Né tránh tiếp công dân là trái với quy định của pháp luật
VOV.VN - Người đứng đầu nhiều tháng, nhiều năm không tiếp công dân lần nào thì cũng có nghĩa là không hoàn thành trách nhiệm của mình.
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023, có 390.980 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 37,5% so với năm 2022), với tổng số người được tiếp là 433.832 người (tăng 41,8%) về 294.622 vụ việc (tăng 33,2%), có 2.929 đoàn đông người (tăng 26,6%).
Trong khi đó, việc thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa đạt yêu cầu (chỉ đạt 45%) và cũng mới chỉ đạt 92% số ngày tiếp theo quy định.
Theo ông Vũ Trọng Kim, đại biểu Quốc hội khoá 15, trách nhiệm của người đứng đầu, trưởng ngành là phải gần dân, sát dân, lắng nghe dân để hiểu họ mong muốn gì ở cơ quan chính quyền, ở các quyết sách… Bởi vậy, nếu người đứng đầu nhiều tháng, nhiều năm không tiếp công dân lần nào thì cũng có nghĩa là không hoàn thành trách nhiệm của mình.
“Đây là nhiệm vụ được phân công theo luật định mà Bộ trưởng hay Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh không làm, thậm chí còn có tâm ly ngại, né tránh tiếp dân thì điều đó rõ ràng là sai quy định của pháp luật”.
Tiếp công dân là hoạt động vô cùng quan trọng, là “chìa khoá” để kịp thời xử lý vụ việc ngay từ khi còn là “đốm lửa nhỏ” không để bùng lên thành “đốm lửa lớn”, “đám cháy lớn”.
“Quy định của pháp luật đã nói rõ là mỗi tháng có một ngày Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phải tiếp công dân. Do đó Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phải là người trực tiếp tiếp dân chứ không phải là phân công cho một ai đó”. Không những thế, Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm về việc đề ra quy chế và phân công công chức của mình, những người có năng lực để gặp gỡ, tiếp nhận những ý kiến của công dân về khiếu nại, tố cáo kiến nghị và phản ánh. Đây là yêu cầu hết sức cần thiết.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến người đứng đầu một số cơ quan bộ, ngành, địa phương ngại tiếp dân, thậm chí đùn đẩy, né tránh?
Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Trọng Kim cho rằng, lý do đầu tiên là do tinh thần chấp hành pháp luật. Thậm chí nhiều người đứng đầu còn viện dẫn lý do bận công tác, bận họp để không trực tiếp công dân, ủy quyền cho cấp phó của mình. Điều này đã làm cho các quy định không được thực thi một cách đầy đủ, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân
Một lý do nữa, theo ông Vũ Trọng Kim, đó là những người đứng đầu dường như chưa coi trọng đúng mức trách nhiệm phải tiếp công dân theo định kỳ nên chưa chú ý trong xếp xếp thời gian, lịch cụ thể để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này.
“Điều này phần nào thiếu tôn trọng đối với công nhân. Vì việc được kiến nghị trực tiếp tới người đừng đầu, trưởng ngành không chỉ là mong muốn thực sự của người dân mà đó là quy định của pháp luật. Cho nên cần coi đó là một tiêu chí để hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu”.
Ngoài ra ông Vũ Trọng Kim cũng thẳng thắn cho rằng, năng lực chuyên môn chưa đáp ứng, không nắm chắc vấn đề của người đứng đầu cũng khiến họ ngại khi phải đối mặt trực tiếp với người dân, thậm chí sợ liên luỵ trách nhiệm nên uỷ quyền cho cấp dưới giải quyết.
Liên quan công tác tiếp công dân, mới đây thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ lý do việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ "tiếp ít, ủy quyền nhiều".
Nêu ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị làm rõ và công khai thông tin các đơn vị nào mà người đứng đầu không trực tiếp tiếp công dân, kể cả cấp tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng các ngành; công khai báo cáo Quốc hội. “Nếu có địa chỉ, công khai thì tình hình năm sau sẽ chuyển biến tích cực”- Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu quan điểm.
Còn theo ông Vũ Trọng Kim đây cũng có thể xem là một giải pháp, một hình thức phê bình nghiêm khắc và đánh vào lòng tự trọng. Tuy nhiên để khắc phục một cách hiệu quả hơn tình trạng người đứng đầu, bộ trưởng, trưởng ngành né tránh việc tiếp dân thì trước hết Thủ tướng Chính phủ cần phải kiểm tra, đôn đốc vấn đề này đối với những người có trách nhiệm trả lời công dân. Đồng thời các Uỷ ban của Quốc hội phải phối hợp với các cơ quan khác vào cuộc tăng cường giám sát để việc thi hành Luật tiếp công dân hiệu quả mà đúng với mong muốn, kỳ vọng của người dân.
Bên cạnh đó để nâng cao chất lượng các buổi tiếp công dân của người đứng đầu, Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim cũng mong muốn, người đứng đầu cơ quan hành chính cấp tỉnh, cũng như người đứng đầu cơ quan bộ, ngang bộ phải nghiên cứu kỹ các vụ việc trước khi tiếp xúc với người dân để có câu trả lời phù hợp, đúng chính sách pháp luật, đảm bảo các yêu cầu nguyện vọng chính đáng của họ. Đồng thời theo quy định sau 10 ngày, phải có trách nhiệm thông báo kết quả xử lý vụ việc cho người dân.
“Vụ việc nào phải dứt điểm vụ việc đó không được để cho người dân đi tới đi lui”. Điều này vừa thể hiện tinh thần trọng dân, lắng nghe dân; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ quan hành chính nhà nước ở các cấp.