“Mô hình phát triển Việt Nam được thế giới trân trọng”

VOV.VN - Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, thế giới ngày càng đánh giá cao mô hình phát triển Việt Nam. Trước đây, có ý kiến nói mô hình CNXH dị dạng, không giống với mô hình chung của thế giới. Nhưng càng ngày càng thấy mô hình của Việt Nam là đáng học tập, đáng trân trọng”.

Tại Hội nghị báo cáo viên trung ương khu vực phía Bắc tháng 4/2021 được tổ chức sáng 7/4 tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện lãnh đạo cơ quan tuyên giáo 14 tỉnh thành miền Bắc, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đã có những phân tích cụ thể, sâu sắc về “Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam sau 75 năm giành được độc lập, đặc biệt là sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới”.

Cơ đồ đất nước “thay da đổi thịt” từng ngày

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian gần đây “chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, vị thế, uy tín như hôm nay” có thể thấy không chỉ là ý kiến cá nhân của Tổng Bí thư mà có thể coi đó là một tổng kết mang tính khoa học cao. Đánh giá này cũng đã trở thành nội dung của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đó là cách tổng kết và đánh giá một cách ngắn gọn, khái quát cao về thành tựu của đất nước trong hơn 90 năm Đảng lãnh đạo cách mạng, hơn 75 năm xây dựng nhà nước Việt Nam DCCH nay là nước CHXHCN Việt Nam, đặc biệt là thành tựu của hơn 30 năm đổi mới.

Nhấn mạnh về cơ đồ đất nước, GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, đó là tiềm lực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh; hệ thống chính trị ngày càng hoàn thiện, vững mạnh. Đảng ta với trên 5 triệu đảng viên, có hệ thống tổ chức xuống tới cơ sở, đang triển khai quyết liệt công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, trong sạch vững mạnh; có nhà nước pháp quyền từng bước đi vào hiện đại; xây dựng nhà nước kiến tạo, liêm chính, vì dân… mở rộng hệ thống các tổ chức hội nghề nghiệp, phi chính phủ, tạo ra một không khí, xã hội dân chủ đang từng bước đi đến văn minh, công bằng. Có thể nói đó là bước tiến rất dài so với trước đây.

Gần đây, cả thế giới đều lao đao vì Covid-19, kể cả những cường quốc cũng không thể đứng vững. Trong bối cảnh đó, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia khống chế thành công đại dịch. Chúng ta có được thành quả đó là vì đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ Trung ương xuống cơ sở. Lâu nay có nhiều ý kiến nói hệ thống đó cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, nhưng hóa ra không phải. Lúc cần đến mới thấy hệ thống đó có sức mạnh rất lớn.

“Nông dân Việt Nam ngày đi ô tô ra ruộng, tối mặc comple đội mũ phớt đi uống cà phê, nghe nhạc”

Hình ảnh tồn tại hàng ngàn năm nay “con trâu đi trước, cái cày đi sau”, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp lạc hậu, nền nông nghiệp chiếm tới 90%. Nhưng giờ đây, chúng ta đã có được nền kinh tế độc lập tự chủ, đang chuyển động về mặt cơ cấu, đang vươn tới nền kinh tế có cơ cấu nông nghiêp, công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại, nông nghiệp ngày càng giảm, công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng; nông nghiệp giảm nhưng giá trị không giảm mà ngày càng tăng lên.

Từ nền kinh tế tự cung tự cấp là chính, chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường giao thương cả nước, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, trở thành một những nền kinh tế mở của thế giới. Từ lúc nền kinh tế thô sơ với con trâu, cái cày, giờ nông dân đã sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, nắm bắt nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ trong trồng trọt chăn nuôi. Nông dân Việt Nam không khác nhiều so với nông dân phương Tây, ngày đi ô tô ra ruộng, tối mặc comple đội mũ phớt đi uống cà phê nghe nhạc. Hình ảnh ấy khác quá xa, quá nhanh so với ít năm trước đây. Nhiều nhà máy, doanh nghiệp đi rất nhanh đến hiện đại. Từ thương mại truyền thống đi rất nhanh sang thương mại điện tử. Trong một số năm nữa khi đẩy nhanh chuyển đổi kinh tế số, kinh tế Việt Nam sẽ còn tiến nhanh hơn nữa.

