hoa Kỳ). Nhưng một cái đập khác cũng có thể dập tắt được nó. Tâm lý đám đông và hiệu ứng lan truyền trên mạng xã hội có thể gây nên cơn bão, tạo nên sự bất ổn trong xã hội ghê gớm”.
“Việc chúng ta tương tác, phân tích dư luận xã hội đã trở nên không hề đơn giản. Nhưng nếu chúng ta cập nhật, thích ứng cùng xu hướng của công nghệ, phân tích tốt và dự báo vững, chúng ta có thể làm chủ được tình thế, có thể đảo chiều và dập tắt được cơn bão đó, phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Điều này cũng đòi hỏi đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội phải không ngừng nỗ lực, nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị. Mỗi cộng tác viên dư luận xã hội cần trở thành một cần ăng-ten nhạy bén, bắt sóng dư luận, là chiếc hàn thử biểu để đo nhiệt độ, tâm trạng của xã hội”, ông Võ Văn Phuông nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội nghị |
Tại hội nghị, sau khi trao Huân chương Lao động Hạng ba cho Viện nghiên cứu dư luận xã hội nhân dịp 35 năm thành lập, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cộng tác viên làm công tác nghiên cứu dư luận xã hội trên toàn quốc với khoảng 12.000 người.
Phân tích tình hình trong nước, quốc tế, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, công tác tư tưởng phải đi trước, mở đường. Những quyết sách của Đảng và nhà nước phải là quyết sách của lòng dân và công tác nghiên cứu, định hướng dư luận ngày càng quan trọng. Bên cạnh đó, khi đưa chủ trương, quyết sách vào thực tiễn thì công tác nghiên cứu dư luận cũng phải đi tiên phong”.
Cùng với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong việc nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội, ông Võ Văn Thưởng lưu ý: Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh, nạn tin giả cũng xuất hiện ngày càng nhiều, gây chia rẽ, phân tán trong xã hội, làm sao, các sản phẩm báo cáo của Viện nghiên cứu dư luận xã hội phải khách quan, khoa học, phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Viện nghiên cứu dư luận xã hội phải là đơn vị đầu ngành nắm bắt dư luận xã hội, tăng cường công tác đào tạo, hợp tác quốc tế… để nâng cao uy tín và độ tin cậy của thông tin, đóng góp nhiều hơn cho công tác tham mưu của Ban Tuyên giáo, trong công tác chỉ đạo của Đảng và Nhà nước./.