“Những thứ mà chúng ta tưởng là bình thường, còn thiếu, nhưng quốc tế đánh giá tốt lắm. Chúng ta không say sưa với những thành tựu đó, nhưng có thể thấy đó để tự tin hơn trong thời gian tới”, GS.TS Phùng Hữu Phú nêu rõ.

Xã hội trước đổi mới có 70% hộ nghèo, giờ sau 35 năm đổi mới còn 4%, đó là thành tích lớn, đã được thế giới thừa nhận.

Về quốc phòng, những năm gần đây, chủ trương đưa một số quân binh chủng đi nhanh lên hiện đại, sản xuất vũ khí tối tân hơn, có khả năng tăng tiềm lực quân sự, phòng thủ quốc gia: tàu ngầm, tên lửa, máy bay hiện đại. không giàu nhưng phát triển công nghiệp quốc phòng, cải tiến vũ khí khí tài có hiệu suất chiến đấu cao. Chúng ta vẫn xây dựng thế trận phòng thủ, trên cơ sở quan tâm chăm lo thế trận lòng dân. Suốt mấy chục năm qua, trong những tình thế rất hiểm nghèo, vẫn giữ vững được an ninh chủ quyền, không có bất ngờ trong một thế giới hỗn loạn như thế. Chúng ta có được một xã hội ổn định, bình yên là nhờ có tiềm lực quốc phòng an ninh đủ mạnh để đảm bảo ổn định môi trường hòa bình. Cùng vì thế, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng của giới đầu tư nước ngoài, trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về thu hút đầu tư nước ngoài. Vấn đề bây giờ là làm sao để thể chế thông thoáng hơn, cơ sở kết nối hạ tầng thông thoáng hơn.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, những tiềm lực ấy kết nối với nhau tạo thành tiềm lực tổng hợp, tăng sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Tiềm lực là khả năng ẩn giấu bên trong, nhưng với Việt Nam, tiềm lực đã phát lộ, được phát huy, khai thác. Chính vì có tiềm lực tạo thành nội lực, là cơ sở để chúng ta tiếp thu sức mạnh, nguồn lực từ bên ngoài.

Thế giới ngỡ ngàng trước vị thế của Việt Nam

Từng là quốc gia không có tên trên bản đồ, bị bao vây, cấm vận, “thân thể” đầy vết thương sau chiến tranh, “chỗ dựa” thì sụp đổ. Trong bối cảnh đó, thực hiện đúng đường lối đối ngoại, là đối tác, là bạn, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã thực hiện bằng hành động chứ không chỉ lời nói, dẫn tới vị thế quốc tế được nâng lên rõ rệt. Chúng ta đăng cai tổ chức nhiều hội nghị quốc tế lớn, hội nghị của liên minh nghị viện, đón các nguyên thủ quốc gia, nhiều nguyên thủ nước lớn đến Việt Nam với tần suất cao. Đặc biệt, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều được tổ chức ở Hà Nội, đã khiến thế giới ngỡ ngàng. Đó là sự kiện “biết nói”, khách quan, cho thấy vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao.

Từ cơ đồ tiềm lực, vị thế tạo ra uy tín khách quan của Việt Nam. Trước hết là uy tín đối với Đông Nam Á, Việt Nam là một thành viên tích cực có trách nhiệm, nhiều đóng góp. Những lần Việt Nam đóng vai trò Chủ tịch khối ASEAN đã thể hiện rất xuất sắc. Những năm Việt Nam làm Chủ tịch, hoạt động của khối rất sôi động có nhiều sáng kiến. Từ đó dẫn đến hệ quả tất yếu là các nước lớn muốn đặt chân và phát huy ảnh hưởng ở khu vực đều muốn qua Việt Nam. Trong các cuộc gặp, họ bày tỏ mong muốn “hy vọng Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để thâm nhập rộng hơn vào ASEAN”. Như vậy, tiếng nói của Việt Nam có trọng lượng trong khu vực.

Mô hình phát triển Việt Nam được thế giới trân trọng

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, điều đáng mừng nhất là thế giới ngày càng đánh giá cao mô hình phát triển Việt Nam. Trước đây, có ý kiến nói mô hình CNXH dị dạng, không giống với mô hình chung của thế giới. Nhưng càng ngày càng thấy mô hình của Việt Nam là đáng học tập, đáng trân trọng. Đảng cộng sản Nhật Bản, một đảng kỳ cựu, có vị thế lâu năm cũng đánh giá rất cao Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ thấy chúng ta đổi mới không vì mình mà vì phong trào cộng sản to lớn của thế giới. Hay sự kiện Nhà Trắng đón Tổng Bí thư Việt Nam là không có tiền lệ trong giao tiếp, khẳng định Hoa Kỳ tôn trọng chế độ chính trị, con đường phát triển của Việt Nam.

Qua đại dịch Covid-19, càng thấy mô hình đó rất đang nể trọng và học tập. Việt Nam là hình mẫu cho nhiều quốc gia dân tộc noi theo. Đặc biệt, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, chỉ số đo độ uy tín rõ nhất là tại Đại hội XIII của Đảng vừa qua, đã nhận được 368 thư điện của các tổ chức, chính đảng…  gửi đến chúc mừng. Đó là con số biết nói chứng minh uy tín của Đảng, Nhà nước và đất nước ngày càng nâng cao trong con mắt bạn bè quốc tế.

GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, chúng ta thống nhất đánh giá chưa bao giờ Việt Nam có cơ đồ tiềm lực vị thế uy tín như hôm nay là cơ sở để chúng ta tin vào bản thân, có đủ khả năng để tiếp tục đi tới. Với những gì đang có, chúng ta có thể đi tới mục tiêu xa hơn hoàn toàn là hiện thực nếu chúng ta phát huy tốt tiềm lực, vị thế, uy tín. Trong con đường đi lên chắc chắn còn nhiều khó khăn, cạm bẫy, nhưng tuyệt đối không được để mất niềm tin, đừng “nhìn cây không thấy rừng”, chỉ “nhìn hiện tượng mà không thấy bản chất”; Tư tưởng phải thống nhất, nhưng tuyệt đối không được chủ quan, những “tật bệnh” phải kiên quyết xử lý, để phát triển nhanh và bền vững hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Báo chí nước ngoài đánh giá cao bộ máy lãnh đạo mới của Việt Nam
Báo chí nước ngoài đánh giá cao bộ máy lãnh đạo mới của Việt Nam

VOV.VN - Ngay sau khi Quốc hội Việt Nam bầu thành công các chức danh chủ chốt vào ngày 5/4, báo chí quốc tế đã đăng tải nhiều bài viết liên quan tới việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Việt Nam.

Báo chí nước ngoài đánh giá cao bộ máy lãnh đạo mới của Việt Nam

Báo chí nước ngoài đánh giá cao bộ máy lãnh đạo mới của Việt Nam

VOV.VN - Ngay sau khi Quốc hội Việt Nam bầu thành công các chức danh chủ chốt vào ngày 5/4, báo chí quốc tế đã đăng tải nhiều bài viết liên quan tới việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Việt Nam.

Học giả Nga: Đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam vừa kế thừa, vừa phát triển
Học giả Nga: Đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam vừa kế thừa, vừa phát triển

VOV.VN - "Tôi cho rằng, đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam là những cán bộ có năng lực rất tốt, thành phần vừa có sự kế thừa, ổn định, vừa đảm bảo tính phát triển".

Học giả Nga: Đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam vừa kế thừa, vừa phát triển

Học giả Nga: Đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam vừa kế thừa, vừa phát triển

VOV.VN - "Tôi cho rằng, đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam là những cán bộ có năng lực rất tốt, thành phần vừa có sự kế thừa, ổn định, vừa đảm bảo tính phát triển".

Báo chí Trung Đông, châu Phi đưa tin đậm nét về lãnh đạo cấp cao mới của Việt Nam
Báo chí Trung Đông, châu Phi đưa tin đậm nét về lãnh đạo cấp cao mới của Việt Nam

VOV.VN - Nhiều tờ báo và tin tức khu vực Trung Đông, châu Phi ngày 6/4 đã đăng tải tin bài về việc Quốc hội Việt Nam bầu nhân sự cấp cao trong đó có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính, đồng thời tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, cùng quốc tế thúc đẩy hòa bình.

Báo chí Trung Đông, châu Phi đưa tin đậm nét về lãnh đạo cấp cao mới của Việt Nam

Báo chí Trung Đông, châu Phi đưa tin đậm nét về lãnh đạo cấp cao mới của Việt Nam

VOV.VN - Nhiều tờ báo và tin tức khu vực Trung Đông, châu Phi ngày 6/4 đã đăng tải tin bài về việc Quốc hội Việt Nam bầu nhân sự cấp cao trong đó có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính, đồng thời tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, cùng quốc tế thúc đẩy hòa bình.